Vì sao số doanh nghiệp ngừng hoạt động ở Đà Nẵng lên tới gần 50%?
Ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, sau đại dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Điều này khiến số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng.
Khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn
Sáng 14/4, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo quý I/2023.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, GRDP trên địa bàn trong quý tăng 7,12% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 11,5%, khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 4,7%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,01%. Hoạt động du lịch khôi phục tích cực giúp kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng tốt, dẫn đầu vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Trong quý I/2023, thành phố đón hơn 1,4 triệu lượt khách, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu ăn uống dịch vụ lữ hành đạt 5.897 tỷ đồng, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu Đà Nẵng quý I/2023 vẫn duy trì xuất siêu khoảng 193,2 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tốt ước đạt 36,5 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 47% (khoảng 2.231 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm dừng hoạt động).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, sau đại dịch, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Điều này khiến số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng gia tăng.
"Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường chủ yếu là quy mô nhỏ, số lượng lao động từ 5-30 người, không kham nổi chi phí thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Lĩnh vực tạm ngừng hoạt động, giải thể chủ yếu tập trung ở buôn bán, bán lẻ, xây dựng, công nghiệp chế tạo chế biến nhỏ, dịch vụ lưu trú, ăn uống tư vấn thiết kế, quảng cáo…", ông Tường thông tin.
Cũng theo ông Tường, khó khăn tiếp theo là doanh nghiệp gặp khó khăn dòng tiền, dòng vốn cạn kiệt, khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay tăng và sức ép lạm phát làm tăng chi phí sản xuất.
Ngoài ra, nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm làm doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là doanh nghiệp phục thuộc vào xuất khẩu hoặc nhập khẩu nguyên liệu.
"Về gói hỗ trợ doanh nghiệp 120.000 tỷ đồng, Sở cũng đang tham mưu UBND thành phố triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận; đồng thời thực hiện các công tác tuyên truyền đối với gói hỗ trợ để doanh nghiệp sớm tiếp cận", ông Tường nói.
Liên quan đến Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, với 68,52/100 điểm, TP. Đà Nẵng xếp vị trí thứ 9 cả nước. Dù vẫn thuộc nhóm các tỉnh thành "Tốt" nhưng so với PCI 2021, TP. Đà Nẵng tụt 5 hạng.
Nói về nguyên nhân, ông Tường cho rằng, một số nguyên nhân chính rơi vào các vấn đề tồn tại đầu tư kinh doanh. Trong đó, nhiều năm qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn lực của thành phố chưa được khơi thông.
Điều này khiến cho việc thu hút đầu tư vào thành phố còn hạn chế, trong đó có các dự án liên quan đến thanh tra, thành phố đã báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ.
Theo ông Tường, hiện các sở, ban, ngành đang chủ động thực hiện các công việc, trong đó đối với công tác quy hoạch đang được Sở Xây dựng thực hiện; công tác đất đai cũng được Sở TN&MT tích cực triển khai; đối với Sở KH&ĐT, đơn vị đang hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
"Các nguyên nhân, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh thì UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị rà soát, cải thiện", ông Tường nói.
Cũng tại họp báo, liên quan đến việc cấp chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu, ông Tường thông tin, đây là cảng loại I thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Hiện các thủ tục cấp đầu tư, Thủ tướng sẽ xem xét cấp chủ trương đầu tư đối với dự án này. Đối với an ninh quốc phòng thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ ngành. Trên cơ sở đó thì TP. Đà Nẵng triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Luật đầu tư", ông Tường cho hay.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch để mở rộng thị trường cũ, tìm kiếm thị trường mới.
Đặc biệt, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận