menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thái Thủy

Uỷ ban Kinh tế: Cho ngân hàng mất thanh khoản vay cũng cần tài sản đảm bảo

Để tránh rủi ro, ngân hàng bị rút tiền hàng loạt được hỗ trợ cho vay đặc biệt cũng cần tài sản đảm bảo, theo Ủy ban Kinh tế.

Góp ý này được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu, khi thẩm tra dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 9/5.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thừa uỷ quyền Chính phủ, đọc tờ trình, cho biết điểm mới ở dự thảo luật là sửa đổi quy định về việc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Trường hợp được can thiệp sớm là khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả; hoặc nhà băng có lỗ luỹ kế trên 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt.

Theo dự thảo luật, ngân hàng nguy cơ mất khả năng chi trả do bị rút tiền hàng loạt có thể được vay lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét đây là biện pháp cần thiết để bảo đảm tính thanh khoản, an toàn hệ thống, ngăn chặn sự cố rút tiền hàng loạt, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay này, bởi về nguyên tắc, các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán.

"Nếu không quy định tài sản đảm bảo khoản vay đặc biệt có thể dẫn đến hệ lụy rủi ro cho người cho vay và khách hàng", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu, và đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.

Uỷ ban Kinh tế: Cho ngân hàng mất thanh khoản vay cũng cần tài sản đảm bảo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đọc tờ trình Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), chiều 9/5. Ảnh: Hoàng Phong

Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý, trường hợp chỉ định một số tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt, cần làm rõ căn cứ khi chọn và phân bổ số tiền với mỗi đơn vị này.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quy định về khoản cho vay đặc biệt có tác động lớn tới nguồn lực kinh tế của đất nước, nên cần đánh giá kỹ lưỡng.

Theo quy định hiện hành, chỉ tổ chức tín dụng "bị kiểm soát đặc biệt" mới được tiếp cận "khoản vay đặc biệt" này (nhưng cũng không quy định rõ mức lãi suất vay). Vì thế, bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo - Ngân hàng Nhà nước đánh giá kỹ các quy định về khoản cho vay đặc biệt thời gian qua, để sửa đổi phù hợp thực tế.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng gợi mở, dự luật cần nêu trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi, cơ chế và mức phí đóng góp tiền gửi vào các tổ chức tín dụng.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất. Theo ông, việc can thiệp sớm thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.

"Cần làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt ở mức nào mới cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực", ông Thanh nêu.

Dự thảo luật sửa đổi lần này cũng bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Tại Điều 191, Ngân hàng Nhà nước được quyền "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" và "Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định".

Việc bổ sung này, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhằm có cơ chế cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, sở hữu chéo.

Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra đề nghị rà soát để thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong tăng cường chức năng thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan và đối tượng thực thi.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh gợi ý quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng, như việc lợi dụng người đứng tên để chi phối quyền sở hữu, lách quy định để phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân... Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu thể chế thêm một số quy định với các công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, để giảm tình trạng mất an ninh trật tự trong lĩnh vực này.

Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có 13 chương, 195 điều, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 23/5.

Anh Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại