Vàng tăng giá dữ dội, giải pháp điều tiết thị trường?
Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng xấp xỉ 15%, là một mức tăng mạnh đối với một lớp tài sản được xem là nơi trú ẩn (safe-haven). Thế nhưng sức nóng của kim loại quý này ở một số thị trường còn dữ dội hơn, như trường hợp Trung Quốc và Việt Nam. Tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp, điều tiết thị trường vàng là vấn đề cần thiết hiện nay...
Giá vàng biến động trong thời gian gần đây.
Chuyện giá vàng thế giới tăng mạnh gần đây hoàn toàn trùng hợp với những biến động và căng thẳng địa chính trị toàn cầu, trong một xu hướng thế giới phân cực. Đã từ lâu, các chính phủ và các ngân hàng trung ương xem vàng như là một nguồn lực để ổn định chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh kinh tế.
NHỮNG LÝ DO KHIẾN VÀNG TĂNG GIÁ
Giá vàng tăng đầu tiên là do nhu cầu dự trữ của các ngân hàng trung ương tăng. Những nước đã tăng nhanh lượng vàng dự trữ thời gian qua có thể kể đến như Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, cộng hòa Séc. Như trường hợp của Trung Quốc, ước tính năm 2000 có khoảng 395 tấn dự trữ thì đến nay có khoảng 2.260 tấn.
Không chỉ lo ngại về bất ổn chính trị toàn cầu, nhiều chính phủ còn lo ngại sức mạnh của đồng USD ngày càng suy yếu do thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ và các khoản nợ công ngày càng phình to, thậm chí có những so sánh đồng bạc xanh của Hoa Kỳ sẽ như bạc vào cuối thế kỷ 19. Các nước đang phát triển lo sợ chuyện này bởi vì không chỉ Hoa Kỳ mà các nước phát triển với sức mạnh của đồng tiền cũng như khả năng vay nợ hầu như là vô tận sẽ khiến giá trị dự trữ nếu bằng ngoại tệ mạnh sẽ bị mất giá trị dần theo thời gian.
Một lý do quan trọng khác khiến cho nhu cầu vàng tăng là nhu cầu của người dân. Ở các nước phát triển, người dân đầu tư vào vàng vì xem nó là một công cụ để chống lại lạm phát và những biến động lớn trên thị trường như khủng hoảng. Trong khi đó, người dân ở các nước đang phát triển hay nghèo hơn thì vàng không chỉ có đảm bảo 2 chức năng trên mà còn chống lại sự mất giá của đồng nội tệ.
PGS.TS Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global.
Ngoài ra, giá vàng còn có những biến động theo những thời kỳ khác nhau theo hiệu suất đầu tư. Mặc dù vàng bị chỉ trích là loại tài sản không tạo ra dòng thu nhập, thậm chí phải tốn chi phí cất trữ, nhưng những lúc lãi suất thấp hay hiệu quả của thị trường chứng khoán thấp, các kênh đầu tư khác không hấp dẫn thì vàng là một lựa chọn thay thế. Ngược lại, như như trường hợp của Việt Nam, giai đoạn 2012-2023 thì vàng không phải là kênh đầu tư hiệu quả khi so với chứng khoán, bất động sản hay thậm chí tiền gửi.
VẤN ĐỀ NÓNG CỦA THỊ TRƯỜNG VÀNG VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP
Là một quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ vàng bình quân đầu người khá cao trong nhóm các nước châu Á, và vàng có sức ảnh hưởng đáng kể trong nền kinh tế thì việc giá vàng thế giới tăng đã tạo ra nhiều vấn đề nóng cho thị trường vàng Việt Nam. Nổi bật nhất là việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế còn rất lớn, nhu cầu vàng tăng đột biến tạo ra những cơn sốt và việc kiểm soát thị trường vàng phi chính thức.
Nguyên nhân của việc chênh lệch giá vàng đã được mổ xẻ rất nhiều, tựu chung lại là ở cơ chế độc quyền hiện nay trong việc nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, và đã có rất nhiều khuyến nghị sửa đổi Nghị định 24, để thị trường vàng vận hành theo đúng nguyên tắc thị trường hơn.
Bên cạnh việc xóa bỏ độc quyền trong việc nhập khẩu và sản xuất vàng miếng thì cũng cần có mô hình sàn giao dịch để thị trường vận hành hiệu quả, minh bạch hơn, sàn giao dịch vàng Thượng Hải có thể là một trường hợp để tham khảo.
Trước năm 1979, Trung Quốc cũng quản lý tập trung theo kế hoạch thị trường vàng và dần dần hướng đến thị trường tự do cùng với việc mở cửa nền kinh tế. Đến tháng 10/2002 Sở giao dịch vàng Thượng Hải chính thức đi vào hoạt động. Bước phát triển đáng kể sau đó là việc cung cấp sản phẩm vàng giấy (paper gold) và vàng vật chất cho các nhà đầu tư cá nhân của một số ngân hàng. Đến năm 2006, sản phẩm phái sinh quyền chọn gắn với vàng và hợp đồng tương lai vàng được cung cấp năm 2008 đã chuyển thị trường vàng của Trung Quốc sang một giai đoạn hoàn toàn mới.
Những cơn sốt vàng gần đây cùng với chưa có những thay đổi trong việc quản lý thị trường vàng kịp thời đã dấy lên lo ngại vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến sự ổn định tỷ giá. Tuy vậy, với việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, các giao dịch có giá trị lớn cần phải có hợp đồng và thanh toán qua ngân hàng thì lo ngại vàng hóa nền kinh tế là không có nhiều cơ sở.
Để điều tiết và giảm sức nóng của thị trường vàng lúc này, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24, tạo thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng để giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới, cần có một sở giao dịch vàng để tăng tính hiệu quả của thị trường. Bắt đầu của Sở Giao dịch sẽ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư tổ chức và dần dần sẽ mở rộng cho các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, nhu cầu và giá vàng dựa vào các yếu tố nền tảng vẫn là các chức năng trú ẩn cho lạm phát, khủng hoảng, bất ổn của tình hình kinh tế chính trị thế giới, cũng như rủi ro tỷ giá và hiệu suất đầu tư.
Với Việt Nam, các điểm quan trọng sẽ là lạm phát, tỷ giá và hiệu suất đầu tư. Nếu các yếu tố này không dẫn dắt nhu cầu về vàng thì vàng cũng sẽ chỉ là một lớp tài sản như những loại tài sản khác, khi đó các cơn sốt về vàng sẽ ít đi hoặc không còn nữa. Chẳng hạn lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá VND so với USD ổn định, hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán tốt thì nhu cầu đầu tư hay đầu cơ vàng sẽ giảm một cách tự nhiên...
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận