Vàng SJC tăng dữ dội lên 80 triệu đồng, kệ thế giới nghỉ Noel: Đích nào sắp tới?
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng không ngừng nghỉ và đã lên ngưỡng 80 triệu đồng/lượng dù thế giới nhiều nơi đang trong kỳ nghỉ. Giá vàng quốc tế được dự báo còn lên tiếp, vậy vàng miếng SJC sẽ lên bao nhiêu?
Đỉnh lịch sử mới 80 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng SJC trong nước tiếp tục tăng không ngừng nghỉ và liên tục lập đỉnh cao lịch sử mới.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 26/12, giá vàng thế giới đã nhanh chóng vượt qua kỷ lục 78,4 triệu đồng/lượng xác lập vào cuối phiên ngày 25/12. Chỉ trong vài tiếng buổi sáng, thương hiệu vàng miếng độc quyền SJC lại tăng vùn vụt.
Cụ thể, tới 10h46, giá vàng miếng SJC đã lên tới mức 80,2 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần qua, vàng miếng SJC liên tục lập kỷ lục cao mới, từ mức 74 triệu đồng/lượng lên hơn 80 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng dữ dội dù nhiều thị trường vàng trên thế giới, trong đó có Mỹ, đang trong kỳ nghỉ Noel. Tỷ giá USD/VND vẫn ổn định, thậm chí gần đây giảm từ mức 24.515 đồng/USD (giá ngân hàng bán) về mức 24.410 đồng/USD (vào sáng 26/12).
Vàng miếng SJC bứt phá cho dù nhiều người mua được vàng giá rẻ hồi đầu năm hoặc trong các năm trước đó mang vàng ra bán. Mức lãi mỗi lượng tính trong thập kỷ qua đã hơn gấp đôi, tương đương lãi khoảng 44 triệu đồng mỗi lượng.
Nhiều đơn vị kinh doanh vàng xác nhận tình trạng nhiều người dân mang vàng đi bán.
Tuy nhiên, sự gia tăng của giá vàng miếng cho thấy sức cầu cũng không hề thấp. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh thường tăng giá vàng và đưa chênh lệnh giá mua bán, cũng như mức chênh với thế giới lên cao mỗi khi thị trường ghi nhận tình trạng sốt vàng, giá tăng cao không ngừng.
Dù Mỹ còn đang trong kỳ nghỉ nhưng sức cầu vàng ở khu vực châu Á có xu hướng tăng mạnh ở vào thời điểm đầu của mùa cao điểm tiêu thụ vàng - giai đoạn Tết dương cho tới sau Tết âm lịch.
Giá vàng tại khu vực châu Á sáng 26/12 tăng thêm khoảng 10 USD lên mức 2.064 USD/ounce.
Tới 10h15 sáng 26/12, giá vàng giao ngay tại châu Á đạt 2.065 USD/ouce. Vàng giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.075 USD/ounce.
Giá vàng thế giới hiện cao hơn khoảng 11,8% (215 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 61,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 18,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng trên thị trường thế giới vẫn trong xu hướng tăng lên và được dự báo sẽ còn lập đỉnh cao mới trong năm 2024 khi đồng USD trong xu hướng xuống. Đây là yếu tố đã khiến sức cầu vàng trong nước vẫn ở mức rất cao. Cùng với việc nguồn cung vàng miếng SJC bị hạn chế (NHNN không cho sản xuất thêm), chênh lệch cung cầu đã kéo giá vàng trong nước lên cao hơn 18,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Hướng tới 100 triệu đồng/lượng
Với việc giá vàng miếng SJC nhanh chóng lên 80 triệu đồng/lượng, khả năng 100 triệu đồng/lượng đã không còn quá xa vời như trước đây.
Trong một dự báo mới công bố, Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024 với cơ sở là đồng USD đang nằm trong xu hướng downtrend và bất ổn gia tăng trên thế giới.
Với mức giá này, vàng thế giới quy đổi sẽ vào khoảng 73 triệu đồng/lượng với ước tính tỷ giá trong năm 2024 ở mức khoảng 25.000 đồng/USD.
Vàng trong nước tăng không ngừng nghỉ, vàng thế giới được dự báo lên tiếp.
Nếu vàng miếng SJC không được bổ sung nguồn cùng, mức chênh giá vàng trong nước so với thế giới nhiều khả năng vẫn nằm trong khoảng 15-20 triệu đồng/lượng. Khi đó, vàng trong miếng SJC có thể đạt mức trên 90 triệu đồng/lượng.
Nếu thế giới có thêm bất ổn, ngưỡng 100 triệu đồng/lượng không còn xa vời.
Trên thực tế, cơ sở cho vàng tăng giá khá rõ ràng khi đồng USD đang giảm giá khá nhanh.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt tiếp tục sáng 26/12 tiếp tục giảm xuống còn 101,5 điểm. Đây là mức thấp nhất trong 5 tháng qua. Hồi đầu tháng 10, chỉ số DXY còn ở mức trên 107 điểm.
Vàng gần đây thoát khỏi “cơn gió ngược” là một đồng USD tăng giá. USD được đánh giá bắt đầu vào một chu kỳ mới - chu kỳ giảm giá. Gần đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ, có thể có 3 lần giảm lãi suất (mỗi lần 25 điểm cơ bản) từ đỉnh cao lịch sử 5,25-5,5%/năm như hiện tại. Trước đó, kể từ tháng 3/2022 cho tới tháng 5/2023, Fed có 11 lần tăng lãi suất, tổng cộng 525 điểm.
Vàng còn được hỗ trợ mạnh mẽ từ một thế giới ngày càng bất định với nhiều bất ổn, từ căng thẳng địa chính trị, mâu thuẫn giữa các nước lớn cho tới khả năng giá dầu tăng, lạm phát quay trở lại...
Giá dầu thô WTI đã lên trở lại ngưỡng 74-75 USD/ounce khi căng thẳng ở Biển Đỏ gia tăng. Một số đánh giá cho thấy, căng thẳng tại khu vực này có thể làm giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu. Đây là đòn giáng mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu (sau xung đột Nga-Ukraine), dễ gây ra áp lực lạm phát.
Chưa kể, theo chuyên gia Chris Rogers của S&P Global, chi phí vận chuyển trên tuyến đường châu Á đến châu Âu có thể sẽ tăng khoảng 15%.
Như vậy, căng thẳng tại Trung Đông đang leo thang lên một mức mới. Mỹ - Israel hiện rơi vào tình trạng khó khăn vì chảo lửa Biển Đỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận