VEAM lãi tăng nhờ… gửi tiết kiệm
Lợi nhuận phần nhiều trông vào lãi tiền gửi tiết kiệm đang cho thấy cái khó của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) trong lĩnh vực kinh doanh chính.
Mảng kinh doanh chính tiếp tục suy giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Công ty mẹ VEAM, trong kỳ, Công ty ghi nhận 89,9 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm mạnh so với con số hơn 176,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng) đạt 218,5 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước, nên VEAM lãi 134,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 28,2 tỷ đồng của cùng kỳ.
Mảng kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp, giao thông vận tải tiếp tục thể hiện sự đi xuống.
Trước đó, theo báo cáo tài chính riêng năm 2019 đã kiểm toán, Công ty mẹ VEAM chỉ ghi nhận 685,3 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm qua, giảm thảm hại so với con số 2.927,1 tỷ đồng trong năm 2018.
Tại thời điểm 31/3/2020, VEAM ghi nhận khoản tiền lên tới hơn 12.179 tỷ đồng (giá trị ghi sổ), đang gửi ở 10 ngân hàng, chi nhánh các ngân hàng, tăng đáng kể so với 10.670 tỷ đồng ở thời điểm ngày 1/1/2020.
Trong tổng số 12.179 tỷ đồng, khoản tiền lớn nhất là 5.751 tỷ đồng VEAM đang gửi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tiếp đến là 4.220 tỷ đồng gửi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 1.285 tỷ đồng gửi Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội, 700 tỷ đồng gửi Ngân hàng Đông Nam Á - Chi nhánh Hà Nội…
Ngoài lãi tiền gửi ngân hàng, lâu nay, lời lãi của VEAM phần nhiều phụ thuộc vào mảng góp vốn đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam…
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, trong quý I/2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên thuộc VAMA giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đạt 52.557 xe.
Riêng trong tháng 3/2020, lượng xe Toyota bán ra giảm mạnh tới 44% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh của Honda cũng trong tình cảnh tương tự…
Điều này đe dọa đến hiệu quả kinh doanh của VEAM trong thời gian tới, khi mà nhiều dự báo quan ngại tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành ô tô còn tệ hơn trong tháng 4.
Thách thức lớn với sếp mới
Tình trạng mảng kinh doanh chính suy giảm hiệu quả đã lộ rõ sau thời điểm tháng 8/2019, khi Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP và một số đơn vị thành viên”, đồng thời khởi tố bị can đối với hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Tổng công ty. Cho đến nay, vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra.
Mới đây, ông Nguyễn Khắc Hải, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) được bổ nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc VEAM, thay ông Ngô Văn Tuyển về nghỉ hưu.
Nhận ghế nóng tại VEAM ở thời điểm này, ông Hải đứng trước bài toán lớn, đó là làm sao xoay chuyển hoạt động kinh doanh chính, lấy lại thế mạnh của Tổng công ty.
Để làm được điều đó, chắc chắn cần khoảng thời gian đủ dài, còn ở thời điểm hiện tại, ông Hải đang phải đối mặt với những khó khăn mà như Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM Bùi Quang Chuyện chia sẻ, do ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, một số đối tác, khách hàng lớn đã dừng hoặc giảm sản lượng sản xuất, trong khi VEAM đang phải giải quyết rất nhiều việc liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra, kế hoạch sản xuất - kinh doanh…
Do tác động tiêu cực của dịch bệnh, nên thay vì tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 trước ngày 30/4 như dự kiến ban đầu, VEAM đã xin gia hạn họp trước ngày 30/6 tới.
Kỳ đại hội này được nhà đầu tư quan tâm, vì muốn biết đường hướng kinh doanh của Tổng công ty sắp tới ra sao, chứ không thể để tình trạng lãi chính chỉ nhờ gửi tiết kiệm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận