menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chính Đức

Ứng dụng giao đồ ăn của Việt Nam sắp có lãi

CEO Loship nói sẽ ghi nhận lợi nhuận trong năm nay - điều nhiều công ty trong ngành chưa thể đạt được.

Chia sẻ với VnExpress về ngành giao đồ ăn, ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship, một trong hai ứng dụng giao đồ ăn thuần Việt nắm 7% thị phần, khoe "chúng tôi còn lỗ rất rất ít".

Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu tăng 500% so với năm 2021 nhờ tối ưu hóa hoạt động kinh doanh với 250.000 hàng quán và hơn 5 triệu người dùng. Loship cũng chú trọng cắt giảm lỗ và thúc đẩy có lời tại 12 thành phố hoạt động. Dự kiến, toàn công ty có thể cán mốc có lãi trong năm nay.

Thực tế, câu chuyện "đốt tiền" và thua lỗ triền miên trở thành tình trạng phổ biến của ngành giao đồ ăn và gọi xe nói chung. Đến hết năm 2021, Grab Việt Nam lỗ lũy kế 4.365 tỷ đồng. Con số này của Gojek Việt Nam cũng hơn 4.000 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ đều đến từ chi phí bán hàng lớn, lên đến nghìn tỷ đồng.

Loship chuẩn bị báo lãi sau một năm thị trường giao đồ ăn và gọi xe nói chung gặp nhiều thế khó. Trái với tăng trưởng bùng nổ trong năm 2021, ngành này đối mặt với áp lực giá nhiên liệu tăng và xu hướng tài xế rời ứng dụng. Riêng Loship cũng ghi nhận sự sụt giảm số lượng shipper cục bộ.

Nói về giá xăng tăng, ông Nguyễn Hoàng Trung cho rằng tất cả ứng dụng đều bị ảnh hưởng nhưng "thật lòng không ảnh hưởng quá nhiều". Khi chiến tranh Nga - Ukraine diễn ra, trong thời gian đầu, đó là cơn ác mộng. Nhưng đến nay giá xăng không thay đổi quá nhiều, thậm chí rẻ hơn dù chỉ rất ít so với giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng. Điều đó cho thấy giá xăng tăng rồi sẽ giảm. Trong ngắn hạn điều này ảnh hưởng đến thu nhập shipper, nhưng không tác động dài hạn.

Theo ông Trung, điều ảnh hưởng nhất với ngành giao đồ ăn là lạm phát. Khi giá xăng tăng, tất cả nguyên vật liệu tăng, đẩy giá cả món ăn tại các hàng quán lên cao. Nhưng khi giá xăng giảm đi, giá các mặt hàng vẫn không giảm cùng. Người dùng dần hạn chế chọn ăn uống bên ngoài. Điều đó ảnh hưởng đến thu nhập lái xe nhiều hơn.

Theo thời gian, nhiều shipper quyết định rời bỏ ứng dụng. Điều tương tự vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Ấn Độ...

"Khi một thế hệ shipper rời ngành để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn, thị trường luôn tìm thấy thế hệ shipper mới, trẻ hơn. Tôi cho rằng một nhóm shipper rời ứng dụng là sự chuyển dịch bình thường, cho thấy sự phát triển của nền kinh tế", ông Trung nói.

Điều ứng dụng giao đồ ăn thuần Việt lo lắng là đã tập trung khuyến mãi để thu hút khách hàng bằng mọi giá. Giai đoạn 2021-2022, Loship "đốt tiền" để mở rộng mạng lưới người dùng với chi phí tiếp thị chiếm hơn 60% cấu trúc chi phí mỗi tháng. Điều này dẫn đến những khác biệt của ứng dụng này trên thị trường chưa được khách hàng "công nhận một cách đúng đắn".

Điểm khác biệt của Loship là miễn phí giao hàng trong phạm vi nhất định. Nhưng thời gian trước, đội ngũ vận hành đã không tận dụng và đẩy mạnh, thay vào đó lại sử dụng công cụ khác nhiều hơn. Từ đó, người dùng đến với Loship vì một vài lý do nhưng không phải vì miễn phí giao hàng.

Ông và đội ngũ tự hỏi nếu vẫn tiếp tục làm điều này, liệu Loship có khác biệt gì so với đối thủ hay không. Lượng người dùng hiện hữu vẫn là người dùng của Loship nhưng cũng có thể là người dùng của ứng dụng khác. Nhận ra điều này, ứng dụng bắt đầu thắt chặt hầu bao cho khuyến mãi hơn, giảm bớt gánh nặng chi phí. Đó cũng là lý do bên ngoài nhìn vào trông Loship dường như "nguội" đi so với trước.

"Cho dù bạn có lớn đến đâu đi nữa, tiền luôn có giới hạn. Tiền không phải từ trên trời rơi xuống", ông nói thêm. Tùy theo số tiền đang có trong tài khoản, mỗi công ty sẽ biết đâu là chiến lược lâu dài. Nếu doanh nghiệp hoạch định được chiến lược tốt hơn, họ sẽ có lượng tiền nhàn rỗi trong tài khoản nhiều hơn. Ngay cả thời điểm khó khăn, họ vẫn sẵn sàng "hào phóng" cho khách hàng.

Để tiến đến cột mốc lợi nhuận giữa "mùa đông" khởi nghiệp, Loship ưu tiên bảo vệ nguồn tiền. Trong năm ngoái, công ty cắt giảm tổng cộng 50% nhân sự từ giữa quý II đến quý IV/2022. Đa số bộ phận của công ty đều áp dụng tinh giản nhân sự, nhất là các bộ phận kinh doanh kém hiệu quả. Song song đó, từ quý II/2022, toàn bộ hoạt động tiếp thị cũng bị đóng băng, chỉ giữ lại những hoạt động cần thiết.

Nhưng trên hết, ông Nguyễn Hoàng Trung cho rằng lý do Loship tiến gần đến cột mốc lợi nhuận nhờ tìm được điểm cân bằng lợi ích giữa khách hàng - tài xế và đối tác hàng quán. Theo ông, đây là điều chính xác tuyệt đối trong ngành giao đồ ăn, nhưng để thực hiện không dễ. Nếu ứng dụng muốn tăng một ít nguồn thu từ khách hàng, họ hoàn toàn có thể chuyển sang nền tảng khác. Nếu ứng dụng muốn lấy thêm tỷ lệ phí vận chuyển từ shipper, họ lại nản lòng và chuyển sự bực dọc ấy sang khách hàng.

3 năm tới, theo ông Trung, giao đồ ăn và đi siêu thị vẫn là mảnh đất chứng kiến sự cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng sẽ triển khai thêm các dịch vụ liên quan đến tài chính công nghệ (fintech) như ví điện tử riêng để khai thác lượng người dùng có sẵn. Loship không có dự định tham gia mảng fintech - đang ghi nhận xu hướng "đốt tiền" không kém. Thay vào đó, doanh nghiệp Việt muốn khai thác lượng đối tác hàng quán để cung ứng nguyên vật liệu.

Báo cáo mới đây của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp bán hàng, vận hành, nhân sự cho hơn 100.000 thương hiệu nhà hàng và quán cà phê, cho thấy thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát, ở mức 29.900 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận hơn 12 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến và tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%.

Tuy nhiên, thị trường giao đồ ăn tiếp tục nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. 58% người tiêu dùng tham gia khảo sát chọn đặt đồ ăn trên ShopeeFood, theo sau là GrabFood, Baemin và Gojek. Hai đại diện Việt Nam duy nhất là Loship và beFood cùng nắm tỷ lệ quanh 7%. Thị trường vẫn còn nhiều dư địa cạnh tranh khi hầu hết ứng dụng chiếm thị phần lớn đều suy giảm tỷ lệ người từng sử dụng. Theo báo cáo của Q&Me cho năm 2021, lượng người từng sử dụng GrabFood, ShopeeFood và GoFood giảm, trong khi một số gương mặt mới hơn như Baemin cải thiện từ 46% lên 54%, Loship cải thiện từ 14% lên 21%.

Tất Đạt

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại