menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nam Trung

Tự tin bước vào thập niên mới

Những "KOLs" trong lĩnh vực kinh tế, họ nhận xét gì về cơ hội trong năm mới, thập kỷ mới?

Năm 2020, năm đầu tiên của thập niên thứ 3, thế kỷ 21 là bước ngoặt để Việt Nam cất cánh trở thành quốc gia thịnh vượng, hùng cường.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song với một năm 2019 thành công rực rỡ cùng “bệ phóng” vững chắc hơn 30 năm đổi mới, chúng ta có thể tự tin vững bước.

Tự tin bước vào thập niên mới - ảnh 1

Tự tin bước vào thập niên mới - ảnh 2

Nền kinh tế Việt Nam đạt những kết quả ấn tượng trong thập niên qua

Nguồn: tổng cục thống kê Ảnh: Phạm Hùng - Đồ họa: Đông Xuân

Sau 10 năm, nền kinh tế đã đạt được những thành tựu, kết quả ấn tượng. GDP liên tục tăng trưởng kể từ năm 2010, năm 2018 và năm 2019 là 2 năm vượt mức 7% - mức kỷ lục. Thu nhập bình quân đầu người trong 1 năm cũng tăng đều đặn, phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể, tiến gần hơn tới ngưỡng thu nhập trung bình cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới là 3.996 USD. Năm 2019 cũng là năm tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống thấp nhất, chỉ khoảng 4%.

Ông Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hộ: Ba vấn đề cốt lõi để tăng trưởng theo chiều sâu Ảnh: Gia Hân Năm 2019 chúng ta tiếp tục đạt được những thành công rực rỡ căn bản. Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”. Chúng ta đã đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào top đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm nhưng lại đi được những bước dài hơn. 30 năm là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản... “hóa rồng, hóa hổ”, nhưng 30 năm qua chúng ta tăng trưởng nhanh mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Các giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện, nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi cho rằng có 3 vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân Ảnh: Tiêu Phong Năm 2020, để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, gồm cả hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhà nước cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và cả những nhà đầu tư tiềm năng rằng, thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Theo đó, nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn sao cho vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm, vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Gắn với tiến bộ và công bằng xã hội Ảnh: Gia Hân Năm 2019 là năm chúng ta đạt được kết quả toàn diện cả về kinh tế - xã hội. Dù đầu năm nhiều người vẫn còn nghi ngờ về mục tiêu đặt ra, song cuối năm chúng ta thấy rằng lời hứa của Chính phủ với T.Ư, Quốc hội và nhân dân đã thành hiện thực. Dù vậy, để có bước tiến vững chắc trong năm tới, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, chúng ta “không thể ngủ quên trong chiến thắng”. Thành tựu đã có cho chúng ta niềm tin nhưng không bao giờ được chủ quan, tự mãn với những gì đạt được. Bởi lẽ, với những kết quả chúng ta đạt được sau nhiều nỗ lực thì vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia ngay trong khu vực. Nếu chúng ta kỳ vọng vào một năm 2020 tốt hơn năm 2019, tôi cho rằng cần phải giải quyết tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Bởi lẽ, tôi vẫn tin rằng tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Công nghiệp chế biến chế tạo - động lực mới của tăng trưởng Ảnh: Gia Hân Năm 2020 có nhiều cơ hội mới, đặc biệt là cơ sở nền tảng quan trọng của sự ổn định và đà phát triển kinh tế trong nước. Nền kinh tế tiếp tục hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt là tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh và khó đoán định; dư địa các động lực tăng trưởng truyền thống dần bị thu hẹp... Trong bối cảnh đó, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 được xác định với yêu cầu rất cao, mà so với nền tảng đã đạt được ở mức cao của năm 2019 nữa thì càng thách thức lớn. Do vậy, trước hết cần tập trung cụ thể hóa và xây dựng chương trình hành động của Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, xác định các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; bám sát kịch bản tăng trưởng chung của Chính phủ để xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực và bám sát để điều hành, điều chỉnh kịp thời. Trong đó, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo, đây phải là một trong những đột phá chiến lược. Ngành sản xuất chế biến chế tạo chiếm 40% doanh thu thuần của nền kinh tế và đóng góp tới 84% kim ngạch xuất khẩu. Chế biến chế tạo phát triển sẽ tận dụng tối đa được các cơ hội do quá trình hội nhập tạo ra, sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Phải có một hệ sinh thái phát triển công nghiệp được tổ chức từ T.Ư tới địa phương thì chúng ta mới đủ sức nâng tầm của cả nền công nghiệp, đảm bảo sự thành công để chuyển dịch nền sản xuất và kinh tế của Việt Nam lên cao hơn trong chuỗi giá trị.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Cải cách táo bạo để nắm bắt cơ hội Ảnh: Tiêu Phong Năm 2019 có thể được coi là một năm tương đối tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới, cao gấp khoảng 3 lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%). Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, bị chèn ép và năng suất thấp. Năm 2020, Chính phủ nên đẩy nhanh sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong nước và giúp cân đối tốt hơn cho mô hình tăng trưởng hiện nay chủ yếu dựa vào sức cầu bên ngoài. Vào thời điểm này mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hóa nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất... Vì vậy, mặc dù Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của mình, vẫn cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại