Vì sao thị trường tiền số bốc hơi 2.000 tỷ USD?
Lòng tham, lạm dụng đòn bẩy quá mức và niềm tin mù quáng được cho là nguyên nhân gốc rễ gây ra khủng hoảng tiền số thời gian qua.
Vốn hóa toàn thị trường tiền số tuần trước về dưới 1.000 tỷ USD, trùng với thời điểm Bitcoin giảm giá mạnh, theo CoinMarketCap. Khoảng 2.000 tỷ USD đã bị cuốn khỏi thị trường, nếu so với mức đỉnh vào tháng 11 năm ngoái.
Khi Bitcoin giảm gần 70% so với kỷ lục năm ngoái, toàn bộ các altcoin cũng giảm mạnh. Sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra - một thử nghiệm được "thổi phồng" trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) khiến 40 tỷ USD token gần như vô giá trị.
Những mầm mống sinh ra cuộc khủng hoảng được hai cây bút chuyên về tài sản kỹ thuật số Emily Nicolle và Olga Kharif trên Bloomberg điểm tên gồm lòng tham, lạm dụng đòn bẩy quá mức và niềm tin mù quáng.
Vốn hóa thị trường tiền số dưới mức 1.000 tỷ USD từ giữa tháng 6 đến nay. Nguồn: CoinMarketCap
Hai chuyên gia này cho rằng những yếu tố trên không phải là điều mới mẻ và luôn có mặt mỗi khi mọi bong bóng tài sản xuất hiện. Tuy nhiên, trong tiền số và đặc biệt vào thời điểm này, những mầm mống trên đang đổ bộ cùng một lúc vào một ngành mới, chưa được kiểm soát. Cả hai cảnh báo vấn đề quan trọng nằm ở niềm tin rằng "tất cả mọi người tham gia đều có thể cùng nhau làm giàu".
Nếu xem Terra là "Bear Stearns của tiền số", nhiều người lo sợ rằng "khoảnh khắc Lehman Brothers" đang cận kề. Trong khủng hoảng tài chính năm 2008, viêc ngày càng nhiều nhà đầu tư không có khả năng đáp ứng các lệnh gọi ký quỹ (margin call) là dấu hiệu cảnh báo sớm.
Tương tự, thị trường tiền số trong tháng này đã xuất hiện những tín hiệu trên. Các công ty dịch vụ tài chính liên quan đến tiền số Celsius Network, Babel Finance và Three Arrows Capital đều hé lộ những rắc rối lớn khi giá tài sản kỹ thuật số lao dốc, gây ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản bắt nguồn từ sự phụ thuộc lẫn nhau của ngành này.
Trong giai đoạn tăng giá, đòn bẩy là một cách để các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận lớn với ít tiền mặt hơn. Nhưng khi thị trường đảo chiều, các vị thế đó sẽ nhanh chóng biến mất. Các khoản cho vay tiền số, đặc biệt là khoản vay trong các ứng dụng DeFi có trung gian như ngân hàng, thường yêu cầu người đi vay đưa ra tài sản thế chấp có giá trị cao hơn khoản vay, do rủi ro khi chấp nhận các tài sản đó.
"Với việc lãi suất tăng, trong khi niềm tin thị trường giảm, chu kỳ giảm đòn bẩy hiện nay sẽ khiến tiền số mất giá mạnh. Các thị trường truyền thống thường dựa vào lượng đòn bẩy chậm và ổn định để phát triển. Tuy nhiên, hiệu ứng này trên thị trường tiền số lại mạnh hơn, vì ngành này tập trung đầu cơ nhiều hơn", ông phân tích.
Biểu tượng của Bitcoin và một vài loại tiền số thông dụng khác. Ảnh minh họa: CNBC
Không như những người ủng hộ tiền số ban đầu, hầu hết các nhà đầu tư giờ coi chúng chỉ là một loại tài sản trong danh mục. Điều đó khiến giá tiền số diễn biến tương quan hơn với mọi thứ khác, như cổ phiếu công nghệ.
Theo Nathan Thompson - trưởng nhóm nội dung kỹ thuật của sàn giao dịch Bybit, cách tốt nhất để hiểu những gì đang xảy ra trên thị trường tiền số là xem xét các thị trường vốn có quy mô lớn hơn.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất khiến các cổ phiếu công nghệ như Apple, Google đặc biệt dễ tổn thương, vì nó khiến lợi nhuận trong tương lai của họ có thể giảm. Lãi suất tăng làm tăng khả năng lạm phát, suy thoái, khiến nhà đầu tư tìm đến các công cụ trú ẩn như kim loại quý, bất động sản và tiền mặt.
Trước năm 2020, Bitcoin và thị trường chứng khoán không có mối tương quan mạnh thế này. Nguyên nhân là số Bitcoin bị giới hạn ở 21 triệu đồng và nó được "đào" thông qua một hệ thống cạnh tranh, thay vì được phát hành bởi một cơ quan. Hơn nữa, không như các công ty lớn, tiền số lớn nhất thế giới này không có CEO, báo cáo lợi nhuận hàng quý hay gặp vấn đề về quản trị.
"Nó giống vàng hơn, xét về sự minh bạch cao với cung và cầu", Nathan Thompson nhận định.
Tuy nhiên gần đây, Bitcoin và các tiền số khác đã được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngoài ra, quy định của các chính phủ sẽ tiếp tục định hình tương lai của tài sản kỹ thuật số. Dù mức độ kiểm soát vẫn chưa được xác định, việc coi Bitcoin là tài sản có rủi ro thực sự có ý nghĩa ở hiện tại.
Thị trường tiền số đang ở đợt giá xuống thứ 5. Nhiều nhà phân tích đã nhanh chóng tuyên bố Bitcoin "đã chết" - như họ đã làm 377 lần trước đây, theo dữ liệu từ trang Bitcoin Is Dead. Lịch sử ghi nhận 2 bong bóng đã vỡ trong quá khứ. Nhưng sau tất cả, Bitcoin và các đồng có liên quan vẫn tăng trở lại và có giá trị hơn trước.
"Cũng giống như bất kỳ thị trường nào, sự giảm giá hiện tại là bình thường với tiền số. Bitcoin đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn trong chu kỳ hiện tại và giữ mức 30.000 USD", Nathan giải thích. Ông cho rằng sự biến động của tiền số nổi bật hơn hơn do vốn hóa nhỏ hơn và đây cũng là thị trường mới.
Các quốc gia như UAE gần đây có quan điểm rằng quy định hợp lý cho phép các nhà kiến tạo và doanh nhân tự do xây dựng nền kinh tế tiền số lớn mạnh hơn. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp trên nhanh chóng phục hồi và ổn định hơn trong thời gian dài.
Thị trường cũng đã lên tiếng. Gần đây, công ty Andreessen Horowitz ở Thung lũng Silicon đã ra mắt quỹ blockchain và tiền số lớn nhất trong ngành với trị giá 4,5 tỷ USD. Nhiều startup cũng sinh ra từ đợt đóng băng vừa qua, như nền tảng trò chơi Dapper Labs. Họ đã tìm vốn đầu tư mạo hiểm bằng cách huy động tiền mặt, thay vì phát hành token riêng.
Theo dữ liệu từ PitchBook, những gã khổng lồ đầu tư như Andreessen Horowitz và Sequoia Capital đã đầu tư gần 43 tỷ USD vào lĩnh vực này kể từ cuối năm 2020, khi thị trường bắt đầu giảm giá. Nhà đồng sáng lập Coinbase Matt Huang đã ra mắt quỹ 2,5 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái. Và dù các quỹ đầu tư mạo hiểm đã thận trọng hơn, tiền số vẫn nằm trong các lĩnh vực được quan tâm.
Về tương lai của tiền số, giáo sư John Griffin nói với Bloomberg rằng có khả năng xuất hiện một số đợt tăng giá. Tuy nhiên, hiện chưa có thêm chất xúc tác nào để sớm đảo ngược xu hướng hiện tại.
Sina Meier - CEO của công ty quản lý quỹ tiền số 21Shares AG, nói rằng mức độ rủi ro cực cao là lý do tiền số không dành cho tất cả mọi người. "Một số người chắc chắn nên tránh xa. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thua thiệt. Họ chỉ làm theo những gì họ đọc trên truyền thông. Đó là một sai lầm", bà cảnh báo.
Tất Đạt
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận