Vành đai 3 TP HCM: Dự án tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt
Trong tình hình ngân sách trung ương và địa phương có hạn khi phân bổ cho các dự án giao thông thì việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho ngành giao thông nhiều tỉnh, thành.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết đường Vành đai 3 đã tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt cho TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Lần đầu tiên, Sở GTVT TP HCM lãnh trọng trách chủ trì tham mưu cho các cấp thẩm quyền trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Vành đai 3 TP HCM với thời gian chuẩn bị kỷ lục.
"Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi liên tục đi lại giữa TP HCM - Hà Nội và làm việc không mệt mỏi. Nhờ vậy, chúng tôi được học thêm bài học lớn, đó là sự chuẩn mực, chắn chắc trong việc lập kế hoạch, trong tư duy" - giám đốc Sở GTVT TP HCM nhìn nhận.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nói về nguồn cảm hứng lớn từ đường Vành đai 3
Dự án đạt kỷ lục thời gian thực hiện
Ngày 16-6-2022, nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 với tổng kinh phí 75.378 tỉ đồng được Quốc hội thông qua. Dự án này được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt. UBND TP HCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án để bảo đảm tính đồng bộ, tổng thề.
Đoạn Vành đai 3 - cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) đã được xây dựng
Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua, dự án đã được các bên liên quan đưa ra những mốc thời gian thực hiện nhanh kỷ lục. Cụ thể, tháng 7-2022, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khà thi; quý IV/2022 bắt đầu bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự kiến tháng 6-2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng và khởi công dự án.
Việc cắm ranh mốc được TP HCM tiến hành nhanh chóng, hoàn tất trong năm 2022
Ngày 1-10-2022, tại buổi ký kết giao ước thi đua trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vành đai 3 đoạn qua TP HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết thành phố đặt mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn trong quý III/2023 thay vì cuối năm như kế hoạch.
Các địa phương ký kết giao ước thi đua đầu tháng 10-2022
Việc triển khai thông tin đến các trường hợp có đất bị thu hôi cửa dự án được TP HCM tiến hành nhanh chóng
Đến nay, các mốc tiến độ cơ bản được TP HCM bám sát. Các địa phương đã chuẩn bị nguồn căn hộ tái định cư cho người dân. Song, Bình Dương và Đồng Nai chậm phê duyệt dự án thành phần xây dựng do chờ Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các địa phương cũng đang cấp tập đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường khảo sát thực tế tuyến Vành đai 3 tại huyện Hóc Môn
Mới đây, ngày 29-12-2022, hơn 34 ha trong diện tích thu hồi làm dự án 1A của Vành đai 3 đoạn qua TP HCM được TP Thủ Đức bàn giao, tạo động lực cho tiến độ toàn dự án. Đánh giá việc bàn giao 34 ha mặt bằng là mức kỷ lục, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho rằng công tác này là phần việc khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian nhất khi xây dựng các dự án giao thông. Nếu tháng 9-2022 chỉ có 30% mặt bằng được bàn giao thì nay đã tăng lên gần 96%.
Lễ bàn giao 34 ha mặt bằng dự án 1A của Vành đai 3 qua TP HCM (Ảnh: Quốc Anh)
Đồng Nai, Binh Dương đang tăng tốc
Dự án án Vành đai 3 ở Đồng Nai dài khoảng 11,26 km, qua địa bàn 3 xã ở huyện Nhơn Trạch là: Vĩnh Thanh (2,6 km), Phú Thạnh (5,3 km) và Long Tân (3,34 km), diện tích thu hồi khoảng 65 ha, ảnh hưởng tới 500 hộ dân.
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch kết nối Đồng Nai và TP HCM
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết huyện đã và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng tại các khu tái định cư Long Thọ, Phước An, Phú Hội, Phú Đông để phục vụ việc thu hồi đất làm dự án trên địa bàn, nhất là dự án thành phần 3 Vành đai 3.
Hơn 300 hộ dân xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch được mời lấy ý kiến triển khai đường Vành đai 3
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang đốc thúc UBND huyện Nhơn Trạch và các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Vành đai 3, đảm bảo kế hoạch khởi công trong tháng 6-2023. Khó khăn hiện nay là tỉnh đang chờ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, kéo theo chậm phê duyệt dự án thành phần xây dựng.
Vị trí chuẩn bị xây dựng cầu Nhơn Trạch
Để giải quyết vướng mắc lớn nhất của dự án là lựa chọn phương án xây dựng hạng mục nút giao đầu tuyến với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay tỉnh đã thống nhất phương án xây dựng nút giao này theo đề nghị của Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT. Đồng Nai giao Sở GTVT phối hợp với Sở TN-MT thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với phương án này.
Trước đó, để đảm bảo khả năng thông hành nút giao giữa 2 tuyến đường cao tốc, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã đề nghị thiết kế phương án dạng thức nút giao bán hoa thị, kết hợp các nhánh rẽ trái trực tiếp, vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Tuy nhiên, để thiết kế đảm bảo các yếu tố kỹ thuật tại nút giao, cần phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật của đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, di dời 2 vị trí hầm chui dân sinh…
Trong khi đó, đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 26 km với tổng mức đầu tư 19.280 tỉ đồng - vốn ngân sách trung ương và vốn của địa phương mỗi bên một nửa.
Vành đai 3 đoạn qua Mỹ Phước - Tân Vạn đã đưa vào sử dụng
Mới đây, Bình Dương đã giao bổ sung 3.541 tỉ đồng cho 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 5 bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (cầu vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương - TP HCM); còn dự án thành phần 6 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương, thực hiện dự án Vành đai 3, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để dự án đúng tiến độ và đến thời điểm này chưa có vướng mắc gì.
Cán bộ Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Bình Dương và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một trao đổi với người dân về sơ đồ tuyến đường đi qua đất của họ
Ngày 30-12-2022, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án, sau đó Ban Quản lý dự án thực hiện các bước tiếp theo như kế hoạch lựa chọn thầu; thiết kế kỹ thuật; đấu thầu…
Đến nay, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 và đợt 2 cho Trung tâm Phát triển quỹ đất. Tính đến hết tháng 11-2022, dự án đã kiểm kê được 164 hộ/164 thửa đất thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một, 209 hộ đất thuộc địa bàn TP Thuận An.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận