Vì sao VNPost liên tục thất bại khi thoái vốn khỏi LienVietPostBank?
Như phân tích trước đó của ĐTTC, đã không có nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, Mã: LPB), khi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) dự định mang ra đấu giá.
Việc VNPost không thể thoái vốn khỏi LienVietpostBank, cho thấy ngân hàng này đang đối mặt với quá nhiều thách thức, từ việc xử lý nợ xấu cho đến khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng.
“Mang đến lại mang về”
Theo kế hoạch, HNX sẽ tổ chức phiên bán đấu giá LPB vào ngày 21-4, nhưng đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15 giờ 30 ngày 14-4), vẫn không có NĐT đăng ký tham gia mua cổ phần của VNPost. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank, về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu CP LPB do VNPost sở hữu.
Cùng với thông báo trên, HNX cũng cung cấp thông tin về phiên đấu giá số CP này vào ngày 21-4, với giá khởi điểm 22.908 đồng. Tại thời điểm công bố thông tin, mã LPB đang giao dịch ở mức giá dưới 15.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với giá khởi điểm VNPost mang ra chào bán cao hơn 55% so với thị giá. Đặc biệt, nếu so với thị giá của LPB tại thời điểm hết hạn đặt cọc, chênh lệch giá lên đến 60%.
Theo giới phân tích, việc VNPost tiếp tục thất bại trong việc thoái vốn khỏi LienVietpostBank không quá bất ngờ, bởi mức giá chào bán quá cao so với thực tế. Thậm chí, trước khi VNPost công bố giá khởi điểm, nhiều CTCK cũng chỉ định giá mục tiêu 1 năm tới cho LPB ở mức 17.000 đồng/CP.
Đây cũng là nguyên nhân VNPost có lịch sử “mang đến lại mang về” khi thoái vốn khỏi ngân hàng này. Cụ thể, đầu năm 2022 VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu CP LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/CP, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô CP. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã thất bại thảm hại, khi chỉ có 7 NĐT cá nhân trong nước mua thành công vỏn vẹn 800 CP, với giá đấu bình quân 29.483 đồng.
Nỗi lo hậu thoái vốn
Nằm trong kế hoạch thoái vốn của VNPost khỏi LienVietPostBank, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31-12-2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch (PGD) bưu điện trực thuộc LienVietPostBank.
Theo đó, kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ, PGD bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó.
Như vậy, từ lợi thế cạnh tranh, việc đóng cửa hàng trăm PGD bưu điện trên cả nước trở thành bất lợi của LienVietpostBank khi VNPost thoái vốn.
Theo số liệu từ NHNN, tại thời điểm VNPost góp vốn và trở thành cổ đông của LienVietPostBank (năm 2011), tổng số bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện là 798. Sau khi VNPost góp vốn vào LienVietPostBank, các bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện chuyển thành 798 PGD bưu điện của LienVietPostBank.
Các PGD này thực hiện các dịch vụ ngân hàng hạn chế theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 43. Đây cũng là lý do khiến HĐQT của LienVietPostBank luôn “đau đáu” về hệ thống PGD bưu điện, dù mang lại lợi thế cạnh tranh và độ rộng trong việc nhận diện thương hiệu.
Lý do là nhân sự tại PGD bưu điện là nhân sự của VNPost, hầu hết không có chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo chuyên sâu về ngân hàng, có rủi ro đạo đức, thực hiện kiêm nhiệm cả nghiệp vụ bưu điện và nghiệp vụ của ngân hàng. Do đó, LienVietPostBank gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhân sự và phân định trách nhiệm của nhân sự tại các PGD bưu điện.
Bên cạnh đó, nhiều PGD bưu điện đặt xa trụ sở chi nhánh LienVietPostBank, hoặc đặt tại nơi không có chi nhánh, PGD dịch của ngân hàng, dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày đối với hoạt động của PGD bưu điện.
Khó duy trì đà tăng trưởng
Ngoài nỗi lo sau khi “ông lớn” VNPost thoái vốn, một trong những nỗi lo lớn nhất của cổ đông LienVietPostBank là rủi ro nợ xấu. Theo báo cáo tài chính quý IV-2022, tỷ lệ nợ xấu tăng 6 điểm cơ bản so với quý trước và 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 1,5% vào cuối 2022. Trong cả năm 2022, LienVietPostBank đã sử dụng dự phòng để xử lý 1.400 tỷ đồng nợ xấu (tăng 237%), tương ứng với tỷ lệ 0,6% trên dư nợ cho vay.
LienVietPostBank hiện không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, nhưng theo dự báo của giới phân tích, chi phí dự phòng của ngân hàng vẫn sẽ cao trong giai đoạn 2023-2024, với lần lượt 3.000 tỷ đồng và 3.200 tỷ đồng, tương ứng 1,2% dư nợ cho vay.
Giai đoạn 2019-2022, thu nhập từ phí, đặc biệt là phí bancassurance chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu của LienVietPostBank. Đơn cử, năm 2022 thu nhập từ phí bancassurance chiếm đến 12% tổng thu nhập, cao hơn gấp đôi so với thời điểm 2016 là 6%.
Có thể nói, hoạt động bancassurance là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ phí cho LienVietPostBank trong giai đoạn này. Doanh thu từ phí cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công cho LienVietPostBank trong năm vừa qua. Cụ thể, năm 2022, ngân hàng ghi nhận kỷ lục lợi nhuận sau thuế đạt 4.510 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2021.
Cuối năm 2022, LienVietPostBank đã tiếp tục ký thỏa thuận độc quyền mới với Dai-ichi Life có thời hạn 15 năm (bắt đầu từ tháng 12-2022). Dù không tiết lộ số phí trả trước hay cách ghi nhận khoản phí này, nhưng nếu dựa trên so sánh với VPBank đã nhận được 5.500 tỷ đồng phí trả trước từ thương vụ với AIA năm 2022, ước tính LienVietPostBank có thể ghi nhận mức phí trả trước đạt khoảng 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024, tương đương mức tăng trưởng thu nhập từ phí hàng năm sẽ hơn 6%.
Tuy nhiên, kỳ vọng này khó hiện thực hóa thành những con số trong thời gian tới sau những “lùm xùm” gần đây về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Những khuất tất gần đây liên quan đến hoạt động bancassurance chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến “mỏ vàng” của LienVietPostBank.
Một khi doanh thu từ phí của loại hình này đi xuống, sẽ kéo theo sự sụt giảm về lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận