Việt Nam cân nhắc kỹ việc áp thuế tối thiểu toàn cầu
Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính đánh giá toàn diện tác động thuế tối thiểu toàn cầu với ngân sách, đầu tư để khẳng định "Việt Nam nên hay không tham gia" áp thuế này.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng năm 2024. Mức tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.
Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về chính sách thuế này tác động tới Việt Nam. Tuy nhiên, tại thông báo kết luận cuộc họp thuế tối thiểu toàn cầu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá báo cáo của Bộ Tài chính chưa phân tích kỹ tác động, đặc biệt là tác động bất lợi với nhà đầu tư đã được cam kết ưu đãi, nếu Việt Nam áp thuế này.
Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. Vì thế, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá toàn diện tác động thuế này tới ngân sách, nhà đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc này ngoài làm rõ hơn nội hàm chính sách, còn để khẳng định Việt Nam "nên hay không nên tham gia" áp thuế tối thiểu toàn cầu. Bộ Tài chính cần đưa ra giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động bất lợi của loại thuế này.
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các nước đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu khoảng 20,7 tỷ USD một năm và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu từ 10%. Ước tính, khoảng 100 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới bị ảnh hưởng.
Theo phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Chẳng hạn, thuế suất phổ thông là 20%, còn mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài 10-17% hay ưu đãi đặc biệt dao động 5-9%, áp dụng tuỳ lĩnh vực, quy mô và địa bàn đầu tư. Chưa kể, nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn được miễn, giảm 50% thuế suất trong kỳ ưu đãi.
Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, khối FDI góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Nêu quan điểm về thuế tối thiểu toàn cầu tại hội thảo cuối tháng 3, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) dự đoán Việt Nam sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh thuế suất. Theo ông, với việc miễn, giảm thuế trong hơn 10 năm đầu tiên với nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên của Chính phủ khi thu hút dòng vốn FDI không phải là tăng ngân sách. Ông dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết với nhà đầu tư để giữ uy tín quốc gia.
Thực tế, giới phân tích cho rằng Việt Nam có tăng thuế hay không thì các tập đoàn đa quốc gia vẫn phải đóng thuế bổ sung ở nước khác theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển giá.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn lưu ý, việc tăng thuế có thể khiến hoạt động chuyển giá diễn ra nhiều hơn, giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời không đạt được các mục tiêu quan trọng khác với khối doanh nghiệp FDI.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh quan điểm phải bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế, thay vào đó Việt Nam nói chung cần tập trung đầu tư cho chất lượng lao động để nguồn nhân lực trở thành hấp lực chính trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận