Vàng SJC "quay xe" tăng sốc trở lại lên 77 triệu đồng
Nhiều nhà đầu tư cho biết chóng mặt với giá vàng khi mỗi công ty niêm yết một mức giá khác nhau.
Lúc 12 giờ, Công ty SJC giao dịch vàng miếng mua vào 74 triệu đồng/lượng, bán ra 77 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 3 triệu đồng/lượng so với mức giá thấp nhất trong buổi sáng. Biên độ chênh lệch giá mua – vào bán ra cũng lên tới 3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI giãn rộng biên độ giá mua – bán lên tới 4,5 triệu đồng/lượng, vàng SJC được mua vào chỉ 72,5 triệu đồng/lượng, bán ra 77 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết vàng SJC mua vào 73,1 triệu đồng/lượng, bán ra 76,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn các doanh nghiệp khác cả triệu đồng.
Một số tiệm vàng cũng kéo giá vàng SJC về quanh 76,5 triệu đồng/lượng (chiều bán ra).
Không chỉ vàng SJC, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng giảm mạnh trong buổi sáng. Đến trưa cùng ngày, giá vàng nhẫn được điều chỉnh về 62,2 triệu đồng/lượng mua vào, 62,35 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 800.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận định thị trường vàng đang có dấu hiệu bất ổn khi biên độ giá mua vào – bán ra lên tới vài triệu đồng/lượng; giá vàng SJC cũng tăng giảm nhanh hàng triệu đồng. Thị trường vẫn đang quan sát động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước về giải pháp can thiệp thị trường vàng miếng.
"Để can thiệp bình ổn thị trường, có thể không cần phải nhập vàng nguyên liệu để gia công vàng SJC mà trước mắt Ngân hàng Nhà nước có thể cấp hạn ngạch để dập vàng SJC từ nguồn vàng nguyên liệu trong nước. Bởi thực tế cùng là vàng 24K nhưng vàng nhẫn, vàng trang sức đang thấp hơn vàng SJC tới 13-14 triệu đồng/lượng. Nguồn cung vàng SJC tăng sẽ góp phần hạ nhiệt giá vàng, trong khi nếu nhập khẩu vàng nguyên liệu lúc này có thể ảnh hưởng tỉ giá" - ông Trọng đề xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận