Vì sao chứng khoán Việt đi lùi trong khi thị trường Mỹ vượt đỉnh?
Trái ngược với chứng khoán Mỹ, thị trường trong nước vẫn chịu nhiều áp lực từ tỷ giá hay tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước báo cáo kinh doanh quý II.
Thị trường tuần này đã tiếp cận trở lại khu vực 1.280-1.290 điểm và sau đó ghi nhận diễn biến điều chỉnh rung lắc. Sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã có tín hiệu chững lại và gia tăng áp lực chốt lời ngắn hạn, phần nào cho thấy nhà đầu tư cũng thận trọng hơn ở thời điểm này.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), điều tích cực là thanh khoản bán không tăng đột ngột, đồng thời dòng tiền vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ và tìm đến những nhóm ngành hay cổ phiếu có câu chuyện riêng.
Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.280,75, giảm 2,29 điểm (-0,18%) so với tuần trước.
Xác suất VN-Index vượt mốc 1.300 điểm tăng cao
Ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, cho biết xét về mặt điểm số, mức giảm của VN-Index không đáng kể.
Trong bối cảnh chỉ số S&P 500 tăng 0,86% tuần vừa rồi và vượt đỉnh lịch sử, nguyên nhân chỉ số chính vẫn dậm chân tại chỗ chủ yếu do hứng chịu áp lực nguồn cung từ khối ngoại. Bên cạnh tình trạng tỷ giá tiếp tục neo ở mức cao, kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II cũng là một trong những lý do khiến nhà đầu tư duy trì quan điểm thận trọng.
“Xét diễn biến về mặt chỉ số, thanh khoản trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn tích lũy trong một xu hướng tăng dài hạn. VN-Index vẫn đang dao động trên mức giá trung bình 20 ngày, 50 ngày và 200 ngày”, vị chuyên gia nhận định.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia phân tích Nguyễn Hữu Phương cho rằng ngưỡng 1.300 điểm là vùng cản khá mạnh. Trong 2 năm qua, thị trường đã có 3 lần cố gắng phá kháng cự này nhưng đều không thành công.
Theo quan sát của ông Phương, nếu thị trường cố gắng phá kháng cữ hay hỗ trợ 3 lần không thành công, xác suất trong lần thứ 4 sẽ cao hơn.
Khi VN-Index tiến về đỉnh 1.300 lần thứ 4, thị trường đã điều chỉnh giảm 3 phiên cuối tuần này. Tuy nhiên, việc khối lượng rất thấp có thể là tín hiệu mừng cho thấy xu hướng giảm là rất yếu, thị trường đang tích lũy để có thể phá đỉnh được lần thứ 4 này.
Mùa BCTC quý 2 cũng giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy nhà đầu tư sẽ thận trọng hoặc hạn chế chế giao dịch để quản trị rủi ro. Song, dòng tiền sẽ nhanh chóng quay lại các cổ phiếu có số liệu tích cực, đang tạo nền giá tốt.
Khối ngoại sẽ giảm bán ròng khi tỷ giá hạ nhiệt
Về vấn đề tỷ giá, chuyên gia Nguyễn Hữu Phương đánh giá tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt khi Fed hạ lãi suất.
Từ giờ đến tháng 9, thị trường Mỹ sẽ còn 2 lần công bố số liệu kinh tế. Chỉ chỉ cần 1 dữ liệu không được như kỳ vọng, ông Phương lo ngại Fed có thể nhanh chóng thay đổi quyết định.
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những chính sách chính trị sau đó của vị lãnh đạo mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Vì vậy, việc Fed thực hiện cắt lãi suất quá sớm có thể đóng lại cánh cửa sửa chữa sai lầm. Dự báo, tỷ giá USD/VND trong nửa cuối năm nay rất khó lường.
Dẫu vậy, Fed thường cân nhắc giảm lãi suất khi phát hiện nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, điều này có thể ảnh hưởng ít nhất đến các doanh nghiệp nói riêng và từng ngành công nghiệp nói chung.
Bổ sung thêm, chuyên gia Trần Lâm Bình cho rằng ngoài chênh lệch lãi suất, biến động tỷ giá còn liên quan đến chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu hay dòng vốn đầu tư FDI, FII.
Nhưng nhìn chung, việc Fed giảm lãi suất sẽ giúp tăng định giá thị trường. Bên cạnh đó, việc lãi suất trong nước điều chỉnh giảm cùng pha cũng tác động tích cực lên nền kinh tế nói chung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận