24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quân Ri Cha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vì sao CEO các doanh nghiệp ngoại đồng loạt đến Trung Quốc?

Tuần này, CEO Tesla, Starbucks và JPMorgan đều có mặt tại Trung Quốc, trong bối cảnh nước này mở cửa trở lại sau gần 3 năm đại dịch.

Elon Musk của Tesla, Laxman Narasimhan của Starbucks và Jamie Dimon của JPMorgan đều có chuyến công tác Trung Quốc tuần này. Vài tháng gần đây, lãnh đạo Apple, Samsung, Saudi Aramco, Volkswagen, HSBC, Standard Chartered và Kering cũng ghé thăm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự xuất hiện của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với các công ty hàng đầu thế giới. Việc này diễn ra trong bối cảnh môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng phức tạp, căng thẳng chính trị gia tăng và triển vọng đầu tư thiếu chắc chắn.

Đến tháng 12/2022, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero Covid, khiến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài kêu gọi giảm phụ thuộc vào quốc gia này. Trung Quốc sau đó gỡ bỏ chính sách này, giúp nền kinh tế phục hồi trong quý I.

Dù vậy, đà phục hồi này đang có dấu hiệu trật bánh. Để vực dậy hoạt động kinh doanh, các lãnh đạo Trung Quốc thúc giục doanh nghiệp ngoại tăng đầu tư vào nước này, hứa hẹn sân chơi cởi mở và công bằng cho họ. Điều này thể hiện khá rõ trong cuộc gặp của Elon Musk với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 30/5.

Vì sao CEO các doanh nghiệp ngoại đồng loạt đến Trung Quốc?

Elon Musk (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 30/5. Ảnh: Reuters

Ông Tần kêu gọi tạo ra "mối quan hệ lành mạnh" với Mỹ, khẳng định việc này "có lợi cho cả hai nước và toàn thế giới". Musk cũng ủng hộ quan điểm này, nói rằng Tesla không muốn "tách rời" với Trung Quốc.

"Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc ràng buộc lẫn nhau", Musk cho biết. Trong cuộc họp tại Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó, ông cũng khẳng định mối quan hệ giữa hai nước không phải là người thắng – kẻ thua.

Tesla vài tháng gần đây liên tục hạ giá xe điện sau khi mất thị phần về tay các đối thủ Trung Quốc, như BYD. Việc giảm giá này đã châm ngòi cho cuộc chiến giá xe điện tại Trung Quốc – thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Với nhiều CEO, các chuyến thăm này là cơ hội kết nối lại với nhân viên tại Trung Quốc và thắt chặt quan hệ với quan chức sau nhiều năm. Theo nguồn tin của CNN, đây là lần đầu tiên sau 4 năm, Dimon đặt chân tới Trung Quốc.

Dimon đã gặp quan chức Thượng Hải hôm 30/5. Ông được đề nghị dùng "sức ảnh hưởng quốc tế" của JPMorgan để thúc đẩy đầu tư tại Thượng Hải – trung tâm tài chính của Trung Quốc. Dimon sau đó cho biết ngân hàng này sẽ đóng vai trò "cầu nối" để các công ty toàn cầu hiểu hơn về thành phố này và đầu tư vào đây.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg sau đó, ông cũng thừa nhận làm việc tại Trung Quốc "ngày càng phức tạp". Ông dự báo theo thời gian, "thương mại Mỹ - Trung sẽ giảm dần", nhưng khẳng định đây không phải là tách rời, mà là giảm thiểu rủi ro.

Vài năm gần đây, các công ty phương Tây chịu sức ép phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc. Apple – công ty từ lâu là biểu tượng cho hoạt động đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc – đã bắt đầu thực hiện việc giảm rủi ro này.

Vì sao CEO các doanh nghiệp ngoại đồng loạt đến Trung Quốc?

CEO Apple Tim Cook tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của các CEO ngoại cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc siết hoạt động của các hãng tư vấn nước ngoài. Tháng này, giới chức Trung Quốc cho biết đã lục soát các văn phòng của Capvision – hãng nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải và New York. Trước đó, giới chức đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh của hãng tư vấn pháp lý Mintz Group. Mục tiêu của họ là tăng cường kiểm soát các dữ liệu được cho là liên quan đến an ninh quốc gia.

Việc này khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ và Anh lo ngại, theo các lãnh đạo Phòng Thương mại hai nước. Sự bất ổn khiến nhiều công ty hoãn rót tiền vào Trung Quốc. Khảo sát của Phòng Thương mại Anh tháng trước cho thấy 70% doanh nghiệp nói rằng "đang chờ đợi và quan sát" trước khi quyết định đầu tư dài hạn vào đây.

Bắc Kinh và Washington đang bình ổn quan hệ, nhưng căng thẳng vẫn tồn tại. Tháng này, Trung Quốc cấm hãng chip Mỹ Micron bán sản phẩm sang nước này, vì lo ngại an ninh mạng. Động thái trên được coi là để trả đũa lệnh cấm của Mỹ lên các hãng chip Trung Quốc.

"Doanh nghiệp đang ngày càng mơ hồ về giới hạn của chính phủ Trung Quốc. Họ không biết cần làm gì để không bị giới chức coi là vi phạm quy định", Nick Marro – Giám đốc Thương mại Toàn cầu tại hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit nhận định.

Dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn chọn cách tăng đầu tư vào đây. Tháng trước, Tesla thông báo sẽ xây nhà máy thứ hai tại Thượng Hải, chuyên sản xuất pin quy mô lớn. Hãng xe Volkswagen cũng công bố kế hoạch rót 1 tỷ USD vào trung tâm nghiên cứu xe điện mới tại Trung Quốc.

Marro không ngạc nhiên bởi các quyết định này. Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn ràng buộc lẫn nhau. "Việc này cho thấy các mục tiêu chính sách như tách rời hay giảm rủi ro gặp thách thức trong thực tế như thế nào", Marro nói.

Hà Thu (theo CNN)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
47.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả