Vì sao hàng nghìn tỷ đồng đổ vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình?
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Hoà Bình đang nắm giữ lợi thế rất lớn để đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Với các ưu thế vượt trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư mới, Hòa Bình đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam thông qua quy hoạch bài bản, cơ chế chính sách của chính quyền và sự đồng hành của các doanh nghiệp tiên phong.
Để nhận diện những mô hình du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, khác biệt, hướng tới các giá trị bền vững và cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình trong giai đoạn mới; được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chiều ngày 5/1/2022, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm: Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình.
Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện chính quyền tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản - quy hoạch - pháp lý, các cơ quan báo chí - truyền thông và sự đồng hành của Công ty Cổ phần phát triển Nghỉ dưỡng Ngoại ô.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận, phân tích về những tiềm năng, lợi thế của Hòa Bình để đón đầu cơ hội trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần của khu vực miền Bắc; Xu hướng staycation và sức hấp dẫn của Hòa Bình; Định hướng quy hoạch phát triển về hướng Đông của Hòa Bình, Giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô; Cơ hội đầu tư sinh lời dài hạn vào bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình…
Phát biểu đề dẫn toạ đàm, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho hay, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường trầm lắng bởi dịch Covid-19, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vẫn là kênh thu hút đầu tư lớn nằm trong nhóm dẫn đầu của miền Bắc. Các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có tính thanh khoản ở mức rất cao và giá vẫn tiếp tục tăng lên.
“Có thể thấy rằng, những thị trường mới như Hòa Bình đang có khả năng chống chịu tốt với biến động của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng về giá sản phẩm vẫn ở mức ổn định; Tỷ lệ hấp thụ các dự án ở ngưỡng cao và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hòa Bình là thị trường đầy triển vọng của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng miền Bắc, hội tụ những yếu tố cần và đủ để toả sáng giữa bão Covid-19”, nhà báo Phạm Nguyễn Toan khẳng định.
Hoà Bình đón đầu lợi thế từ bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển”
Phát biểu tại Toạ đàm, chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh khẳng định, do tác động của dịch Covid-19, khi du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng lâm vào khủng hoảng kéo dài, bất động sản nghỉ dưỡng biển cũng rơi vào tình trạng thừa ế, cả sản phẩm và công suất khai thác thì bất động sản nghỉ dưỡng núi trở thành cứu cánh cho cả ngành du lịch lẫn ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Bởi du lịch núi khắc phục được các nhược điểm như tập trung đông người, sử dụng phương tiện vận tải công cộng, khó đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế.
Hơn nữa, theo chuyên gia này, lối sống với căn nhà thứ hai ở ngoại ô vốn quen thuộc với dân đô thị lớn tại nhiều nước phát triển có thể trở thành phương thức lựa chọn tránh dịch bệnh được ưa chuộng của một bộ phận cư dân đô thị có điều kiện ở nước ta.
“Khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng biển mất đi sự hấp dẫn vốn có thì việc các nhà đầu tư lớn chuyển hướng sang bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” là tất yếu. Ưu thế sẽ thuộc về những địa phương đón đầu được xu hướng này”, ông Ánh khẳng định.
Theo nhận định của TS. Vũ Đình Ánh, cánh cửa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” đã mở rộng cho Hòa Bình với những ưu thế vượt trội về vị trí, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh tế - văn hóa - xã hội và sức hấp dẫn các nguồn lực đầu tư.
Cụ thể, ông Ánh đánh giá, địa hình và điều kiện tự nhiên Hòa Bình rất phù hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng “phi biển” với đồi núi trùng điệp, nhiều hang động như Thác Bờ, Hang Rết, động Hoa Tiên, những hang động thiên tạo đa dạng hình thù trên đỉnh Phù Bua...
“Hòa Bình sở hữu một vùng hồ sông Ðà thơ mộng cho phép phát triển du lịch vùng lòng hồ và ven hồ, có đầy đủ vịnh, đảo và bán đảo đi đôi với hệ động thực vật quý hiếm được bảo tồn tốt. Các bản Mường, bản Dao, bản Tày rải rác ven hồ, ven thung lũng tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình như bản Nanh, bản Nưa của người Mường, người Dao và xen kẽ một số gia đình người Thái với những mái nhà sàn cổ đặc biệt hấp dẫn du khách và cả người dân đô thị ở Hà Nội”, ông Ánh nhấn mạnh.
TS. Vũ Đình Ánh cho biết thêm, tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch cuối tuần, ngắn ngày và căn nhà thứ hai của người Hà Nội với nhiều dự án resort, khu nghỉ dưỡng lớn nhỏ, đặc biệt sau khi đường cao tốc từ Láng - Hoà Lạc đi Hoà Bình thông xe năm 2017 giúp thời gian di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến TP. Hoà Bình rút ngắn một nửa chỉ còn khoảng trên dưới 1 giờ.
“Dịch bệnh Covid-19 và sự đông đúc chật chội của Hà Nội đã khiến Hoà Bình trở thành lựa chọn lý tưởng để đi về của ngày càng nhiều người dân Thủ đô có điều kiện. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình đang nóng lên với hàng loạt dự án đón đầu xu thế mới như: Ivory Villas & Resort, Parahills Resort, Sakana Hoà Bình...”, ông Ánh nói.
PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, Hoà Bình được địa phương sở hữu nhiều thế mạnh để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình mà nhu cầu còn rất lớn nhưng khá khan hiếm ở những tỉnh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội.
“Hòa Bình là thị trường mang giá trị thực với quy hoạch tiềm năng và quỹ đất lớn; hội tụ những lợi thế về vị trí như liền kề Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, các quy hoạch hạ tầng giao thông liên kết Hoà Bình với các vùng lân cận là bước tạo đà cho nền kinh tế phát triển mạnh, tạo nền tảng cho kinh tế bứt phá, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào thị trường bất động sản. Đặc biệt thiên nhiên ưu đãi cho Hoà Bình với nhiều điểm đến hấp dẫn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, tác động rất lớn đến phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như hồ Hòa Bình, nước khoáng Kim Bôi...”, PGS.TS. Trần Kim Chung đánh giá và nhấn mạnh, thị trường bất động sản Hoà Bình như “của để dành” và bây giờ đã đến lúc để khai thác, và đánh thức các tiềm năng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, trước áp lực về môi trường, công việc và cuộc sống, xu hướng du lịch, nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên, gắn với chăm sóc sức khỏe đang được người dân Thủ đô lựa chọn nhiều nhất. Với lợi thế cận kề Hà Nội và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng, Hòa Bình đang có cơ hội bứt phá trở thành vùng trũng của bất động sản nghỉ dưỡng miền Bắc, chắc chắn những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược không thể bỏ qua.
Phân tích thêm về các lực đẩy để Hoà Bình thu hút đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho hay, trong năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 với quy mô hơn 52.000 ha.
Trong đó, ở giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao nhiệm vụ cho các các cơ quan liên quan tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ du lịch. Những năm sau đó là giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phục vụ định hướng này. Đây là cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, ông Trường cho biết, với những lợi thế về quỹ đất cũng như giao thông thuận lợi, giá trị của bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp và môi trường trong lành, tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; đẩy mạnh liên kết, hợp tác để phát triển du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng; tích cực quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch.
“Thời gian tới, Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là liên kết với thủ đô Hà Nội, TP.HCM và nước ngoài để mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển du lịch.
Đồng thời, phát huy tối đa các lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến an toàn, điểm đến xanh, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đến Hòa Bình để khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên, doanh nghiệp và tỉnh Hòa Bình”, ông Trường khẳng định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô cho hay, nhà đầu tư không bao giờ ngồi yên, đặc biệt là với những thị trường bất động sản còn nhiều tiềm năng như Hòa Bình. Đó là lý do mà dù dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh nhưng năm 2021, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình vẫn trở thành điểm sáng trên thị trường. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã thổi bùng nhu cầu nghỉ dưỡng ngoại ô với dòng sản phẩm second-home, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe. Và Hòa Bình hội tụ đầy đủ các lợi thế để đón đầu xu hướng này.
“Có thể ví von rằng, mức tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình như một cơn áp thấp nhiệt đới đang tiến vào biển, dịch Covid-19 đã khiến cơn áp thấp đó trở thành cơn bão lớn. Nhu cầu đầu tư tăng rất nhanh khi 8 triệu người dân Hà Nội đã ý thức trong đầu rằng, họ cần một nơi để nghỉ dưỡng khi Thủ đô đã quá ngột ngạt”, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định.
Hoà Bình nên nắm bắt cơ hội ra sao?
Theo quan điểm của PGS.TS. Trần Kim Chung, Hòa Bình đang có cơ hội trỗi dậy trong phát triển thị trường bất động sản. Muốn nắm bắt được các cơ hội bứt phá, các cơ quan hữu quan Hòa Bình cần có một văn bản có tính pháp lý cao về quan điểm, chủ trương, định hướng về nắm bắt cơ hội này để định hướng cho các chủ thể thực hiện, hành động.
Bên cạnh đó, theo ông Chung, có hai phân mảng bất động sản du lịch Hòa Bình cần chú trọng, nắm bắt và hiện thực. Thứ nhất là bất động sản du lịch tập trung. Cần xây dựng thương hiệu du lịch du lịch Hòa Bình thông qua một, một vài dự án tập trung, quy mô, mang dấu ấn đặc trưng của Hòa Bình. Có thể là văn hóa Mường; có thể là du lịch Lòng hồ Thủy điện sông Đà và các cảnh quan liên quan; có thể khai thác đặc sản nước khoáng nóng và ẩm thực Hòa Bình… Thứ hai, mở rộng phát triển du lịch phi tập trung trên địa bàn Hòa Bình. Khai thác các lợi thế làng bản… để tạo lập thương hiệu du lịch nhân dân, xã hội Hòa Bình.
“Để phát huy được những lợi thế cảnh quan thiên nhiên, địa lý, khí hậu và giao thông mang lại, tạo ra lực hấp dẫn mới” trong phát triển thị trường bất động sản tỉnh Hòa Bình trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa đồng bộ các giải pháp chính sách hiện nay, từ đó tháo gỡ các nút thắt, tạo điểm sáng, sinh lực mới cho thị trường và thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh”, ông Chung nhìn nhận.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp phát triển dự án tiên phong tại Hoà Bình, ông Nguyễn Thành Trung nhìn nhận, doanh nghiệp đầu tư dự án tại Hòa Bình thay vì nhìn nhận trách nhiệm với môi trường là một gánh nặng, thì phải xem đây là một trong những cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Lấy “vốn tự nhiên” là một trong những loại vốn trọng tâm có tầm quan trọng không kém vốn tài chính hay vốn sản xuất.
“Hòa Bình là một tỉnh trung du, có địa hình phong phú và đa phần là đồi núi. Điều này đem lại lợi thế về cảnh quan, nhưng đem lại những thách thức về quy hoạch. Nếu không có giải pháp tốt, thì tự thân chủ đầu tư làm mất đi giá trị mà đáng ra mình được hưởng.
San nền thì dễ, nhưng làm thay đổi kết cấu bề mặt, tăng khả năng sạt lở, chi phí xây bờ kè và tái tạo lợp đất mầu để trồng trọt rất tốn kém. Chặt cây thì nhanh và khiến việc thi công công nghiệp được nhanh, nhưng trồng lại một cái cây thì tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, thời gian. Cây trồng lại, luôn không đẹp bằng cây mọc tự nhiên. Cây ngoại lai luôn khó trồng, khó chăm hơn cây bản địa”, ông Trung phân tích.
Theo ông Trung, xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô hiện nay đang hướng đến đảm bảo các giá trị bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững phụ thuộc rất nhiều vào tầm vóc của chủ đầu tư và đơn vị phát triển, vận hành dự án để có thể đáp ứng được hệ thống các quy chuẩn khắt khe, đồng thời đưa dịch vụ lưu trú trong nước hướng tới một giá trị bền vững và chuyên nghiệp.
Trong đó, lựa chọn đơn vị vận hành có năng lực quản lý đẳng cấp quốc tế là một trong những yếu tố bảo chứng cho chất lượng và giá trị của một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô. Đó cũng là lý do khiến thị trường bất động sản Hòa Bình dậy sóng khi có sự xuất hiện của Best Western - Top 10 tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới, hiện có mặt tại hơn 100 quốc gia với hơn 4.200 khách sạn trên toàn cầu.
Dự án Sakana Hoa Binh là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại ngoại ô Hà Nội do Best Western vận hành và quản lý. Là một trong những dự án tiên phong khi phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô gắn với giá trị bền vững, Sakana Hòa Bình- BW Premier Collection by Best Western không chỉ thỏa mãn nhu cầu sở hữu một bất động sản nghỉ dưỡng được thiết kế tinh tế và độc đáo mà còn tạo nên một khu nghỉ dưỡng 5 sao mang đậm dấu ấn Việt, hứa hẹn mang tới những trải nghiệm sống đáng giá cho bất động sản nghỉ dưỡng phía Tây Hà Nội.
Sức thuyết phục của Sakana Hoà Bình - BW Premier Collection by Best Western không phải chỉ bằng sự xa hoa, tráng lệ mà cao hơn là nó chạm vào tầng vô thức sâu thẳm của con người. Các mẫu thiết kế biệt thự của dự án như nhà Tổ chim, biệt thự nhà Nón, biệt thự nhà Nơm, biệt thự nhà Rông đều hướng đến sự tôn trọng sâu sắc các giá trị thiên nhiên, không cầu kỳ mà vẫn đủ để mang lại sự tinh tế, sang trọng.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong tương lai, Hoà Bình muốn trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần cho người dân Thủ đô và xa hơn là du khách quốc tế, thì chắc chắn phải phát triển các quần thể, các khu nghỉ dưỡng sinh thái kiểu mẫu trong một quy hoạch tổng thể, để vừa trở thành địa điểm nghỉ ngơi kết nối trọn vẹn với thiên nhiên, có hệ thống tiện ích cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, vừa cân bằng với việc bảo tồn thiên nhiên.
“Hoà Bình cần quan tâm đến câu chuyện quy hoạch theo hướng ổn định, dài hạn, đảm bảo tính kết nối vùng, bảo vệ lợi ích của người dân bản địa, của du khách và quan tâm đến yếu tố môi trường, gắn với giữ gìn bản sắc”, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận