VEPR tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2021 vừa được Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, GDP của Việt Nam năm 2021 được dự báo tăng trưởng ở mức 2 - 2,5% trong kịch bản tích cực.
Trước đó, tháng 7/2021, VERP đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, chia ra làm 3 mức xấu, cơ sở và tốt với lần lượt là: 3,5-4,0%; 4,5-5,1% và 5,4-6,1%.
GDP giảm sâu nhất vẫn chưa phản ánh hết tình trạng đứt gãy
Dẫn số liệu từ Tổng cục thống kê về mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong quý 3/2021 chỉ đạt -6,17%, VEPR cho biết, đây là mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP. PGS.TS Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VEPR nhận định, tác động của Covid-19 với nền kinh tế Việt Nam được nhìn thấy rất rõ trong quý III/2021. Mức tăng trưởng phản ánh tác động tiêu cực mạnh mẽ bởi các biện pháp mạnh trong việc phong tỏa các khu vực nhằm hạn chế dịch bệnh đến các khu vực kinh tế.
Cụ thể, GDP quý III giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước là mức giảm sâu nhất kể từ khi có thống kê GDP theo quý. Khu vực dịch vụ giảm 9,28%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%. Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 1,04%.
Thậm chí, theo chuyên gia, mức tăng trưởng âm 6,17% trong quý 3 có lẽ chưa phản ánh hết được sự đứt gãy sản xuất và lưu thông hàng hóa, sự đình trệ của các hoạt động kinh doanh diễn ra trên quy mô lớn, sự bất ổn trong đời sống của hàng triệu người lao động.
Trước đó, tháng 7/2021, VERP đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, chia ra làm 3 mức xấu, cơ sở và tốt với lần lượt là: 3,5-4,0%; 4,5-5,1% và 5,4-6,1%.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng đó là xuất khẩu vẫn tăng, vẫn có những ngành thích ứng tốt hoặc được hưởng lợi từ các hoạt động liên quan tới phòng chống dịch bệnh ,như ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, đạt 38,56%, cao nhất trong các ngành quý III/2021. Bên cạnh đó, thu hút FDI vẫn tốt và chỉ số lạm phát ổn định, phản ánh sự ổn định của kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Căn cứ những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, VEPR đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng cho Việt Nam từ nay tới cuối năm.
Đối với kịch bản tốt: cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với bệnh dịch với tinh thần chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế với tỷ lệ tiêm chủng cao. Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu Quý IV. Tình trạng phong tỏa như trong Quý III không lặp lại. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,0 – 2,5%.
Còn với kịch bản xấu: Bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát trong khi Việt Nam chưa thống nhất được chiến lược ứng phó một cách hiệu quả giữa các tỉnh thành. Tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt khoảng 1,0-1,5%.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, đây là kịch bản rất xấu và ở kịch bản này, dự báo tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức từ 1 - 1,5%. Nếu như tình hình dịch bệnh và tình trạng phong tỏa như trong quý III lặp lại thì có thể mức tăng trưởng này còn xấu hơn, thậm chí là tăng trưởng âm.
2 động lực "cứu vãn" tăng trưởng năm 2021
VEPR nhận định, thời gian tới, Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan được nữa, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, cần đảm bảo hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, không thể đóng cửa giống như quý III.
Chuyên gia từ VEPR cũng khuyến nghị, triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Chỉ cần không làm đứt gãy lưu thông hàng hóa, đứt gãy sản xuất thì sự hồi phục của Việt Nam sẽ rất tốt.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của VEPR, 2 động lực chính giúp tăng trưởng trong quý IV sáng hơn nhiều trong quý III là xuất khẩu và đầu tư công. Thứ nhất về xuất khẩu, ngoài hưởng lợi từ các hiệp định thương mại (FTA), sự chuyển động của dòng vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam thì Việt Nam còn được hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, sự hồi phục và các chính sách kích cầu của các nước lớn, của các nước đối tác thương mại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ an sinh xã hội cần phải đủ lớn, đủ nhanh để hỗ trợ giảm tổn thất cho người lao động nên được thực hiện nếu như Chính phủ có nguồn lực. Sau đó đến các gói liên quan đến hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp (nếu như có nguồn lực), hỗ trợ có trọng điểm, đặc biệt liên quan đến chi phí trả lương cho người lao động, chi phí liên quan đến chống dịch.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, một vấn đề mà Việt Nam cần hết sức lưu ý trong thời gian tới là vấn đề lạm phát do chi phí đẩy và bong bóng tài sản. Hiện tại, lạm phát không đáng lo nhưng lạm phát do chi phí đẩy là một rủi ro cần phải được giám sát chặt.
Đồng tình quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thách thức cho tăng trưởng trong năm 2021 là rất lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát của dịch bệnh Covid-19 cũng như ứng phó của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, tăng trưởng kinh tế thời gian tới phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh và tiêm vắc-xin. Nếu tiêm vắc xin thành công cho tất cả công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất thì khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ thuận lợi vào quý IV và những năm tiếp theo.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, tăng trưởng quý III/2021 âm cao sẽ tạo khó khăn cho tăng trưởng quý IV và cả năm. Theo đó, để đạt được dự báo tăng trưởng 2,0-2,5% như kịch bản đưa ra cần một sự nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế.
Do đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo đưa ra 10 giải pháp cần làm ngay để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, có nhiều giải pháp tập trung tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, chuyên gia cho rằng, bên cạnh trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh, để họ tự lựa chọn phương án sản xuất, giúp họ lạc quan, tin tưởng hơn vào phục hồi sản xuất, kinh doanh, thì Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần sớm cho phép hàng hóa, con người lưu thông một cách tự do, thuận lợi, tạo tiền đề cần thiết cho phục hồi kinh tế và hoạt động giao thương được diễn ra dễ dàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận