Vì sao chúng ta dễ rơi vào bẫy lừa đảo?
Xu hướng tài chính hóa đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư cá nhân, cả việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính cho đến hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư ngày càng phổ biến đến cá nhân cũng là lúc các trò lừa đảo và biến tướng trong đầu tư xuất hiện ngày càng tinh vi. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta thường rất dễ rơi vào các cạm bẫy lừa đảo, dù những bài học về lừa đào luôn đầy rẫy trên mạng xã hội?
Cuối tháng 10 vừa qua, các báo đưa tin Công ty TNHH VPAC Land bị hàng loạt học viên tố cáo có dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế trong hoạt động mở khóa học dạy làm giàu từ đầu tư bất động sản. Các hình thức lừa đảo như vậy không phải là hiếm trong giai đoạn vừa qua và để lại tổn thất lớn cho nhà đầu tư cá nhân.
Số liệu thống kê từ Kaspersky cho thấy, tổng số vụ tấn công lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam gần như bằng tất cả các quốc gia Đông Nam Á cộng lại. Ở một lăng kính khác, từ số liệu của Aseanskylines, nếu xét về số lượng huy chương của các cuộc thi Olympics quốc tế trong năm 2022 thì Việt Nam có thể được xem là quốc gia thông minh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Sự so sánh trên tương đối khập khiễng, tuy nhiên nó gợi mở vấn đề rằng tại sao trong cuộc sống hàng ngày chúng ta luôn đủ thông minh để phán xét các vấn đề, nhưng trong những thời điểm nhất định thì ta vẫn có thể dễ dàng trở thành con mồi của các đối tượng lừa đảo? Chúng ta thường lý giải là do tham lam, song đó là điều ai cũng biết và nếu chỉ quy chụp một lý do chung chung như vậy, ta sẽ không thể giải thích được tại sao hàng loạt vụ lừa đảo vẫn luôn diễn ra theo thời gian, dù mọi người luôn nhận thức được một môi trường sống đầy rủi ro.
Tại sao có những lúc chúng ta rất dễ bị lừa?
Sự hứa hẹn của lợi nhuận lớn và tăng trưởng tài sản trong đầu tư tài chính là một trong những lý do chính khiến nhiều người bị cuốn hút. Thị trường chứng khoán có thể tạo ra cơ hội cho tăng trưởng vốn đầu tư cũng như thu nhập cao và thị trường ngoại hối có thể mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận từ biến động tỷ giá. Các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin cũng thu hút người đầu tư bằng lời hứa về sự giàu có nhanh chóng.
Các đối tượng lừa đảo thường vẽ ra những dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn.
Kế tiếp, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30%/năm, có những trường hợp lên đến 50-70%/năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Đây là những chiêu trò khá phổ biến khiến nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu tư ký kết hợp đồng. Thực tế, các cam kết này chỉ là hứa hẹn chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.
Để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng...
Thiên lệch giải thích vấn đề (Hindsight bias) là hiện tượng mà sau khi một sự kiện đã xảy ra, chúng ta thường có xu hướng tin rằng mình đã có thể dự đoán hoặc nhìn thấy trước kết quả đó. Trong bối cảnh của các trò lừa đảo, khi một cá nhân bị mắc bẫy, người đó thường không nhận thức được các dấu hiệu cảnh báo vì họ bị cuốn theo những lời hứa hấp dẫn hoặc áp lực tâm lý. Tuy nhiên, sau khi sự việc đã diễn ra và kết quả trở nên rõ ràng, người ta thường nhìn lại và tự hỏi tại sao mình không nhận ra các cảnh báo. Thiên lệch giải thích vấn đề khiến chúng ta tin rằng các dấu hiệu của một trò lừa đảo là rõ ràng và dễ dàng nhận biết, trong khi thực tế, trong hoàn cảnh đó, nhiều yếu tố như cảm xúc, niềm tin và áp lực xã hội có thể làm mờ đi khả năng phán đoán của chúng ta. Điều này giải thích vì sao, dù có vẻ rõ ràng khi nhìn lại, nhưng trong thời điểm đó, nhiều người vẫn rơi vào bẫy mà không hề hay biết.
Hình vẽ bên dưới mô tả các yếu tố ảnh hưởng đến việc một cá nhân có thể bị lừa đảo. Bên cạnh những yếu tố chúng ta vẫn thường thảo luận như tính nhẹ dạ, cả tin hay lòng tham thì còn có 2 yếu tố khác mà ta cần xem xét: đó là động cơ và sự lựa chọn. Động cơ sẽ thường liên quan đến những yếu tố áp lực chúng ta phải đối mặt: áp lực từ gia đình, áp lực từ những trách nhiệm tài chính ta phải hoàn thành. Những người chịu những áp lực lớn về tài chính sẽ rất dễ rơi vào trạng thái “Gambler fallacy” - trạng thái ảo tưởng của các con bạc, nghĩa là luôn ở trong trạng thái muốn gỡ gạc lại những tổn thất đã phát sinh của những tổn thất trước đó. Chính tâm lý con bạc đó đã khiến chúng ta không thể phán đoán theo lý trí trước các trò lừa đảo.
Kế đến là sự lựa chọn. Những người bị lừa thường cho rằng họ rơi vào tình thế không còn sự lựa chọn. Hãy nghĩ về tình huống của những người về hưu và bị lừa đảo bởi những nhân viên môi giới trái phiếu lãi suất cao. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ họ là những người về hưu và sẽ cần nguồn thu nhập từ tiền gửi để trang trải cuộc sống. Việc lãi suất giảm mạnh ảnh hưởng đến thu nhập của họ và từ đó khiến họ phải tìm kiếm các nguồn thu nhập khác bổ sung, dẫn tới thiên hướng tin tưởng hơn vào những lời chào mời trái phiếu lãi suất cao.
Hãy tạo cho bản thân nhiều sự lựa chọn
Những người bị dính vào các bẫy đầu tư tài chính thường phải trả giá đắt. Họ có thể mất toàn bộ tiền đầu tư, thậm chí cả tài sản. Mất lòng tin và thất bại tài chính cũng có thể gây ra sự căng thẳng và tác động xấu đến cuộc sống cá nhân. Ngoài ra, những người bị dính vào các bẫy tài chính thường mất thời gian và công sức để hồi phục từ hậu quả của sự lừa dối.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đối mặt với những lựa chọn khó khăn và trong bối cảnh đó, một số người có thể bị lừa không phải vì lòng tham mà vì họ cảm thấy không có sự lựa chọn nào khác. Để tránh rơi vào tình trạng này, 2 nguyên tắc quan trọng sau đây sẽ có thể giúp bạn.
Bằng cách duy trì sự nỗ lực và đặt ra kỳ vọng tài chính phù hợp, chúng ta có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho quyết định tài chính và tránh được những bẫy lừa đảo. Điều này không chỉ giúp chúng ta đạt được mục tiêu tài chính bền vững mà còn giúp ta tránh được những cám dỗ không lành mạnh có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực cho chính tình hình tài chính của ta.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận