Vì sao kết quả kinh doanh giảm, giá cổ phiếu vẫn tăng?
Bất chấp kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp sụt giảm vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thế nhưng giá của những cổ phiếu này vẫn tăng. Lý giải cho “nghịch lý” này, nhiều ý kiến cho rằng là do giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
Đơn cử báo cáo kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán trên sàn HNX: HUT) đặt mục tiêu doanh thu hơn 900 tỷ đồng, tăng 18% nhờ vào các hoạt động kinh doanh bất động sản và thu phí không dừng (ETC) của công ty con VETC. Tuy nhiên số lỗ dự kiến của Tasco vẫn ở mức 100 tỷ đồng. Thế nhưng giá cổ phiếu HUT đến cuối tuần qua đã tăng lên trên 7.000 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh so với mức giá 2.000 đồng/cổ phiếu so với trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Theo giới chuyên môn, hiện mảng kinh doanh chính của Tasco là bất động sản đang bị ảnh hưởng chung của thị trường trầm lắng do dịch bệnh hơn một năm qua; trong khi mảng ETC mới chỉ ở giai đoạn đầu và còn nhiều vướng mắc trong ứng dụng công nghệ thu phí. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào những công ty có đầu tư công nghệ ETC bởi khi người đi xe ô tô nhiều hơn và thanh toán phí đường bộ liên kết qua ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng, tạo tiện ích cho người đi xe sẽ khiến người dân sử dụng dịch vụ ETC nhiều hơn.
Không chỉ Tasco, hiện nhiều doanh nghiệp khác cũng có chung tình trạng kinh doanh giảm sút do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng thị giá cổ phiếu vẫn tăng chóng mặt.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021, trong tổng số 970 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, có 165 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, 277 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Về lý thuyết, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được phản ánh vào giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Theo đó, giá cổ phiếu thường tăng khi doanh nghiệp kinh doanh đạt hiệu quả cao và ngược lại.
Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn này dường như vượt qua mọi lý thuyết. Bởi về lý thuyết thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế nên thường suy yếu trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn và bùng nổ khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Thế nhưng bất chấp việc đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và kéo giảm tốc độ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bùng nổ mạnh mẽ.
Đà tăng trưởng của chứng khoán vẫn được duy trì trong những tháng đầu năm nay. Theo đó từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng thêm 219,71 điểm, tương đương tăng 20% so với cuối năm trước, sau khi đã tăng gần 15% trong năm 2020.
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường tăng trưởng mạnh là sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Như một vòng xoáy đi lên, thị trường bùng nổ đã hút thêm nhiều nhà đầu tư, trong khi sự tham gia ngày càng đông của các nhà đầu tư càng hỗ trợ đà tăng của thị trường.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, nhóm nhà đầu tư mới thường chọn những cổ phiếu có thị giá thấp để kỳ vọng chốt lời trên doanh số cổ phiếu nắm giữ, từ đó dẫn đến nhiều công ty có kết quả kinh doanh không tốt, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất mạnh.
Thực tế, những nhà đầu tư mới đổi vốn mạnh vào thị trường chứng khoán đến mức làm nghẽn mạng giao dịch trên sàn HoSE, bình quân giá trị giao dịch mỗi ngày từ đầu tháng 6 đến nay có khoảng 28.000-32.000 tỷ đồng trong khi thời điểm cuối năm 2020 bình quân mỗi ngày giá trị giao dịch chỉ khoản 12.700 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của trung tâm lưu ký chứng khoán trong số hơn 3,4 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay trên thị trường thì có đến 90% là tài khoản cá nhân, đặc biệt số lượng nhà đầu tư mới tăng rất mạnh một phần có yếu tố dòng vốn từ thị trường bất động sản chuyển sang chứng khoán.
Tổng cục Thuế mới đây công bố một con số đáng chú ý là 5 tháng đầu năm 2021 số thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chứng khoán đã tăng 320% so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận