'Ủng hộ hải quan kiểm tra nhưng đừng làm doanh nghiệp tốn kém thêm'
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nói cách kiểm tra của hải quan đôi khi khiến họ có thể tốn thêm cả trăm triệu đồng.
Nhiều vướng mắc về thủ tục, chính sách xuất nhập khẩu đã được cộng đồng doanh nghiệp 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đưa ra tại hội nghị đối thoại với ngành hải quan ngày 2/3. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tại 4 địa phương này năm ngoái đạt khoảng 46 tỷ USD, chiếm gần 12,3% giá trị của cả nước.
Ông Đặng Thế Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cho biết việc kiểm tra hàng hoá của phía hải quan đang làm doanh nghiệp chịu nhiều phí tổn, thậm chí có thể mất hàng trăm triệu đồng. "Chúng tôi ủng hộ an toàn, an ninh xuất khẩu, nhưng đừng làm doanh nghiệp tốn kém thêm", ông nói.
Ví dụ, với quy trình đưa hàng từ cảng vòng ra khu vực soi chiếu rồi trở lại cảng, nếu không được thông quan ngay, với những doanh nghiệp lớn, có hàng trăm lô có thể mất cả ngày. "Hải quan muốn soi kiểm tra như thế nào cũng được nhưng đừng bắt doanh nghiệp chịu phí bê hàng hoá đi về. Điều này rất vô lý. Bạn hàng chúng tôi nói, ở nước họ, chỉ khi nào có thông báo vi phạm thì mới biết, việc kiểm tra là của cơ quan quản lý", ông Phương kể.
Nhưng việc "đau khổ" hơn với doanh nghiệp, theo ông, là khi tưởng xong hết thủ tục chỉ cần ra cảng lấy hàng thì lại nhận được thông tin yêu cầu soi chiếu, kiểm tra lại của hải quan. "Nếu sai thì chúng tôi phải chịu nhưng thực tế tỷ lệ sai sót mà chúng tôi gặp phải gần như không có", ông nói. Việc hàng hoá bị lưu lại khiến doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị quy mô hàng hoá lớn, có thể mất thêm vài chục đến vài trăm triệu chỉ trong 1-3 ngày.
Còn bà Lưu Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, đánh giá việc kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn chưa nhanh gọn, cập nhật thông tin chưa đồng bộ.
"Có những lúc doanh nghiệp đã khai, thông quan điện tử xong xuôi nhưng đến lúc chốt lại phải mang tờ khai đóng dấu để nộp. Hoặc có khi chúng tôi nộp thuế qua online nhưng rồi phải chụp bản nộp cho phía hải quan", bà nói. Thời gian kiểm tra thông quan vẫn còn chậm, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành tại Hải Dương. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá, nhất là nông sản. Nhiều thủ tục hành chính còn nhiều điểm chưa đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan.Theo ông Hoàng Quang Phòng, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù chính sách pháp luật và thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu có nhiều bước tiến, dư địa cải thiện vẫn còn rất lớn.
Một nghiên cứu của VCCI trước đó cho thấy, 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh bị cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ ngoài quy định, thời gian làm thủ tục cũng bị kéo dài", ông Trương Đức Trọng thuộc ban pháp chế VCCI nói. Ông cũng cho biết, những vướng mắc của doanh nghiệp còn rất nhiều, "thậm chí không quy trình, thủ tục nào được doanh nghiệp đánh giá là dễ thực hiện".
Với phản ánh của Hiệp hội vận tải Hải Phòng, ông Cường cho biết, hoàn toàn đồng tình với việc kiểm tra hàng hoá phải hài hoà, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt không làm phát sinh chi phí.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, năm 2022 ghi nhận 14,5 triệu tờ khai, trong đó, 4% là luồng đỏ - tức phải kiểm tra thực tế. Con số này phù hợp với thông lệ quốc tế. Và việc tờ khai thuộc luồng đỏ nhưng không có nghĩa phải kiểm tra 100% mà phụ thuộc vào quyết định của chi cục trưởng cục hải quan theo tình hình lúc đó.
"Riêng với Hải Phòng, do không phải cảng nào cũng có máy soi nên container phải đưa từ cảng nọ sang cảng kia nên doanh nghiệp bị tăng chi phí. Chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ cho hải quan ở đây làm việc với hiệp hội. Việc soi chiếu hàng hoá bao nhiêu cũng phụ thuộc vào mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp", ông Cường nói thêm.
Bên cạnh đó, dịch vụ logistics còn yếu, đặc biệt thiếu kho lạnh trong khi hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc thường xuyên bị ùn tắc, cũng được nhiều doanh nghiệp nêu là một trở ngại. Doanh nghiệp cũng đang khó khăn vì chính sách lãi suất vay tăng mạnh, tỷ giá biến động trong biên độ cao.
Làm rõ hơn, ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa (Hải Dương) kể, container bưởi đỏ đầu tiên của doanh nghiệp xuất từ Hải Phòng cập cảng London mất tận 70 ngày, trong khi từ Thái Lan đi chỉ mất khoảng 40 ngày.
"Chúng tôi dù được các cơ quan liên ngành ủng hộ, kiểm tra chuyên ngành cũng nhiều. Nhưng thứ khó khăn nhất ở đây là logistics của Việt Nam còn rất kém so với các nước khác", ông Thức nói. Mặt khác, ông cũng lưu ý, việc lãi suất ngân hàng lên đến 9% khiến các doanh nghiệp trong mảng nông nghiệp thực sự khó khăn, không thể vay vốn.
Ông Phạm Ngọc Thức, Giám đốc công ty Fusa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VCCI
Ngoài các vấn đề về thủ tục hành chính vốn chiếm 30% thời gian trong hoạt động xuất nhập khẩu, luật sư Lê Trọng Thêm - Công ty Luật LTT & Lawyers nói, các doanh nghiệp không nên bỏ qua khâu pháp lý với đối tác nước ngoài. Qua tư vấn nhiều thương vụ, mới nhất là vụ việc lừa đảo hàng chục container hạt điều sang Italy, doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro mất tiền bạc, thời gian nếu không tìm hiểu kỹ đối tác.
"Các doanh nghiệp Việt không có thói quen thẩm tra năng lực đối tác nên dễ bị lừa, bị ép giá, mất chi phí lưu thông. Chúng ta cần tìm hiểu kỹ bạn hàng, cẩn trọng với các vấn đề địa chính trị và xây dựng các kịch bản ứng phó tốt", ông Thêm chia sẻ.
Đức Minh
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận