VFCA đề xuất cơ chế điều tiết, giảm biên độ hoặc ngắt giao dịch chứng khoán những phiên bán tháo
Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) ngày 6/5 vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép xây dựng cơ chế điều tiết thị trường để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong những phiên xảy ra hiện tượng bán tháo.
Cụ thể, theo VFCA, do ảnh hưởng bởi tác động chung từ dịch Covid 19, các TTCK trên thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng đã chứng kiến không ít phiên bán tháo trong thời gian qua.
Sự lây lan của dịch Covid-19 đã kích hoạt làn sóng bán tháo từ thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ cho tới các thị trường châu Âu và cả thị trường châu Á. TTCK Việt Nam không phải ngoại lệ.
Hàng loạt chỉ số của TTCK Việt Nam đã giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không ít phiên giao dịch, nhà đầu tư tháo chạy, hàng trăm mã cổ phiếu “bán không ai mua”. Điển hình như phiên giao dịch ngày 9/3, có tới 311 mã cổ phiếu giảm, trong đó có 169 mã giảm sàn, đẩy VN-Index giảm tới 6,28%, gần hết biên độ giao dịch 7%.
Tuy ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong tháng 4/2020 khi VN-Index tăng 16% nhưng tính chung trong 4 tháng đầu năm, chỉ số này vẫn giảm 20%. Nhiều chuyên gia nhận định nguy cơ giảm điểm của VN-Index vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh hệ lụy của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế được dự báo còn rất phức tạp.
"Mặc dù gần đây, thị trường đã ghi nhận sự ổn định nhất định, nhưng trong tương lai, những phiên giao dịch kiểu này có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn, nhất là khi vòng xoáy suy thoái kinh tế mới chỉ bắt đầu và các tác động là không lường hết được", VFCA nhận định.
Hiêp hội này cũng cho biết, trên thực tế, các sàn giao dịch chứng khoán khác trên thế giới thời gian qua đã phải áp dụng một biện pháp tạm thời để ngăn ngừa tình trạng bán tháo, đó là “ngắt giao dịch” khi các chỉ số lớn giảm quá mức cho phép. Mục đích là giúp nhà đầu tư có thời gian để ổn định tâm lý trong những phiên bán tháo mạnh. Các biện pháp này cho thấy hiệu quả khá rõ rệt, đặc biệt là tại TTCK Mỹ.
Tại TTCK Việt Nam, mặc dù đã có quy định về biên độ dao động tối đa nhưng quy định này chưa đủ mạnh để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong các phiên giao dịch cực đoan. Vì vậy, Hiệp hội cho rằng, cần thiết phải xây dựng cơ chế điều tiết thị trường như: giảm biên độ giao dịch, giảm thời gian giao dịch trong ngày hoặc thậm chí tạm ngừng giao dịch để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong những phiên xảy ra hiện tượng bán tháo.
Theo đó, VFCA đề xuất khi VN-Index giảm 30% trong thời gian kéo dài sẽ có cơ chế thực hiện giảm biên độ giao dịch chứng khoán trên sàn HOSE từ 7% xuống 2% và trên sàn HNX từ 10% xuống 3% như các biện pháp tương tự đã áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính trước đó.
Bên cạnh đó, việc áp dụng giảm thời gian giao dịch trong ngày, chỉ giao dịch buổi sáng hoặc chỉ giao dịch 1 phiên buổi sáng và 1h phiên buổi chiều cùng ngày cũng là một giải pháp hỗ trợ khi thị trường xảy ra hiện tượng bán tháo.
Cuối cùng là cơ chế tất cả các mã sẽ bị ngừng giao dịch 30 phút khi chỉ số VN-Index giảm trên 5% so với giá tham chiếu, liên tiếp trong 3 ngày. Nếu chỉ số VN-Index giảm trên 6% liên tiếp trong 3 ngày, thì thời gian ngừng giao dịch sẽ là 1 tiếng.
Đồng thời, VFCA cũng đề xuất tiếp tục điều chỉnh giảm giá dịch vụ chứng khoán để hỗ trợ và khuyến khích nhà đầu tư.
“Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành thông tư số 14/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 127/2018/TT-BTC nhằm điều chỉnh giảm giá dịch vụ chứng khoán với 9 dịch vụ và miễn thu hoàn toàn với 6 dịch vụ. Tuy nhiên, do hệ lụy từ dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng có thể sẽ kéo dài nên VFCA kiến nghị tiếp tục điều chỉnh giảm giá dịch vụ chứng khoán”, VFCA nêu rõ trong kiến nghị.
Cụ thể, VFCA đề xuất giảm giá đối với 8 loại dịch vụ quản lý và giao dịch chứng khoán với mức giảm tối đa là 50%. Với mức giảm này, theo tính toán của VFCA, sẽ giảm từ 10-15% so với Quy định tại thông tư 14/2020 của Bộ Tài chính.
Liên quan việc xem xét gia hạn thời gian có hiệu lực của Thông tư 14/2020/TT-BTC sau ngày 31/8/2020, dẫn quy định tại thông tư: “Căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết”, VFCA cho rằng tác động của dịch Covid-19 có thể kéo dài ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
“Vì vậy, VFCA kiến nghị xem xét gia hạn sớm hiệu lực của Thông tư 14 đến hết năm 2020 nhằm tạo hiệu ứng tâm lý tốt cho thị trường”, ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA nhấn mạnh trong kiến nghị của Hiệp hội.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị thúc đẩy việc sửa đổi, triển khai các quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài như sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình triển khai các sản phẩm phục vụ cho nhà đâu tư nước ngoài như NVDR; các quy định về chuyển tiền…; Nghiên cứu triển khai các cơ chế mới liên quan đến thanh toán bù trừ, vay/cho vay chứng khoán… nhằm thúc đẩy thanh khoản của TTCK; sớm có quy định pháp lý cụ thể về việc đưa các doanh nghiệp FDI lên sàn giao dịch chứng khoán; Xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Biểu giá kiến nghị điều chỉnh giảm của VFCA
STT |
Tên giá dịch vụ |
Quy định tại thông tư 14/2020/TT-BTC |
Mức điều chỉnh giảm kiến nghị |
1 |
Dịch vụ quản lý thành viên giao dịch |
Không thay đổi |
Giảm 50% |
2 |
Dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh |
Không thay đổi |
Giảm 50% |
3 |
Dịch vụ giao dịch chứng khoán |
Giảm 10% |
Giảm 50% |
4 |
Dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh |
Giảm 10% |
Giảm 50% |
5 |
Dịch vụ quản lý thành viên lưu ký |
Không thay đổi |
Giảm 50% |
6 |
Dịch vụ quản lý thành viên bù trừ |
Không thay đổi |
Giảm 50% |
7 |
Dịch vụ quản lý vị thế trong giao dịch chứng khoán phái sinh |
Giảm 15% |
Giảm 50% |
8 |
Dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh |
Giảm 20% |
Giảm 50% |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận