Việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao của ông Donald Trump ảnh hưởng gì đến Việt Nam?
Dù nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như lần đầu, nhưng VinaCapital nhận thấy rủi ro rất thấp rằng các chính sách thuế quan sẽ làm gián đoạn đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Rủi ro thấp
Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường VinaCapital - khẳng định, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhất ở châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump. Dù nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như lần đầu nhưng VinaCapital nhận thấy rủi ro rất thấp về các chính sách thuế quan của ông Trump sẽ làm gián đoạn đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam - tức là trái ngược hoàn toàn với những nhận định được một số bài báo đưa ra kể từ khi ông Trump tái đắc cử.
Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhất ở châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.
“Tuần trước, ông Trump đã chọn ông Scott Bessent - người được coi là Bộ trưởng Tài chính lý tưởng cho Việt Nam. Ông Bessent đã nhiều lần nói rằng, các đề xuất thuế quan của ông Trump là cực đoan có thể sẽ được giảm nhẹ trong các cuộc đàm phán. Thông báo gần đây của ông Trump về việc ông dự định áp mức thuế 25% đối với Canada và Mexico nên được hiểu theo hướng này”, ông Michael Kokalari nói.
Quan trọng hơn đối với Việt Nam, ông Bessent ủng hộ việc xem xét các mục tiêu địa chính trị của Mỹ khi xác định mức thuế đối với từng quốc gia. Chi tiết về cách thức chiến lược này có thể hoạt động, cũng như các khía cạnh khác của chiến lược thuế quan của ông Trump, đã được phác thảo trong một báo cáo mang tên “Hướng dẫn về cải cách hệ thống thương mại toàn cầu”. Tài liệu này đã được công bố rộng rãi sau khi ông Trump đắc cử, do một cố vấn cấp cao về chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump viết.
Hôm 7/11, VinaCapital đã công bố báo cáo với tiêu đề “Ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ không gây tác động lớn đến kinh tế Việt Nam”, trong đó nhận định rằng Việt Nam có thể giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, vốn có chi phí sản xuất quá cao để sản xuất tại Mỹ.
Cần giảm thặng dư thương mại với Mỹ
Tuần trước, bài viết trên Forbes đã trích lời một chuyên gia chuỗi cung ứng cho rằng nếu trước đây hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc thì bây giờ sẽ được sản xuất tại Việt Nam, vì sản xuất sẽ không quay trở lại Mỹ. Một bài viết khác trích lời CEO của Black and Decker cho biết công ty của ông khó có thể chuyển các công việc sản xuất trở lại Mỹ vì điều đó không hiệu quả về mặt chi phí.
“Ông Trump muốn đưa các công việc sản xuất quay trở lại Mỹ. Ông đã công khai về ý định sử dụng thuế quan để đạt được mục tiêu này trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Cốt lõi của chiến lược thuế quan mà ông Trump sẽ áp dụng là sử dụng thuế để gây áp lực để Trung Quốc, Đức, các quốc gia khác xây dựng nhà máy tại Mỹ và thúc đẩy sự hợp tác rộng rãi cho một thỏa thuận “Plaza Accord 2.0” nhằm làm giảm giá trị đồng USD khoảng 20%”, ông Michael Kokalari nói.
Việt Nam cần có các biện pháp để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Chuyên gia của VinaCapital khẳng định, mục tiêu thứ hai sẽ khuyến khích việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ và sẽ có lợi cho Việt Nam vì Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều tiết tỷ giá VNĐ theo đồng USD.
Tuy nhiên, rủi ro trước mắt lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là khả năng đồng USD tiếp tục tăng giá. Chỉ số USD/DXY đã tăng khoảng 7% trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử, phần nào do lo ngại về thuế quan. Tỷ giá USD/VNĐ đã giảm gần 5% tính đến thời điểm này trong năm và nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng, mức giảm tỷ giá VNĐ có thể vượt qua ngưỡng quan trọng 5% trong năm, khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc tăng lãi suất để hỗ trợ đồng VNĐ.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ vào khoảng 100 tỷ USD - là thặng dư lớn thứ ba chỉ sau Mexico và Canada. Để đặt con số này vào ngữ cảnh, Bộ Tài chính Mỹ có ba tiêu chí để coi một quốc gia là “thao túng tiền tệ”, trong đó có việc duy trì thặng dư thương mại trên 30 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần có các biện pháp để giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng cường mua thêm các sản phẩm của Mỹ như khí hóa lỏng LNG, động cơ máy bay….
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường