24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quỳnh Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao nhiều người vẫn sập “bẫy lừa” trực tuyến?

Hãy nhớ, cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại. Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật những cảnh báo về tình hình lừa đảo qua mạng được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát.

“Các đối tượng liên tục thay đổi “kịch bản”, dựa theo những sự kiện thực tế, chúng tìm hiểu, phân tích tập dượt rất kỹ. Vì vậy nội dung của chúng thường khớp 70 - 80% so với những gì nạn nhân biết…”.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) xung quanh vấn nạn lừa đảo trực tuyến vẫn đang nhức nhối dư luận với những diễn biến khó lường trong thời gian gần đây.

Theo đó, thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đang điều tra việc chị L. (sinh năm 1979, trú tại Tây Hồ) trình báo bị đối tượng mạo danh cán bộ công an lừa đảo số tiền hơn 2 tỷ đồng. Trước đó chị L. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, đối tượng này yêu cầu chị khai báo thông tin cá nhân qua cổng Dịch vụ công.

Sau đó, người này gửi cho đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo cho chị L. Khi cài đặt xong thì điện thoại chị L. bị treo. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân đã ra ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện tài khoản bị mất hơn 2 tỷ đồng.

Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều người bị các đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cảnh sát khu vực hoặc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các đơn vị, gọi điện cho người dân thông báo Căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan công an để khắc phục.

Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm dịch vụ công giả mạo theo đường link của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Đáng chú ý, không chỉ lừa đảo bằng chiêu trò gửi đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công. Gần đây, một số ngân hàng còn cho biết bắt đầu xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới liên quan việc cập nhật sinh trắc học.

Cụ thể, một số ngân hàng cho biết, hiện nay các tổ chức tín dụng đang triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong đó áp dụng xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến. Trong giai đoạn đầu triển khai, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo có thể thực hiện một số hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng liên quan.

Thủ đoạn của kẻ gian là tham gia mạng xã hội và trà trộn, lấy thông tin các khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học. Đối tượng đề nghị khách hàng truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

Các đối tượng cũng lập nick giả mạo "nhân viên ngân hàng", "nhân viên hỗ trợ tín dụng", liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook, Viber... để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Sau đó, chúng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt để được hỗ trợ. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ…Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ thực hiện việc chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào mục đích khác.

Vì sao nhiều người vẫn sập “bẫy lừa” trực tuyến?

Gần đây, một số ngân hàng còn cho biết bắt đầu xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới liên quan việc cập nhật sinh trắc học.

Nhận định về vấn nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay, ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam cho rằng, dù chiêu trò không mới nhưng sở dĩ nhiều người vẫn tiếp tục bị lừa là do sự tinh vi của các thủ đoạn lừa đảo. Các đối tượng liên tục thay đổi, biến tướng các hình thức lừa đảo, dựa theo những sự kiện thực tế, chúng tìm hiểu, phân tích tập dượt rất kỹ. Vì vậy nội dung của chúng thường khớp 70 - 80% so với những gì nạn nhân đã được biết.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các công nghệ mới như deepfake giúp cho các nội dung lừa đảo càng khó nhận biết; Tiếp theo là nạn nhân bị tâm lý bởi những câu chuyện mà đối tượng lừa đảo trao đổi. Đó là tâm lý hám lợi khi nghe các chương trình khuyến mãi khủng, đầu tư sinh lời cao, cũng có thể là tâm lý lo lắng sợ sệt khi bản thân gặp phải những vấn đề rắc rối hoặc người thân, bạn bè đang trong tình huống khẩn cấp. Khi rơi vào tình huống đó, dưới sự tác động, gây áp lực của các đối tượng phạm tội, họ cũng không thoát ra được và bị mắc lừa. “Đây là tâm lý luôn tồn tại trong mỗi người dù có được cảnh báo nhiều lần”, ông Sơn nhấn mạnh.

Để tránh trở thành nạn nhân rơi vào “bẫy lừa”, ông Ngô Minh Hiếu - nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, khuyến cáo người dùng không nên vội tin vào các nội dung, hình ảnh hay clip nhận được. Cần xác minh lại qua các kênh độc lập, chẳng hạn như gọi điện thoại đến số di động, cố định đã biết, hay hỏi qua một người khác. Không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân chưa giao dịch lần nào và thường xuyên cập nhật thông tin để nâng cao khả năng nhận biết, phát hiện các dấu hiệu lừa đảo. Bảo vệ thông tin cá nhân của mình, để kẻ xấu không có thông tin tiến hành lừa đảo.

Hãy nhớ, cơ quan chức năng không làm việc qua điện thoại. Thường xuyên tìm hiểu, cập nhật những cảnh báo về tình hình lừa đảo qua mạng được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát”, ông Hiếu khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả