menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tuấn

Về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ: Nước Mỹ đang hưởng lợi lớn từ thâm hụt thương mại

Việt Nam không có khả năng thao túng tiền tệ cũng như không thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ cũng như bất kỳ nền kinh tế nào khác.

Liên quan đến báo cáo mới đây của Bộ Tài chính Mỹ về việc cáo buộc Việt Nam là một trong những nước thao túng tiền tệ, trước hết cần phải khẳng định, Việt Nam (1) không có khả năng thao túng, (2) không hề có ý định thao túng, và (3) cũng không thao túng tiền tệ.

Rõ ràng, Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ, chỉ tương đương 1,2% so với GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ. Tương tự, khoản thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ (58 tỷ USD) cũng chỉ tương đương 0,27% quy mô kinh tế Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam không có khả năng thao túng tiền tệ cũng như không thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ cũng như bất kỳ nền kinh tế nào khác.

Về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ: Nước Mỹ đang hưởng lợi lớn từ thâm hụt thương mại
Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá cùng với chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô. Ở Việt Nam, việc để cho đồng nội tệ mất giá thường kèm theo lo sợ lạm phát, do đó, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ chủ động giảm giá nội tệ bất kể vì lý do gì, kể cả việc tạo thuận lợi thương mại.
Trên góc độ tiền tệ, Việt Nam điều hành chính sách tỷ giá cùng với chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô. Đặc biệt từ sau những bất ổn vĩ mô triền miên của nhiều năm trước, Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua nhiều nghị quyết của Chính phủ. Để ổn định vĩ mô, Việt Nam xem ổn định tỷ giá là một mục tiêu quan trọng. Ở Việt Nam, việc để cho đồng nội tệ mất giá thường kèm theo lo sợ lạm phát, do đó, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ chủ động giảm giá nội tệ bất kể vì lý do gì, kể cả việc tạo thuận lợi thương mại.

Chúng ta đều biết rằng, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiều năm là rất lớn. Cụ thể, tính từ năm 2010, chỉ số khử lạm phát (GDP deflator) của Việt Nam đã tăng 61%, trong khi Hoa Kỳ chỉ tăng 17%, tức chênh lệch lạm phát hai nước đã lên đến 44%, như vậy nếu tỷ giá phản ánh sức mua tương đối (PPP tương đối) của đồng tiền của hai nước thì tiền đồng lẽ ra đã phải giảm giá tương đương 44% so với USD trong cùng giai đoạn, trong khi thực tế tiền đồng chỉ giảm giá 19% về mặt danh nghĩa so với USD tính từ cuối năm 2010. Nghĩa là tiền đồng vẫn lên giá thực chứ không phải mất giá so với USD. Sức cạnh tranh của hàng hóa do tỷ giá thực quyết định chứ không phải tỷ giá danh nghĩa.

Do bản chất thâm hụt giữa Việt Nam và Mỹ nằm ở vấn đề cơ cấu nên việc nâng giá tiền đồng, chẳng hạn nâng lên 4,7% như tính toán của Mỹ chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt của Mỹ với Việt Nam. Ngược lại, người dân Mỹ sẽ phải bỏ thêm tiền để mua hàng Việt Nam với giá đắt đỏ hơn tương ứng hoặc họ sẽ phải tìm nguồn hàng thay thế ở nước khác mà chắc chắn cũng không thể rẻ hơn so với hàng sản xuất ở Việt Nam.

Trên góc độ thương mại, Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Hoa Kỳ nhưng xét bản chất con số, Việt Nam không đạt thặng dư lớn như vậy. Do Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu từ các nước, dựa trên lợi thế tiền lương lao động thấp, Việt Nam thực hiện công đoạn gia công và hoàn thiện, do đó giá trị gia tăng rất thấp.

Nếu sử dụng thước đo giá trị gia tăng, Việt Nam không hưởng lợi gì nhiều từ mức thặng dư đó. Một cách định lượng, nếu tỷ lệ giá trị gia tăng chiếm 10-20% kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam chỉ được lợi khoảng trên dưới 10 tỷ USD chứ không phải con số 58 tỷ USD. Các quan hệ thương mại là mang tính tự nguyện, không thể nào doanh nghiệp Việt Nam áp đặt được các điều khoản lên đối tác và người dân Mỹ, mà nếu có thì chỉ có thể là điều ngược lại. Đây là kết quả của sự tự do lựa chọn của người dân Mỹ.

Như đã nói, thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ chủ yếu do vấn đề cơ cấu. Người lao động Việt Nam chấp nhận mức lương thấp để sản xuất sản phẩm rồi bán giá tốt cho người tiêu dùng Mỹ, trong khi người Mỹ rất khó chấp nhận mức lương rất thấp như vậy để sản xuất ra những mặt hàng như Việt Nam đang sản xuất. Ngược lại, người Việt Nam rất yêu thích các mặt hàng của Mỹ, chẳng hạn iPhone, iPad hay các sản phẩm công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, một mặt do cả các sản phẩm của Mỹ quá cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam, mặt khác nhiều sản phẩm này đang được các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới chứ không phải ở Mỹ. Như vậy, thay vì nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam nhập từ nước mà doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư. Do đó, thực chất Việt Nam nhập khẩu hàng của Mỹ nhưng đã không phản ánh trong thống kê thương mại hai chiều Việt Nam và Mỹ.

Việt Nam là nước tham gia nhiều hiệp định FTA hàng đầu thế giới, cho thấy Việt Nam sẵn sàng cải cách và mở cửa thị trường của mình cho hàng hóa, dịch vụ và các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có hàng hóa, dịch vụ và nhà đầu tư Hoa Kỳ. Do đó, không có lý do gì để Việt Nam gây trở ngại cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bởi vì điều này sẽ gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng Việt Nam như cho người tiêu dùng Mỹ trong trường hợp Chính phủ Mỹ gây trở ngại cho việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ cần sửa đổi tiêu chí để có đánh giá khách quan hơn khi Việt Nam chỉ thặng dư cán cân thương mại hàng hóa. Con số thặng dư 58 tỷ USD mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng là chỉ tính thặng dư thương mại hàng hóa trong khi tiêu chí đánh giá phải là thặng cán cân thương mại nói chung, trong đó có cán cân thương mại dịch vụ. Nếu tính cả cán cân thương mại dịch vụ, thặng dư cán cân thương mại nói chung của Việt Nam với Mỹ sẽ giảm đáng kể bởi cán cân dịch vụ của Việt Nam thường bị thâm hụt lớn - điều mà chúng ta ít khi chú ý đến.

Trên góc độ đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở Việt Nam còn khiêm tốn so với nhiều nước. Nếu doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam thì nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ, vật tư, nguyên vật liệu… chắc chắn sẽ tăng lên, từ đó sẽ làm giảm rất đáng kể thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Việt Nam. Như đã nói, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều ở nước khác ngoài Mỹ để lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm cũng sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam đối với các sản phẩm đó của Mỹ. Do đó, thay vì nhập khẩu từ Mỹ, Việt Nam đã nhập khẩu từ các nước đó, số liệu thương mại Việt Nam và Mỹ không phản ánh thực chất giao thương giữa Việt Nam và Mỹ.
Về thặng dự cân cân vãng lai: Thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam được đóng góp đáng kể bởi thu nhập thứ cấp (hay khoản chuyển giao vãng lai một chiều), trong đó phần rất lớn đến từ nguồn kiều hối do người thân ở nước ngoài chuyển về. Phần này không nên tính vào bởi nó không phải là hệ quả của chính sách định giá thấp đồng tiền. Trong nhiều thập niên trước, thâm hụt cán cân vãng lai khiến nợ nước ngoài của VN liên tục tăng lên một cách kém bền vững. Việt Nam chỉ mới đạt thặng dư cán cân vãng lai để thu hụt khoản nợ nước ngoài chứ chưa phải đã trở thành nước chủ nợ của thế giới. Là một nước đang phát triển, hàng năm Việt Nam vẫn phải đi vay để đầu tư phát triển đất nước.
Phải nhìn sang phía nền kinh tế Hoa Kỳ: Nền kinh tế Hoa Kỳ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump đạt được nhiều kết quả kinh tế ấn tượng: tăng trưởng kinh tế cao cùng với thất nghiệp giảm kỷ lục. Điều này làm tăng nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế Mỹ, và Việt Nam cũng chỉ là một trong những nước sản xuất những mặt hàng mà người dân Mỹ có nhu cầu. Việc nền kinh tế Mỹ mạnh lên và việc Fed tăng lãi suất cũng khiến USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Ngoài ra, vấn đề sâu xa nằm ở hệ thống tiền tệ quốc tế dựa quá nhiều vào USD. Kể từ khi hệ thống Bretton Woods ra đời năm 1944 và ngay cả khi hệ thống này sụp đổ vào đầu thập niên 1970, USD vẫn tiếp tục là đồng tiền quốc tế với chức năng thanh toán và dự trữ quốc tế. Một khi thương mại quốc tế ngày càng tăng, bất ổn cán cân thanh toán ngày càng lớn khiến các nền kinh tế phải tăng dự trữ, cầu USD luôn tăng khiến USD khó mà giảm giá. Các nhà kinh tế gọi đây chính là nghịch lý Triffin. Việc USD luôn chịu áp lực mạnh lên, nước Mỹ đã chịu thâm hụt từ hàng thập niên qua, chứ không phải hiện nay, càng không phải do Việt Nam. Do đó nếu muốn, nước Mỹ hãy cải cách lại cả hệ thống tiền tệ quốc tế.

Về can thiệp ngoại hối: Việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là nằm trong khung khuyến nghị của IMF, theo đó Việt Nam cần đảm bảo mức dự trữ ngoại hối tối thiểu từ 3-4 tháng nhập khẩu và nếu thuận lợi cần đạt từ 5-6 tháng để đảm bảo an toàn cán cân thanh toán. Với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay thì Việt Nam vẫn nằm ở mức thấp trong khung khuyến nghị này. Một chỉ báo để cho thấy Việt Nam không thao túng tỷ giá là việc tỷ giá ở hai thị trường tự do và thị trường chính thức biến động khá sát nhau.

Ở một số thời điểm, tỷ giá thị trường tự do của Việt Nam - nơi Chính phủ khó kiểm soát và phản ánh tốt hơn quan hệ cung cầu ngoại tệ (mô hình mà Bộ Tài chính Mỹ sử dụng) - cho thấy VND ở thị trường này chịu áp lực giảm giá thậm chí còn lớn hơn so với tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước (SBV) trước sức ép lạm phát. Nói khác đi, nếu SBV không can thiệp mà để thị trường tự vận hành, VND còn giảm giá hơn so với mức tỷ giá cân bằng hiện nay.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính Mỹ cần thực hiện một báo cáo khoa học, công bằng, khách quan, với nguồn số liệu đáng tin cậy hơn. Các cơ quan của Mỹ và Việt Nam nên chủ động hợp tác chặt chẽ để cùng tìm ra các giải pháp tốt nhất, có lợi nhất cho cả hai nước, trước mắt lẫn lâu dài. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ luôn được Việt Nam xem là hình mẫu trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Do đó, việc giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp đó là trách nhiệm của bất kỳ ai, bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Nếu như không thể đóng góp tích cực hơn vào mối quan hệ đó, tốt nhất không nên làm gì thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả