Vì đâu cán cân thanh toán thâm hụt trở lại?
(KTSG) - Từ mức thặng dư gần 4,58 tỉ đô la Mỹ trong kỳ sáu tháng đầu năm 2023, vì sao cán cân thanh toán tổng thể sáu tháng đầu năm 2024 lại chuyển sang thâm hụt gần 7,44 tỉ đô la Mỹ. Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự đảo chiều này?
Thâm hụt lớn trong quí 2-2024 khi thặng dư cán cân vãng lai bị thu hẹp
Gần 6,07 tỉ đô la Mỹ là mức thâm hụt của cán cân thanh toán tổng thể riêng trong quí 2 vừa qua, theo dữ liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Con số này gấp hơn 4,4 lần so với mức thâm hụt của quí 1-2024 và đảo chiều so với mức thặng dư gần 3,04 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ quí 2-2023. Đây là một tín hiệu tiêu cực khi cả quí 1 và quí 2 năm nay cán cân thanh toán tổng thể đều chịu thâm hụt, ngược chiều với diễn biến của quí 1 và quí 2 năm ngoái.
Theo đó, lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt gần 7,44 tỉ đô la Mỹ, trong khi sáu tháng cùng kỳ năm 2023 đạt thặng dư gần 4,58 tỉ đô la Mỹ. Xuất siêu hàng hóa cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đều ở mức cao, nhưng chừng đó cũng không đủ sức giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, khi vẫn tồn tại những yếu tố mở rộng mức thâm hụt.
Với cán cân vãng lai thặng dư hơn 9,73 tỉ đô la, cán cân tài chính thâm hụt 4,82 tỉ đô la, lẽ ra cán cân thanh toán tổng thể phải thặng dư 4,91 tỉ đô la, nhưng ngược lại bị thâm hụt gần 7,44 tỉ đô la. Nguyên nhân chính vẫn là do một lượng lớn ngoại tệ đã bị hút ra khỏi thị trường qua những kênh không chính thức, thể hiện qua khoản mục lỗi và sai sót gần 12,35 tỉ đô la, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ.
Cụ thể, cán cân vãng lai quí 2 thặng dư 4,51 tỉ đô la, chỉ tương đương 45% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế sáu tháng đầu năm 2024 đạt 9,73 tỉ đô la, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì mức thặng dư này giảm 20%. Trong đó, thặng dư cán cân thương mại hàng hóa cũng giảm nhẹ 2%, khi chỉ đạt 20,43 tỉ đô la, với kim ngạch xuất khẩu (tính theo giá FOB) tăng 15% nhưng kim ngạch nhập khẩu tăng đến 17%, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi đã kích thích các hoạt động mở rộng đầu tư trở lại, từ đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu.
Không chỉ tăng nhập khẩu hàng hóa, nhập khẩu dịch vụ trong sáu tháng đầu năm nay cũng tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 19% ở xuất khẩu dịch vụ, khiến cán cân dịch vụ chứng kiến mức thâm hụt hơn 5,14 tỉ đô la, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm 2023. Chiếm phần lớn trong nhập siêu dịch vụ thường là các dịch vụ vận tải đường biển, vốn cũng thường tăng mạnh theo các hoạt động thương mại quốc tế, khi Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào hoạt động vận chuyển và logistics của các hãng tàu nước ngoài.
Trong khi đó, thâm hụt cán cân thu nhập cũng tăng 8% so với cùng kỳ sáu tháng đầu năm 2023, lên mức 11,6 tỉ đô la. Dù thu nhập đầu tư ở dòng thu tăng mạnh 41%, nhưng quy mô rất thấp - chỉ đạt gần 2,79 tỉ đô la, trong khi dòng chi tuy chỉ tăng 13% nhưng có quy mô lớn hơn nhiều - tới 14,39 tỉ đô la. Trước rủi ro tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng ở mức cao trong nửa đầu năm nay, cộng thêm chênh lệch lớn giữa lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tại Việt Nam và các nước khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng cường chuyển lợi nhuận về mẫu quốc trong giai đoạn này.
Khoản mục cuối cùng trong cán cân vãng lai là các chuyển khoản ghi nhận thặng dư 6,04 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm nay, góp phần làm tăng thặng dư cán cân vãng lai, tuy nhiên nếu so với cùng kỳ thì khoản mục này vẫn giảm nhẹ 0,3%. Trong đó, chuyển giao vãng lai ghi nhận ở dòng thu vào (gồm dòng tiền từ kiều hối) là gần 8,12 tỉ đô la, tăng 7%; dòng chi ra gần 2,08 tỉ đô la, tăng mạnh 38% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể thấy các khoản mục thường có thặng dư và đóng góp tích cực vào cán cân vãng lai là cán cân thương mại hàng hóa và các chuyển khoản lại ghi nhận giảm sút so với cùng kỳ; ngược lại các khoản mục thường thâm hụt là cán cân dịch vụ và thu nhập lại tiếp tục mở rộng mức thâm hụt, càng khiến thu hẹp mức thặng dư cán cân vãng lai so với cùng kỳ.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp bị rút ra và doanh nghiệp tăng trả nợ nước ngoài
Quí 1-2024 vẫn còn chứng kiến thặng dư 1,44 tỉ đô la, đến quí 2-2024 thì cán cân tài chính bất ngờ ghi nhận thâm hụt lên đến 4,82 tỉ đô la. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cán cân thanh toán tổng thể quí 2 thâm hụt lớn.
Ở các hoạt động đầu tư khác, mức thâm hụt trong sáu tháng đầu năm 2024 lên đến 11,06 tỉ đô la, tăng mạnh 66% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó hai yếu tố tác động lớn nhất là dòng tiền bị chuyển ra nước ngoài, thứ hai là hoạt động trả nợ quốc tế của khu vực tư nhân.
Chi tiết hơn, ở hoạt động thu hút vốn đầu tư, dòng vốn FDI thực hiện trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 8,6 tỉ đô la, có tăng 8% so với cùng kỳ, nhưng dòng vốn FDI lại bị rút về 0,25 tỉ đô la, ngược chiều với mức chuyển đi 0,35 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm 2023, dẫn đến đầu tư trực tiếp ròng là 8,35 tỉ đô la, tương đương với cùng kỳ.
Đáng lo ngại hơn là dòng vốn đầu tư gián tiếp bị rút ròng hơn 2,1 tỉ đô la, gấp 21 lần so với mức rút ròng chỉ 0,1 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm 2023. Con số này tương thích với xu hướng bán ròng không dứt của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong sáu tháng đầu năm nay.
Ở các hoạt động đầu tư khác, mức thâm hụt trong sáu tháng đầu năm nay lên đến 11,06 tỉ đô la, tăng mạnh 66% so với cùng kỳ, trong đó hai yếu tố tác động lớn nhất là dòng tiền bị chuyển ra nước ngoài, thứ hai là hoạt động trả nợ quốc tế của khu vực tư nhân.
Cụ thể, lượng tiền và tiền gửi ra nước ngoài trong sáu tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ, lên gần 4,95 tỉ đô la, trong đó chủ yếu là ở khu vực doanh nghiệp và dân cư tăng 31% lên 4,6 tỉ đô la, còn khu vực tổ chức tín dụng chỉ có 347 triệu đô la.
Chiều ngược lại, tiền và tiền gửi của các tổ chức tín dụng đang để ở Việt Nam lại bị rút đi hơn 3,21 tỉ đô la, tăng 1% so với cùng kỳ. Diễn biến này có lẽ cũng đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá và chênh lệch lãi suất tiền gửi đô la Mỹ quá lớn giữa Việt Nam và các nước khác như đã nói. Việt Nam hiện vẫn áp trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ là 0% từ cuối năm 2015 đến nay, còn lãi suất đô la Mỹ tại một số quốc gia đã tăng mạnh theo xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hơn hai năm qua.
Ở hoạt động vay trả nợ nước ngoài, sáu tháng đầu năm nay ghi nhận mức rút ròng gần 2,95 tỉ đô la, gấp 1,96 lần so với cùng kỳ, với các kỳ hạn ngắn chứng kiến mức rút ròng chỉ 6 triệu đô la, nhưng kỳ hạn dài bị rút ròng hơn 2,94 tỉ đô la, đảo chiều so với mức rót ròng 0,48 tỉ đô la của cùng kỳ.
Trong đó, chủ yếu ảnh hưởng bởi hoạt động vay trả nợ của khu vực tư nhân, với giá trị vốn vay được giải ngân đạt 4,21 tỉ đô la, giảm 32% so với cùng kỳ; ngược lại số trả nợ gốc là gần 6,53 tỉ đô la, tăng mạnh 31% so với cùng kỳ. Theo đó, lượng vốn vay bị rút ròng ở khu vực tư nhân lên đến 2,31 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm nay, riêng quí 2 đã bị rút ròng hơn 1,62 tỉ đô la. Ngược lại, sáu tháng đầu năm 2023 khu vực tư nhân vẫn được rót ròng gần 1,21 tỉ đô la.
Với cán cân vãng lai thặng dư hơn 9,73 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm 2024, cán cân tài chính thâm hụt 4,82 tỉ đô la, lẽ ra cán cân thanh toán tổng thể phải có thặng dư 4,91 tỉ đô la, nhưng ngược lại vẫn bị thâm hụt gần 7,44 tỉ đô la như đã nói. Nguyên nhân chính vẫn là do một lượng lớn ngoại tệ đã bị hút ra khỏi thị trường qua những kênh không chính thức, thể hiện qua khoản mục lỗi và sai sót gần 12,35 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ, trong đó quí 1 là hơn 8,03 tỉ đô la và quí 2 là 4,31 tỉ đô la.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận