Vì sao dự án 140 triệu USD tại Long An “ngã ngựa”
Năm 2007, Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát, tỉnh Long An) và Công ty China Policy Limited (CPL, trụ sở tại British Virgin Islands) ký thoả thuận đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa trên diện tích 500 ha, với vốn đầu tư 140 triệu USD. Dự án được xác định là trọng điểm của tỉnh Long An khi ấy, nhưng đã kéo dài tới 12 năm, đến giờ vẫn chưa hoàn chỉnh pháp lý.
Đồng lòng, nhưng không… đồng tiền
Xem xét toàn bộ hồ sơ cùng quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi nhận thấy, Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa tại Long An “đứt gánh” ngay khâu đầu tiên là lập liên doanh. Căn nguyên bởi mâu thuẫn tiền bạc phát sinh do biến động thị trường.
“Gãy gánh” ngay khâu thành lập liên doanh
Ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và Công ty CPL ký kết Thoả thuận khung, cùng góp vốn đầu tư dự án trên tại huyện Đức Hoà (Long An). Dự án có diện tích 500 ha, tổng vốn đầu tư 140 triệu USD, Công ty CPL góp vốn bằng tiền mặt là 70%, còn lại 30% do Công ty Hồng Phát góp bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Trước đó, dự án được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương từ năm 2003 và có quyết định thu hồi đất, giao Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư từ năm 2005.
Theo Thỏa thuận khung, CPL ứng trước cho Công ty Hồng Phát 15,6 triệu USD để dùng vào việc bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn I của Dự án và được tính vào vốn góp khi hoàn tất việc thành lập công ty liên doanh.
Ngay sau khi ký, trong tháng 7/2007, CPL đã chuyển 15,6 triệu USD và Công ty Hồng Phát đã lập tức thực hiện theo thỏa thuận chi trả tiền đền bù thông qua Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất Long An. Như vậy, tính tới thời điểm trên, cả 2 bên đều thực hiện đúng Thỏa thuận khung đã ký kết.
Nhưng, năm 2008, quá trình giải phóng mặt bằng, bồi thường cho người dân đã phát sinh chi phí xây dựng khu tái định cư, Hồng Phát đề nghị CPL bổ sung 20 triệu USD ngoài Thỏa thuận khung, nên CPL không đồng ý, từ đó dẫn tới mâu thuẫn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau nhiều năm “kiên định” chỉ chấp nhận 15,6 triệu USD, tới năm 2018, Công ty CPL có văn bản công nhận: “CPL ghi nhận việc Hồng Phát đã có những chi phí và nỗ lực liên quan tới Dự án”. CPL cũng khẳng định mong muốn thành lập liên doanh theo ký kết của Thỏa thuận khung.
Trong hàng loạt biên bản làm việc giữa 2 bên với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, bộ, ngành Việt Nam, Công ty Hồng Phát cũng như Công ty CPL đều chung một ý chí lập liên doanh để triển khai Dự án theo đúng luật.
Thậm chí, tại cuộc họp ngày 18/1/2019 giữa 2 bên, bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Phát còn khẳng định, đang chấp hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chấp nhận yêu cầu của CPL kiểm toán để xác định chính xác chi phí cũng như giá trị tăng thêm của Dự án, mặc dù điều này nằm ngoài Thỏa thuận khung.
Song tới giờ này, liên doanh vẫn chưa được lập, mà mấu chốt không còn là việc không chi thêm tiền ngoài 15,6 triệu USD, mà do cả 2 bên vẫn không đồng quan điểm về cách thức xác định chi phí phát triển Dự án của Công ty Hồng Phát.
Cụ thể, Công ty CPL muốn dùng kiểm toán nước ngoài kiểm toán Dự án và chi phí Hồng Phát bỏ thêm chỉ được chi trả bởi công ty liên doanh. Công ty Hồng Phát thì buộc CPL phải chứng minh năng lực tài chính thực và tư cách pháp lý có đủ điều kiện đăng ký đầu tư tại Việt Nam hay không thì mới lập liên doanh.
“CPL cần phải sớm trả lời, vì sao suốt nhiều năm, CPL vẫn không tuân thủ đăng ký đầu tư theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam. Trong khi, trụ sở của CPL tại British Virgin Islands, được coi là “thiên đường thuế”. Các doanh nghiệp xuất phát từ “thiên đường thuế” chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn ở nước ngoài. Thậm chí, không nhất thiết phải gánh chịu trách nhiệm cụ thể về pháp lý và tài chính khi đầu tư ra nước ngoài”, bà Thái Thị Hồng Hậu nói.
Đối tác Việt lâm tình thế “thập tử nhất sinh”
Điều đáng nói, từ trước tới nay, dù luôn nói đồng lòng lập liên doanh, chỉ khác nhau quan điểm giải pháp, nhưng chỉ 2 năm sau khi ký Thỏa thuận khung, tháng 12/2009, đại diện CPL tại Việt Nam (văn phòng tại quận 1, TP.HCM) lại đứng đơn tố cáo bà Trần Thị Việt Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát, chiếm đoạt 15,6 triệu USD.
Ngày 1/4/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Văn bản số 148 khẳng định, qua điều tra xác minh thì việc Công ty Hồng Phát dùng 15,6 triệu USD triển khai Dự án là có thật. Bộ Công an cho rằng, đây là tranh chấp kinh tế, dân sự, không phải chiếm đoạt hình thành tội danh hình sự như CPL tố cáo.
Tiếp đến, tháng 3/2013, CPL đâm đơn kiện Công ty Hồng Phát ra VIAC. VIAC đã ra phán quyết: Công ty Hồng Phát phải tiếp tục thực hiện Thỏa thuận khung để tuân thủ nghiêm ngặt điều 6.1 và các điều khoản khác của Thỏa thuận khung, bao gồm thực hiện thủ tục xin phép cần thiết và có được Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh của dự án tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, như đã được thỏa thuận trong Thỏa thuận khung. Hồng Phát phải đóng góp quyền sử dụng đất của diện tích đất giai đoạn I đứng tên của Hồng Phát vào công ty liên doanh.
VIAC cũng yêu cầu Công ty Hồng Phát (bên thua) phải nộp hơn 91.000 USD phí trọng tài để hoàn trả cho Công ty CPL.
Sau đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã phong tỏa 13 cuốn sổ đỏ dự án, đẩy Công ty Hồng Phát vào thế “thập tử nhất sinh” khi không thể tiếp tục thế chấp vay vốn đầu tư.
“Việc ngăn chặn đã, đang và sẽ đẩy Hồng Phát vào nguy cơ phá sản, mất trắng gần 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 10 năm tâm huyết, đẩy hàng ngàn lao động vào cảnh thất nghiệp”, bà Thái Thị Hồng Hậu đã viết như vậy trong đơn kêu cứu tới Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Đơn thương đi trong bão
Như đã nêu trên, Công ty CPL sau khi chi 15,6 triệu USD, không chỉ để mặc phía Việt Nam “tự bơi”, mà còn nhiều động tác khiến đối tác liêu xiêu.
Theo báo cáo của Công ty Hồng Phát với UBND tỉnh Long An và nhiều bộ, ngành, thì do đứng tên chủ đầu tư dự án, lại đã bồi thường giải tỏa nhiều hộ dân, ký kết với nhiều đơn vị cung cấp vật tư, thi công hạ tầng, UBND tỉnh Long An cũng đã cấp 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Hồng Phát, nên dù đối tác không chấp nhận đổ thêm vốn phát sinh, lại bị ngăn chặn giao dịch 13 chủ quyền đất dự án sau đó, Công ty Hồng Phát buộc phải huy động vốn từ nhiều nguồn, đổ tiếp vào Dự án tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng để không bị gián đoạn.
Tại cuộc họp giải quyết vụ việc ngày 24/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Trần Văn Cần cũng khẳng định, Công ty Hồng Phát đã chứng minh năng lực bằng việc ký quỹ 210 tỷ đồng nên chính quyền còn khuyến khích Công ty Hồng Phát tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển Dự án, không để Dự án “treo”, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dù từng tố cáo Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD, nhưng tại cuộc họp ngày 18/1/2019 với Công ty Hồng Phát, CPL cũng phải công nhận với nội dung: “Cả 2 bên đều ghi nhận công sức giữ gìn và phát triển Dự án của Hồng Phát từ năm 2007 đến nay và thống nhất rằng, Hồng Phát sẽ được nhận lại phần giá trị gia tăng thêm của Dự án so với thời điểm ký thỏa thuận khung năm 2007, sau khi thành lập liên doanh”.
Xác định rõ vậy, nhưng 2 bên tới giờ vẫn không thống nhất được việc lập liên doanh.
CPL đến từ “thiên đường thuế”
Theo Bộ Công an xác minh, CPL là công ty con của Chuang’s, hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại, bất động sản, khách sạn cao cấp, trụ sở đăng ký tại Vistra Corporate Services Centre, Wickhams, Cay II, Road Town, Tortola, VG1110, British Virgin Islands. Hiện CPL không có thông tin về đầu tư, đăng ký kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam.
British Virgin Islands (nơi CPL đăng ký trụ sở hoạt động) được coi là “thiên đường thuế”, nơi có nhiều công ty trên thế giới đăng ký địa chỉ giao dịch nhằm mục đích đặc biệt là che giấu danh tính của chủ sở hữu nhằm tránh các vấn đề kê khai tài sản cá nhân, bảo vệ tài sản cá nhân trong trường hợp bị phá sản cũng như tránh các khoản thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận