Vì sao nhiều doanh nghiệp địa ốc 'bẻ lái' làm nhà ở xã hội?
Trong bối cảnh thị trường bất động sản "đóng băng", nhiều doanh nghiệp địa ốc chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội như một giải pháp ổn định dòng tiền, lợi nhuận.
Ngày 22/4, tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Nam Long, Tổng Giám đốc Trần Xuân Ngọc cho biết, công ty có dự định tham gia thị trường nhà ở xã hội với cam kết đóng góp 20.000 căn trong những dự án doanh nghiệp làm. Công ty cũng đã trao đổi với chính quyền nhiều địa phương từ Bắc vào Nam và nhận thấy nhiều địa phương đang cần tìm các nhà phát triển bất động sản vừa túi tiền với người dân.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân - cho biết, năm 2023, Hoàng Quân tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội, nhằm hưởng ứng đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ.
Dựa trên định hướng kinh doanh này, năm 2023, Hội đồng Quản trị công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, lần lượt gấp 5 lần và 9 lần so với năm 2022.
Hội đồng Quản trị công ty cũng đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 50.000 sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến năm 2030.
Làm nhà ở xã hội cũng là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới. Đầu tháng 4 vừa qua, Vinhomes công bố làm dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.756 tỷ đồng. Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh cũng đăng ký đầu tư dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II có quy mô hơn 1.000 căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (Vĩnh Hải, Nha Trang)…
Liên doanh Công ty BIC và Him Lam cũng cho biết, đang triển khai xây dựng hạ tầng của 3 tòa cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đầy khó khăn nhà ở giá bình dân được chú ý nhiều hơn trước. Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam - phân tích, trong quý I/2023, nhiều chính sách dành riêng cho loại hình sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng đã được công bố. Theo bà Dung, đây được kỳ vọng là chìa khóa để giải tỏa nút thắt vấn đề mất cân bằng cung - cầu của thị trường đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest - cho rằng, nhà ở xã hội là lối thoát tối ưu cho doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0. Tuy nhiên, lợi nhuận nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay nhưng nếu các doanh nghiệp biết chắt chiu, đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho biết, trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã hướng đến xây dựng nhà ở xã hội và nhà giá bình dân. Đây là động thái tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm theo hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực và là bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải "cơn khát" cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã "cạn" nguồn cung vài năm gần đây.
Ông Châu nhấn mạnh để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, chính quyền cần có các động thái hỗ trợ thiết thực như cần nhanh chóng cởi trói về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai. Các doanh nghiệp bất động sản bên cạnh mảng nhà ở bán cũng cần tăng cường phát triển mảng nhà cho thuê phục vụ nhóm công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận