VEPR: Không cần nhập vàng ồ ạt để giảm chênh lệch giá
Báo cáo vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng tổ chức Think Future Consultancy công bố tại tọa đàm ngày 17/5 đưa ra một số khuyến nghị chính sách về quản lý thị trường vàng.
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt đỉnh 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4, trước khi vượt 92 triệu đồng vào tháng 5 - mức cao nhất lịch sử. Chênh lệch với giá thế giới cũng neo ở mức cao, có thời điểm tới 20 triệu đồng một lượng. Bình quân 4 tháng, kim loại quý tăng 20,75%.
Theo các chuyên gia VEPR và Think Future, chênh lệch giá này "không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu". Do đó, việc giảm mức chênh này không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn.
"Hành động này sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết", nhóm chuyên gia bình luận.
Bối cảnh này, theo họ, các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá... là các biện pháp sẽ "không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì".
Ngoài ra, công cụ tiền tệ, như lãi suất, cũng giúp ngăn các loại bong bóng tài sản, gồm vàng.
Người dân đi mua vàng trên phố Trần Nhân Tông. Ảnh: Giang Huy
Điểm lại lịch sử, theo các chuyên gia có những giai đoạn dài, giá trong nước và thế giới vẫn đồng pha, dù không cần nhập khẩu, hay phá độc quyền mặt hàng này.
Chẳng hạn, giai đoạn 2016-2019, giá ổn định khi giá thế giới tăng nhưng trong nước gần như đi ngang, chênh lệch về 0. Hay giữa năm ngoái, giá trong nước đi ngang trong khi thế giới giao động mạnh, tăng 10% rồi giảm 3%. Thời điểm này tương đối trùng với giai đoạn các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền đồng để ổn định tỷ giá.
Ngược lại, có giai đoạn nhà chức trách tăng cung cùng, nhưng giá không ổn định. Như 2014-2015, sau khi Nhà nước bán ra 74 tấn vàng, chênh lệch giá khoảng 10%-20% so với thế giới.
Yêu cầu về hóa đơn điện tử được Chính phủ đưa ra nhiều lần, trong bối cảnh các giao dịch mua bán kim loại quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu minh bạch.
Hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đến ngày 15/6, doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép.
Ông cũng nhắc lại yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trên thị trường này. Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục rà soát Nghị định 24/2012 về quản lý kinh doanh vàng.
Liên quan tới nhập khẩu vàng, chia sẻ trước đây, lãnh đạo một nhà băng lớn, đứng từ góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, cũng cho rằng không nên bình ổn bằng cách nới nhập, bởi sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá. Theo bà, tỷ giá biến động tác động tới người dân và doanh nghiệp trên diện rộng. USD tăng khiến giá hàng nhập khẩu tăng theo, kéo theo mặt bằng giá và lạm phát đi lên.
"Tại sao phải hy sinh dự trữ ngoại hối để bình ổn giá vàng miếng, trong khi người dân có những lựa chọn đầu tư, tích lũy khác như nữ trang hoặc nhẫn trơn", bà đặt vấn đề.
Về lâu dài, bà nói thêm, cần tính đến giải pháp dài hạn là xóa bỏ hẳn việc độc quyền vàng miếng. Hôm qua, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc SJC - đơn vị được Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, cũng nói doanh nghiệp này muốn bỏ độc quyền, bởi họ không được hưởng lợi gì từ chính sách này, còn bị mang tiếng trục lợi.
Tại tọa đàm hôm nay, nhóm chuyên gia VEPR và Think Future giai đoạn vừa qua lãi suất thấp là môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ tài sản nào. Những tháng đầu năm nay, sóng vàng dễ hình thành khi giá thế giới tăng do bất ổn địa chính trị, trong khi kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như 2021-2022.
Ngoài ra, kim loại quý biến động còn bởi tâm lý đám đông. "Sóng càng cao càng dễ hút tiền", nhóm chuyên gia nhận định, thêm rằng bong bóng tài sản luôn hình thành bởi tâm lý "bầy đàn" như vậy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận