Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ COVID-19?
Dịch COVID-19 khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhưng hiện nay họ vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4 vừa qua chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách.
Ngày 17/7, tại TP. Đà Nẵng, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức tọa đàm “Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: Góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch COVID-19, Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành đã có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như tín dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ”, chính sách thuế (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất); chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động....
Tại buổi toạ đàm, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách, chủ trương của Chính phủ là kịp thời, tích cực, quyết liệt. Và đến hiện tại, một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ trên. Tuy nhiên, các chính sách này cũng còn rất nhiều bất cập và số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi, mức độ hưởng lợi còn rất hạn chế.
Theo Ông Nguyễn Xuân Sơn – Giám đốc Công ty Hương Quế, doanh nghiệp của ông đã được hưởng lợi rất đầy đủ các khoản vay mới (giảm lãi vay đối với khoản vay mới).
Tương tự, ông Trịnh Bằng Có, Giám đốc Công ty CP Phương Đông Việt cho biết doanh nghiệp được hỗ trợ rất tốt về chính sách thuế.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ các chính sách còn rất hạn chế, thậm chí với những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách rồi thì mức độ hưởng lợi rất khiêm tốn. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4 vừa qua chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, việc thực thi các chính sách hỗ trợ còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
“Có những chính sách hỗ trợ ban hành với điều kiện tiếp cận rất cao, vô hình chung tạo ra rào cản mà không doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được cho dù doanh nghiệp muốn”, ông Quang cho hay.
Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Viettronimex Đà Nẵng cho biết, công ty dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng đảm bảo 50% công việc cho người lao động. Dù lương có giảm, doanh nghiệp khó khăn nhưng cố gắng để người lao động có thu nhập.
Ông Dõng thắc mắc và cho rằng doanh nghiệp hiện đang rất băn khoăn và bị dao động niềm tin vào việc thực hiện các chính sách. Mong muốn của chính phủ là hỗ trợ cho lực lượng lao động. Nhưng hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp, người lao động hưởng lợi là quá ít.
“Chúng tôi không được thụ hưởng bất kỳ một chính sách nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động?”, ông Dõng đặt câu hỏi.
Đại diện Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, công ty không trông vào chính sách, nhưng không phải không muốn tận dụng các chính sách, bởi thực chất doanh nghiệp rất khó khăn, nhưng rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho người lao động.
“Các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động không hợp lý, không công bằng giữa các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp như chúng tôi gặp khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động hoặc chỉ đóng cửa một số bộ phận, cố gắng duy trì việc làm thu nhập cho người lao động. Vậy thì phải ghi nhận đó là doanh nghiệp có năng lực, có tính bền vững. Nhưng chúng tôi không hề được hưởng hỗ trợ”, đại diện công ty nói.
Đại diện Công ty Hòa Thọ kiến nghị, doanh nghiệp không muốn chấm dứt hợp đồng lao động với bất kỳ lao động nào, vì người lao động và vì hoạt động của công ty trong tương lai. Vậy phải chăng với những doanh nghiệp có năng lực thì phải có hỗ trợ để họ có điểm tựa vực dậy. Hỗ trợ thì phải hỗ trợ thực chất.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cho rằng, cần phải có sự rõ ràng trong hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể và xác định cần hỗ trợ doanh nghiệp nào.
“Nên chăng cần có sự hỗ trợ chọn lọc hơn. Trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực. Đã là doanh nghiệp phải xoay sở để có doanh thu mới giảm lỗ, thì những doanh nghiệp đó cần phải được hỗ trợ”, ông Bình kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, Sở đã 3 lần gửi văn bản ra Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đề nghị vẫn giải quyết hỗ trợ cho người lao động làm việc ở các doanh nghiệp cho nghỉ việc từ tháng 2. Nhưng Bộ trả lời dứt khoát là không được. Bắt buộc phải từ ngày 1/4.
“Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP. Đà Nẵng nhận được 119 hồ sơ nhưng chỉ giải quyết được 16 hồ sơ”, ông An cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận