menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Thị Lâm Oanh

Uniqlo lãi hơn 1,5 tỉ đô la giữa dịch, nhưng tương lai gặp thử thách lớn

Công ty mẹ Fast Retailing hy vọng lợi nhuận sẽ đạt 175 tỉ yen, khoảng 1,54 tỉ đô la, trong năm tài khóa 2021-2022 bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 8 năm tới. Mức lợi nhuận này sẽ giúp Fast Retailing cạnh tranh mạnh mẽ hơn với hãng thời trang nhanh Inditex về giá trị vốn hóa, doanh số và lợi nhuận. Nhưng tương lai lâu dài của Fast Retailing lại xoay quay hai vấn đề cốt lõi khác: quy trình công nghệ sản xuất và lãnh đạo.

Hồi giữa tháng 2-2021, Fast Retailing đạt giá trị vốn hóa 103 tỉ đô la, vượt qua Inditex – chủ sở hữu thương hiệu Zara – có mức vốn hóa 99 tỉ đô la dù rằng doanh số và lợi nhuận của đối thủ Tây Ban Nha cao hơn. Sự chậm trễ của châu Á so với châu Âu trong tiêm chủng đã giúp Inditex giành lại vị trí hãng thời trang có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới vào đầu tháng 6.

Lợi nhuận chủ yếu từ Trung Quốc và châu Á

Trong báo cáo tài chính công bố hôm 14-10, công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo kỳ vọng sẽ đạt doanh số 2.200 tỉ yen trong năm tài khóa này. Fast Retailing nói lợi nhuận ròng trong năm tài khóa kết thúc tháng 8 rồi đạt đỉnh 169 tỉ yen, tức 1,49 tỉ đô la trên doanh số hợp nhất 2.100 tỉ yen.

Mặc dù dự báo lợi nhuận thường niên sẽ tăng, Fast Retailing tin rằng doanh số và lợi nhuận của sáu tháng đầu trong năm tài khóa 2021-2022 sẽ giảm, dựa trên các dự báo rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến lượng khách đến cửa hàng và khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa tạm thời.

Hãng thời trang nhanh cũng đoán trước các ảnh hưởng tiêu cực của chủng Delta đối với sản xuất và logistics. Fast Retailing nói doanh số cửa hàng ở thị trường Nhật Bản trong tài khóa này sẽ giảm 11% dù rằng kết quả kinh doanh năm vừa rồi khá tốt. Doanh số cửa hàng trong năm tài khóa 2019-2020 tăng 3,6%, lợi nhuận tăng 18% bởi trang phục thường được tiêu thụ nhanh khi mọi người phải ở nhà.

Tuy nhiên, Fast Retailing kỳ vọng tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trong nửa năm cuối tài khóa 2021-2022 do nhu cầu tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc mở rộng và các thị trường châu Á – Thái Bình Dương.

Chủ tịch kiêm CEO Tadashi Yanai quyết tâm mở rộng thị trường nước ngoài. “Tiến độ tiêm chủng đã thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giảm số ca lây nhiễm. Tốc độ mở cửa hàng mới trên toàn cầu sẽ nhanh hơn bao giờ hết”. Fast Retailing sẽ mở cửa hàng lớn (flagship) ở Bắc Kinh trong tháng tới như một phần của kế hoạch mở rộng. Nhưng ông Yanai vẫn lo ngại về tình trạng giá nguyên liêu thô gia tăng và lạm phát.

Nhà máy cái bên Vịnh Tokyo

Mỗi năm, khoảng 1,3 tỉ sản phẩm thương hiệu Uniqlo được sản xuất, nhưng toàn bộ đều phụ thuộc 100% vào các nhà cung ứng bên ngoài Nhật Bản. Làm thế nào bắt kịp sở thích thời trang nhanh, rút ngắn quá trình thiết kế mẫu nguyên liệu và mẫu sản phẩm thời trang và tạo độ khớp giữa các khâu này là những câu hỏi sống còn của Uniqlo.

Hồi tháng 7-2021, Uniqlo đã bán ở cửa hàng flagship ở Tokyo và trực tuyến ba sản phẩm giới hạn, trong đó có áo thun cổ lọ bằng chất liệu cotton với giá 2.990 yen, khoảng 27 đô la. Ba sản phẩn này nằm trọng quá trình thiết kế mới và mô hình kinh doanh mới của Fast Retailing.

Các sản phẩm phiên bản giới hạn được chế tạo tại Innovation Factory – liên doanh đan len nổi 3 chiều mà Fast Retailing hiện chiếm 51%. Hoạt động 24/7, cơ sở này sản xuất được 1.000 mẫu vải mỗi ngày. Việc có được xưởng nguyên liệu và xưởng may này giúp cho trụ sở chính ở Tokyo giám sát chặt chẽ được quá trình sản xuất – CEO Innovation Factory Toymoya Utsuno nói với Nikkei Asia.

Từ trung tâm Tokyo đến nhà máy bên Vịnh Tokyo khoảng 500km. Khoảng cách khá xa này khiến đội thiết kế và phát triển sản phẩm chỉ có thể mỗi tuần đến nhà máy một lần. Nhưng điều này vẫn tốt hơn rất nhiều so với các nhà máy ở nước ngoài.

“Chúng tôi quan sát các khuynh hướng tiêu dùng, rồi chuyển sang sản xuất quy mô lớn ở nước ngoài nếu sản phẩm tạo ‘hit’, tức bán rất chạy trên thị trường. Quá trình này giúp công ty giảm được sản xuất các sản phẩm không được chuộng và không có hàng tồn”, Utsuno nói.

Chủ tịch Yanai tin rằng nhà máy bên Vịnh Tokyo sẽ là “xưởng mẹ” toàn cầu cho các sản phẩm đan nổi 3 chiều của Fast Retailing. Ông nói các chuyên gia của Uniqlo và Innovation Factory sẽ thường xuyên trao đổi với các nhà cung ứng ở Việt Nam và Trung Quốc.

Đối thủ chính “bắt trọn bài”

Nobuo Domae từng là giám đốc điều hành chính ở Fast Retailing, trợ thủ đắc lực đã giúp ông Yanai biến tập đoàn Nhật Bản trở thành thế lực toàn cầu trong thập niên 2000-2010. Nhưng vị giám đốc cấp cao này vừa trở thành chủ tịch hãng thời trang Ryohin Keikaku – đối thủ chính của Fast Retailing – từ tháng 9 vừa rồi.

Domae thuộc bộ ba trợ thủ đắc lực của ông Yanai trong những ngày đầu. Nhưng giờ đây cả ba đã bỏ đi. Người thì hiện giờ là phó chủ tịch chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, người còn lại trở thành chủ tịch của hãng bánh kẹo Lotte Holdings. Chỉ riêng Domae, 52 tuổi trở thành đối thủ trên cùng ngành hàng với Yanai.

Trước đây, cả hai người kia rời bỏ Fast Retailing chỉ vì không đáp ứng được khát vọng tăng trưởng và tăng trưởng mãi của Chủ tịch Yanai. Chỉ Domae ở lại với vị sếp tham vọng và trở thành phó chủ tịch. Nhưng mùa thu 2007, Domae nghỉ việc và ba tháng sau thì trở lại với chức vụ mới là người phụ trách chiến lược của tập đoàn.

Trong vị trí này, Domae phụ trách phát triển thị trường nước ngoài, đặt nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng thứ hai của Fast Retailing. Chính Domae là người phát triển dòng đồ lót siêu thông thoáng AIRism làm khách hàng toàn cầu hài lòng. Hồi tháng 6-2020, chất liệu vải AIRism được sử dụng để may loại khẩu trang đắt tiền của Uniqlo, pack 3 cái bán lẻ giá 9 đô la.

Domae rời Fast Retailing lần thứ hai và gia nhập hãng thương mại điện tử DeNA của Nhật Bản và tập đoàn kinh doanh kim loại quý Monex Group của Mỹ năm 2016. Nhưng năm 2019, Domae đã phá luật bất thành văn là các lãnh đạo cấp cao của Fast Retailing không được tham gia hãng đối thủ sau khi nghỉ việc. Đến tháng 9 rồi, Domae đã được bổ nhiệm chức chủ tịch của hãng thời trang nhanh Ryohin Keikaku, với thương hiệu Muji.

Dù hai thương hiệu Muji và Uniqlo có chiến lược branding rất khác nhau, cả hai lại giống nhau với các sản phẩm may mặc có thiết kế cơ bản và bán nhanh. Cả hai cũng dùng cách phát triển sản phẩm giống nhau và trải qua thăng trầm như nhau để đạt được vị trí hôm nay.

Nhưng trong khi Fast Retailing thường được xem là tài sản riêng của Chủ tịch Yanai, Ryohin Keikaku trong nhiều năm liền được dẫn dắt bởi hai nhóm cổ đông.

Ryohin Keikaku xem năm tài khóa 2021-2022 là nền tảng thứ hai của công ty, với các kế hoạch định nghĩa lại triết lý và thiết kế lại các nền tảng hoạt động. Doanh số của Ryohin Keikaku chỉ đạt hơn 487 tỉ yen, chỉ hơn 23% doanh số của Fast Retailing, nhưng lại có một vũ khí lợi hại.

Đó chính là Nobuo Domae – người có thể “bắt bài” và hóa giải bất cứ chiêu nào của chủ tịch Fast Retailing.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại