Vì sao cao tốc tỷ USD Bến Lức - Long Thành 'bất động'?
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng mức đầu tư lên tới 31.320 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,6 tỷ USD, nhưng tạm dừng thi công từ năm 2019 tới nay vì vài trăm tỷ đồng còn lại để đối ứng cho dự án.
Văn phòng Chính phủ vừa tiếp tục có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về tháo gỡ thủ tục cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bố trí vốn đối ứng còn lại nhằm tái thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Phó Thủ tướng đánh giá, việc tiếp tục thực hiện Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là vấn đề cấp bách, nên yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương rà soát, cho ý kiến rõ ràng về điều chỉnh chủ trương đầu tư tuyến cao tốc này.
Trước đó, ngày 16/6/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản trình Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép lùi tiến độ dự án tới hết tháng 9/2025; cho phép VEC sử dụng tiền thu phí đang tạm nhàn rỗi để thay vốn đối ứng còn lại và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hết hạn giải ngân.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chỉ còn phải thi công chưa tới 20% khối lượng còn lại sẽ đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, nhưng đa số gói thầu dừng thi công từ năm 2019 tới nay do "tắc" vốn.
Tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41, thống nhất chủ trương giao VEC tự cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo tính toán của VEC, số vốn đối ứng còn lại cho dự án khoảng 758 tỷ đồng; và khoảng hơn 5.200 tỷ đồng số vốn vay ADB hết hạn nhưng chưa giải ngân.
Tuy nhiên, khi triển khai Nghị quyết 41, vướng mắc lại phát sinh, theo Bộ GTVT, nghị quyết này không đề cập nội dung vốn đối ứng VEC sử dụng cho dự án lấy từ nguồn nào. Dù VEC đang quản lý khoảng 10.700 tỷ đồng tạm nhàn rỗi, nhưng đây là tiền thu phí từ 4 tuyến cao tốc đang khai thác, dùng để trả nợ khoản vốn vay đầu tư các dự án này (nhưng chưa tới kỳ trả nợ). Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, nếu VEC dùng nguồn tiền này đối ứng cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là chưa phù hợp, do không phải vốn chủ sở hữu của VEC.
Nếu VEC không được sử dụng nguồn tiền thu phí nhàn rỗi theo phương án trên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tiếp tục dừng, giãn tiến độ, chưa thể xác định mốc hoàn thành. Trong khi chờ hướng dẫn, VEC đã và đang sử dụng một phần tiền thu phí nhàn rỗi để thanh toán cho nhà thầu tiếp tục thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tới nay, tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công đạt trên 81% khối lượng, nhưng đa số gói thầu tạm dừng thi công từ năm 2019 tới nay. Do dừng thi công quá lâu, nhiều nhà thầu đã rút khỏi công trường, VEC đã và đang làm thủ tục dừng hợp đồng với 5 gói thầu.
Tin từ VEC cho hay, các nhà thầu thi công gói A1, A3, A6, J1, J3 đang khiếu nại, yêu cầu VEC bồi thường do dừng chờ thi công, có nhà thầu đã kiện ra Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore (SIAC). Các nhà thầu này yêu cầu VEC bồi thường khoảng 1.656 tỷ đồng chi phí phát sinh do dừng chờ và hủy hợp đồng. Về khoản chi phí bồi thường này, đơn vị tư vấn giám sát tính toán rơi vào khoảng 840 tỷ đồng, VEC sẽ phải thanh toán theo phán quyết của trọng tài.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Long An - TPHCM - Đồng Nai. Dự án này khởi công năm 2014, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018, sau đó tiếp tục lùi tiến độ nhiều lần, nay vẫn chưa rõ thời điểm hoàn thành. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt trên 31.320 tỷ đồng (tương đương hơn 1,6 tỷ USD), gồm vốn vay ADB hơn 13.654 tỷ đồng, vốn vay Nhật Bản hơn 11.975 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước hơn 5.689 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận