Vay 2,6 tỷ USD làm sân bay Long Thành: “Quỹ ngoại sẵn sàng cho ACV vay lãi thấp, không cần bảo lãnh“
ACV có 25.000 tỷ đồng tiền mặt đang sinh lãi. Dự kiến đến 2025, doanh thu của ACV khoảng 50.000 tỷ. Một số quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng cho ACV vay lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh.
Quỹ ngoại sẵn sàng cho vay lãi suất thấp
Trả lời những băn khoăn của đại biểu về việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) huy động vốn từ đâu để làm sân bay Long Thành, thảo luận tại tổ chiều 24/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, ACV có đủ khả năng có thể thực hiện được dự án.
Ông cho biết, hiện ACV có 25.000 tỷ đồng tiền mặt đang sinh lãi. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của ACV là gần 7.000 tỷ đồng cùng với 3.000 tỷ đồng khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỷ đồng. Dự kiến đến 2025, tổng thu của ACV khoảng 50.000 tỷ đồng.
“ACV đã lập kế hoạch chi tiết nâng cấp một số nhà ga ở các cảng hàng không cả nước trong 5 năm tới hết 41.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng các khoản thì dự kiến đến 2025, ACV sẽ có nguồn lực khoảng 37.000 tỷ đồng”, ông Thể nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Cũng theo ông Thể, Chính phủ đã làm việc với một số quỹ đầu tư nước ngoài và các quỹ này sẵn sàng cho ACV vay với lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. “Họ thấy rằng đầu tư vào sân bay Long Thành là bền vững và thực tế cho thấy các cảng hàng không lớn không bao giờ lỗ”, ông Thể phân tích. ACV dự kiến đi vay khoảng 2,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, được Chính phủ đồng ý nên nộp tờ trình đề xuất ACV huy động vốn làm sây bay Long Thành.
Chỉ định thầu là phương án tối ưu
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, Long Thành là sân bay quốc tế, gắn liền với an ninh quốc gia, không thực hiện đầu tư công thì chỉ tổ chức đấu thầu trong nước. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là phải có kinh nghiệm vận hành sân bay và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.
"Hiện ACV là đơn vị duy nhất ở Việt Nam quản lý 21 sân bay, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì cũng chỉ chọn được đơn vị này xây dựng sân bay Long Thành. Chúng tôi thấy, ngoài ACV không có đơn vị nào đủ kinh nghiệm quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu", Bộ trưởng Thể khẳng định.
Hơn nữa, nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ mất nửa năm để phát hành hồ sơ mời thầu, chấm thầu, công bố kết quả, doanh nghiệp khiếu nại... Sau đó, sẽ phải mất thêm một năm làm hồ sơ thiết kế. "Nếu đấu thầu thì kế hoạch khởi công sân bay Long Thành sẽ phải lùi lại đến 2022 hoặc 2023, thay vì 2021 như dự kiến. Phương án này làm chậm tiến độ dự án 1,5 năm mà cuối cùng cũng khó chọn được doanh nghiệp nào khác ngoài ACV", ông Thể bày tỏ băn khoăn.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, chỉ định thầu giao ACV làm sây bay Long Thành là phương án tối ưu.
Về đề xuất giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện các công trình phục vụ quản lý bay ở Long Thành, ông Thể lý giải, đây là đơn vị duy nhất quản lý và hướng dẫn bay trên toàn bộ vùng trời Việt Nam. Nếu đấu thầu để chọn nhà đầu tư cũng không có đơn vị cạnh tranh khác.
Ông Thể nói thêm, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng, trong khi tiến độ xây dựng nhà ga T3 chậm. Nên nhu cầu hoàn thành sân bay Long Thành (giai đoạn 1) vào năm 2025 là "hết sức cần thiết".
Nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ thì tháng 1/2020, dự án sẽ được phê duyệt. Ngay sau đó, ACV sẽ dành một năm lập hồ sơ kỹ thuật và đầu năm 2021, dự án được khởi công để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác sau 4 năm.
Ông cũng khẳng định, những đề xuất trên phù hợp với nghị quyết của Quốc hội và "không có thông số nào mà Quốc hội không nắm được để giám sát".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận