24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quan Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Việt Á 'lót tay' thế nào để độc quyền xét nghiệm Covid-19 ở Hải Dương?

Việt Á chi 20-25% giá trị hợp đồng mua kit test Covid-19 cho CDC Hải Dương, hối lộ 4 tỷ đồng Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng với tham vọng "độc quyền xét nghiệm" tại các khu công nghiệp.

Ông Thăng, 57 tuổi, là một trong 3 nguyên ủy viên trung ương bị đề nghị truy tố trong đại án Việt Á. Hai người còn lại là cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Ngoài ông Thăng, tại nhóm cán bộ công tác tại Hải Dương, C03 đề nghị truy tố ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế, về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; ông Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC, về tội Nhận hối lộ; Nguyễn Mạnh Cường, kế toán trưởng CDC và bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc trung tâm tư vấn tài chính Sở Tài chính, bị đề nghị tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Chủ mưu bị cáo buộc tội Đưa hối lộ là Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á.

Theo kết luận, từ năm 2020 đến 2021, Hải Dương liên tiếp bùng phát các ổ Covid-19 khiến phải ba lần công bố dịch. Nhận thấy đây là địa bàn tiềm năng, Phan Quốc Việt gọi điện cho ông Tuyến đề nghị cho Việt Á được cung cấp kit xét nghiệm, vật tư y tế tại địa phương. Tuy nhiên ông Tuyến nói "việc này phức tạp", không đủ thẩm quyền giải quyết.

Việt dùng mối quan hệ thân tình với thư ký Nguyễn Huỳnh để thông qua anh ta nhờ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tác động giúp với Bí thư Hải Dương Phạm Duy Thăng. Trùng hợp lúc này đang diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII ở Hà Nội nên ông Long gặp trực tiếp ông Thăng đề nghị giúp đỡ Việt.

Cựu bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ảnh: Hoàng Phong

Trong buổi họp trực tuyến phòng chống dịch, ông Thăng chỉ đạo "thực hiện hợp đồng kinh tế với Việt Á" và ưu tiên số một là xét nghiệm vì "Việt Á đã vào cuộc với chúng ta, đây là một công ty tin cậy, Bộ trưởng Y tế đã khẳng định". Ông Thăng sau đó tiếp tục yêu cầu toàn tỉnh huy động tối đa nhân lực, máy móc cùng với Việt Á để khi xét nghiệm Covid-19 thì trả kết quả trong ngày.

Ngược với quan điểm của bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái khai rằng lúc đó thấy giá xét nghiệm của Việt Á cao hơn hãng khác. Tuy nhiên ông Thăng vẫn chốt "để cho Việt Á làm", cơ quan điều tra kết luận.

Được bí thư đồng ý, Giám đốc CDC Tuyến gọi cho Việt thông báo: "Khẩn trương cho máy và người về hỗ trợ tỉnh". Ngay trong tháng 1/2021, Việt Á đã đưa thiết bị y tế về Hải Dương phục vụ xét nghiệm phòng chống dịch.

Hối lộ để xét nghiệm truy vết "tận thu"

Thời điểm này, ngoài Việt Á còn một số đơn vị khác đang cùng tham gia xét nghiệm tại Hải Dương và giá rẻ hơn rất nhiều. Với tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động và cùng CDC Hải Dương độc quyền xét nghiệm, ngày 20/2/2021, Việt đến phòng làm việc trao đổi với Bí thư Thăng.

Việt đề nghị ông Thăng tạo điều kiện cho Việt Á được tham gia xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp và cả người lao động ngoài khu công nghiệp. Cơ quan điều tra cáo buộc mục đích của Việt là "được xét nghiệm trên diện rộng, tăng công suất, tạo nguồn thu trái pháp luật đặc biệt lớn".

Ông Thăng đồng ý, giao Việt Á là "đơn vị chủ công trong xét nghiệm ở tỉnh" mà không chỉ đạo lựa chọn doanh nghiệp có giá rẻ hơn. Tại buổi gặp này, Việt đưa ông Thăng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng).

Từ đó, Giám đốc Việt Á được tham gia vào cuộc họp giữa Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Việt sau đó đề nghị về việc xét nghiệm 60.000-80.000 mẫu/ngày. Ông Thăng đồng ý.

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an

Vì Ban thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, CDC Hải Dương đã phối hợp cùng Việt Á làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng và thanh toán theo giá doanh nghiệp đưa ra là 470.000 đồng/kit. Khi bảo vệ được thành công đơn giá kit xét nghiệm Việt Á, trong năm 2021, Sở Y tế Hải Dương đã cấp 3 đợt ngân sách tổng cộng 217 tỷ đồng cho CDC Hải Dương.

C03 kết luận, CDC Hải Dương đã mua hơn 220.000 kit xét nghiệm của Việt Á và đã thanh toán 106 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 73 tỷ đồng. Ông Thăng thừa nhận đã kết luận không đúng thẩm quyền, quy chế làm việc để Việt và Tuyến "lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát ngân sách".

Chi 25% ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương

Quá trình thực hiện hợp đồng mua kit xét nghiệm, Việt đề nghị ông Tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Á bán sản phẩm, thanh toán tiền theo đơn giá đưa ra. Đổi lại, Việt Á sẽ chi 20-25% giá trị hợp đồng cho CDC Hải Dương.

Trong các đợt thanh toán, nhân viên Việt Á đã tính toán để xác định số tiền % ngoài hợp đồng để chuyển cho CDC Hải Dương là 27 tỷ đồng, tương đương 20-25%. Số tiền này, nhân viên Việt Á chuyển 22 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng của bạn học ông Tuyến (hiện là bảo vệ của CDC), 5 tỷ đồng vào số tài khoản của chủ tiệm vàng Kim Hiển (thông gia nhà ông Tuyến). Nội dung các lần chuyển khoản đều là "thanh toán tiền mua hàng".

Sau khi nhận được "hoa hồng", ông Tuyến 3 lần đưa cho bí thư Thăng, tổng cộng 600 triệu đồng và 50.000 USD. Lần đầu vào tháng 5/2021, ông Tuyến đến phòng làm việc của ông Thăng đưa 300 triệu đồng để nhờ bí thư quan tâm hơn đến việc UBND tỉnh bố trí vốn cho CDC Hải Dương có tiền mua kit xét nghiệm. Hai lần sau đưa 300 triệu đồng và 50.000 USD, Tuyến đều nhờ ông Thăng quan tâm giúp và chỉ đạo việc thanh toán tiền cho Việt Á.

Cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến. Ảnh: Bộ Công an

Ngoài bí thư, ông Tuyến 6 lần đến phòng làm việc đưa tổng cộng 7 tỷ đồng cho Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường. Cảnh sát xác định khi đưa nhận tiền, hai người không bàn bạc hay thống nhất nội dung. Ông Cường cũng không gây khó khăn gì để Tuyến phải đưa tiền.

Theo kết luận, Tuyến còn đưa tổng cộng 2,12 tỷ đồng cho một số lãnh đạo, cán bộ CDC. Khi đưa chỉ nói là tiền "Tuyến cho, cho vay" chứ không thỏa thuận về nội dung gì. Phần tiền hơn 16 tỷ đồng giữ lại cho cá nhân, ông Tuyến mở một sổ tiết kiệm một tỷ đồng và còn lại chi tiêu hết. Hiện gia đình đã nộp khắc phục hơn 12 tỷ đồng.

Theo kết luận, ông Thăng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy để thực hiện các hành vi sai phạm, gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng và nhận tổng cộng 4 tỷ đồng. Hành vi của ông Thăng cấu thành tội nhận hối lộ nên C03 thay đổi quyết định khởi tố từ tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Nhận hối lộ. Tuy nhiên VKSND Tối cao chưa có quyết định "phê chuẩn hay không phê chuẩn".

Hiện, ông Thăng là bị can duy nhất trong vụ án chưa rõ về tội danh. Khi điều tra, ông Thăng thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác để làm rõ bản chất vụ án và đã khắc phục toàn bộ 4 tỷ đồng đã nhận.

Phạm Dự

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả