Tỷ phú USD giàu nhất giới ngân hàng Việt, tốc độ khó ai sánh bằng
Các tỷ phú Việt khởi nghiệp từ Đông Âu ngày càng có vị thế trong nền kinh tế Việt Nam với dòng chảy hàng chục tỷ USD từ lĩnh vực ngân hàng, bất động sản cho tới du lịch và các dịch vụ mới mẻ nhất.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với nhiều thông tin khiến các nhà đầu tư giật mình về mức độ tăng trưởng nhanh.
Theo Techcombank, tăng trưởng cho vay của ngân hàng này đạt hơn 28% trong 9 tháng đầu năm từ mức chưa tới 160 ngàn tỷ đồng cuối 2018 lên hơn 205,3 ngàn tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD) vào ngày 30/9/2019. Tốc độ này là rất cao so với mặt bằng chung 9,4% trong 9 tháng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa báo cáo, thậm chí còn cao gấp đôi mục tiêu tín dụng 14% cả năm của ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng đầu tư khá nhiều vào trái phiếu, tổng cộng lên tới 74 ngàn tỷ đồng (khoảng 3,2 tỷ USD), với hơn 20,5 ngàn tỷ vào trái phiếu chính phủ, 21,2 ngàn tỷ đồng vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác và gần 32,1 ngàn tỷ đồng vào trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.
Dòng chảy tỷ USD, tỷ phú Việt “gốc Đông Âu” khó ai sánh kịp
Sở dĩ tăng trưởng tín dụng của Techcombank đạt cao vì ngay từ giữa năm, NHNN đã nới chỉ tiêu cho một số ngân hàng, trong đó có TCB, trước tình trạng một số ngân hàng gần chạm trần được giao sau 6 tháng đầu năm.
Trong một cuộc họp báo định kỳ gần đây, đại diện NHNN cho biết cơ quan này ưu tiên tăng trưởng, nới “quota” tín dụng đối với những ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm. Trong khi, nhiều ngân hàng lớn, có nguồn gốc quốc doanh gần đây không còn mở rộng cho vay như trường hợp Agribank, Vietcombank, VietinBank.
Tăng trưởng tín dụng thời gian tới của Techcombank còn được cho là nhờ việc gắn chặt chẽ với Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng. Trước đó, theo một báo cáo của BVSC, tăng trưởng tín dụng của TCB phụ thuộc khá lớn vào cho vay bất động sản, nhất là tiến độ bán hàng đối với các dự án của Vingroup.
Trong kỳ, Techcombank ghi nhận lợi nhuận khủng, trước thuế đạt 8,86 ngàn tỷ đồng với thu nhập từ lãi thuẫn vẫn là chủ yếu. Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại. Thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng của ngân hàng chỉ còn đóng góp được 30% cho tổng thu nhập hoạt động.
Techcombank bơm tiền ra qua trái phiếu.
Ông Hồ Hùng Anh hiện là chủ tịch Techcombank và đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 20,8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Forbes, tính tới hết 27/7/2019, tổng tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 1,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang là phó chủ tịch thứ 1 và là chủ tịch của Tập đoàn Masan (MSN).
Vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.
Nhà ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,5 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Hồi đầu tháng 3/2019, ông Hồ Hùng Anh được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 3 Việt Nam. Ông Hùng Anh có khởi điểm sự nghiệp khá giống ông Phạm Nhật Vượng, khởi nghiệp từ Đông Âu, nhưng bứt phá với đế chế Techcombank. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận