Việt Nam cần 7-10 tỉ USD mỗi năm để đầu tư phát triển nguồn điện
Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000 MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần khoảng từ 7-10 tỉ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải.
Sáng 22-7, Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam về triển khai Nghị quyết số 55/2020 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết thời gian qua ngành năng lượng Việt Nam đã phát triển nhanh, tương đối đồng bộ và đây là ngành kinh tế năng động, đảm bảo quốc phòng an ninh ở các địa phương.
Tuy nhiên, năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém, nhiều dự án chậm tiến độ, quản lý và khai thác tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là độc quyền nhà nước trong ngành năng lượng và chính sách giá năng lượng còn bất cập.
Với Nghị quyết 55 vừa ban hành đã dành sự ưu tiên hơn các nguồn năng lượng tái tạo, nên để ngành phát triển trong thời gian tới, ông Bình đề nghị các nhà đầu tư cần kiến nghị, đề xuất để xây dựng ngành năng lượng cạnh tranh, hiệu quả, minh bạch cũng như những khó khăn, vướng mắc để tư nhân xây dựng nguồn, truyền tải điện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000 MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần khoảng từ 7-10 tỉ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải.
"Cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực và Chính phủ đang tập trung nguồn lực để sửa luật liên quan, xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển nguồn điện, hệ thống truyền tải, cơ chế đầu tư đấu thầu phù hợp" - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương đẩy nhanh lập quy hoạch điện lực quốc gia, xác định quy mô nguồn điện trong từng giai đoạn, đảm bảo tự chủ năng lượng, trong đó, giảm dần các nguồn nhiệt điện giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường để tăng sử dụng năng lượng tái tạo.
Về chuyển đổi ngành năng lượng theo cơ chế thị trường, ông Dũng cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã thực hiện theo giá thị trường, có sự kiểm soát của nhà nước và sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm vào năm 2022.
Nghị quyết 55 mở ra cánh cửa mới, sớm có chương trình hành động
Đánh giá Nghị quyết 55 có ý nghĩa "mở ra những cánh cửa mới", Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động, dự kiến vào tháng 7 - 2020. Bộ cũng có những giải pháp như xây dựng Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung, điều chỉnh các dự án điện vào Quy hoạch điện VII trong khi chờ Quy hoạch điện VIII.
Ông Tuấn Anh cho rằng việc triển khai dự án còn gặp khó khăn, do vướng mắc ở các luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản... nên sẽ sớm tổng kết, rà soát, hạn chế sự chồng chéo, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán.
Đáng chú ý, để giải quyết những thách thức cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, bổ sung cơ chế đấu thầu cạnh tranh dự án, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế về tài chính, vốn, công nghệ...,
Cùng các giải pháp trên, sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành năng lượng, đảm bảo môi trường, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng gắn với thúc đẩy vai trò địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận