VDSC chỉ ra 4 nhóm cổ phiếu triển vọng tươi sáng nửa cuối năm 2023
Nhóm cơ sở hạ tầng, tiêu dùng, hàng thiết yếu và nhóm thuỷ sản, dệt may... sẽ hưởng lợi chính từ các chính sách được đưa ra trong 6 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo thị trường nửa cuối năm 2023 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đội ngũ phân tích kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.180 – 1.320 cho giai đoạn cuối năm, với giả định tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 toàn thị trường là 0%, lãi suất phi rủi ro trong khoảng 6,3 – 7%.
Theo đó, định giá thị trường dự kiến từ 13x – 16x, tương ứng với suất sinh lời từ 6,25% -7,6%, vẫn đạt mức hấp dẫn tương đối so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.
Vùng định giá này thấp hơn so với mức trung bình của quý II/2021 (tương đương 18x – mức định giá cao nhất trong ba năm gần nhất), mặc dù có mức độ thanh khoản bình quân kỳ vọng tương đồng.
VDSC cho rằng mức định giá thị trường chứng khoán đã được nâng lên sau những hành động rõ ràng hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Hàng loạt chính sách được ban hành nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cung tiền cải thiện, lãi suất hạ nhiệt, bơm ròng trên thị trường OMO và mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với chính sách tiền tệ, VDSC kỳ vọng chính sách tài khóa sẽ tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong nửa cuối năm 2023.
Khi rủi ro ngắn hạn đang tạm thời được đẩy lùi, nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý để gia tăng hiệu quả cho danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, khả năng sinh lời cho việc tích lũy cổ phiếu cho đầu tư dài hạn trên một năm đã giảm đi đáng kể. Nói cách khác, để có mức sinh lợi tốt trong tương lai, VDSC cho rằng việc lựa chọn đúng về cổ phiếu đầu tư và thời gian giải ngân là hai yếu tố quan trọng hơn, so với thời điểm đầu năm.
Theo VDSC, trong quá khứ, trong các giai đoạn tâm lý nhà đầu tư tích cực và gần như tháo bỏ sự phòng vệ, chỉ số VN-Index có thể được giao dịch ở mức P/E vượt 16,x lần, tương ứng trên ngưỡng 1.320 điểm trong bối cảnh hiện tại. Song, khi chỉ số được giao dịch ở vùng này, thống kê cho thấy mức sinh lợi dài hạn trên thị trường chứng khoán sẽ giảm dần.
Do vậy, VDSC cho rằng khi kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu danh mục theo hướng tăng tỉ trọng tiền mặt để dự phòng cho những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường.
Thị trường đang có cả rủi ro giảm giá lẫn rủi ro tăng giá, nghĩa là VN-Index có thể biến động ngoài vùng 1.180-1.320 điểm. Do vậy, chiến lược mua – bán cần linh hoạt theo diễn biến dòng tiền để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Về những chủ đề tươi sáng trong 6 tháng cuối năm, VDSC nhận định nhóm cơ sở hạ tầng, bởi trong năm 2023, có 9 dự án hạ tầng đang và sẽ được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 416.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2023 – 2027. Theo đó, các ngành nên quan tâm là xây dựng hạ tầng, xây lắp điện, vật liệu xây dựng kèm những cổ phiếu như REE, IJC.
Thêm vào đó, nhóm phân tích cũng nhận thấy ngành tiêu dùng sẽ được cải thiện theo sau xu hướng giảm lãi suất và các gói tài khóa được thực thi.
Do vậy các ngành sản xuất và dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ, công nghệ thông tin, ngân hàng, BĐS dân dụng đều sẽ có tăng trưởng, cổ phiếu nên quan tâm gồm MSN, VNM, QNS, MWG, HAX, FPT, VPB, OCB, KDH, NLG,…
Doanh nghiệp hàng thiết yếu trước nay vẫn là nhóm ngành duy trì được tăng trưởng lợi nhuận dương trong nhiều kỳ liên tiếp, có định giá P/E tương đối hấp dẫn ở vùng phù hợp cho mua và nắm giữ như dược, tiện ích công cộng, năng lượng.
Cuối cùng, trong bối cảnh xu hướng Trung Quốc vẫn đang diễn ra, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đang nhích dần, tồn kho hàng hóa không lâu bền đang giảm dần. Chỉ số PMI cần phục hồi và ổn định ở mức trên 50 điểm để đảm bảo sự đảo chiều xu hướng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các ngành được hưởng lợi là thủy sản, dệt may, nông sản, khu công nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận