“Tủ thuốc” chống suy giảm quá đà trên thị trường chứng khoán
Sự suy giảm với biên độ lớn trên TTCK kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay khiến nhiều ý kiến cho rằng, các loại “thuốc” cho nền kinh tế lẫn TTCK “uống” mới là liều nhẹ, với kỳ vọng “hạ sốt”, trong khi thực tiễn nhà đầu tư trông đợi nhiều hơn thế.
Chính phủ cần bơm lượng vốn lớn vào nền kinh tế
Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tiếp sức cho nền kinh tế cũng như TTCK như chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, Bộ Tài chính miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán, nhưng từ khi triển khai các giải pháp đến nay, thị trường vẫn lao dốc, cho thấy các loại “thuốc” này chưa đủ mạnh.
Thực tế đòi hỏi cần những giải pháp mang tầm bao trùm cả đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ trong phạm vi của lĩnh vực chứng khoán.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp và các chuyên gia, Việt Nam có đủ nguồn lực để tiến hành thêm các giải pháp hiệu quả. Các giải pháp này cần tập trung vào 3 trụ cột chính.
Thứ nhất là cần đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh nhiều chuỗi hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu đứt gãy.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng, đây là giải pháp cần quan tâm hàng đầu để giải quyết việc làm cho hàng triệu người gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, vừa đóng góp vào tăng trưởng cho nền kinh tế, đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế khi khó khăn đi qua.
“Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD. Giả định năm nay GDP giảm khoảng 3% so với kế hoạch, thì để có thể bù đắp đáng kể cho sự sụt tăng trưởng này, Nhà nước cần bơm khoảng 8 tỷ USD cho triển khai các dự án đầu tư công. Tôi được biết, nguồn vốn đầu tư công đang chờ giải ngân mà Kho bạc Nhà nước đang gửi ở ngân hàng còn khoảng 20 tỷ USD”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Thực tế, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ giữa tháng 3 vừa qua, Thường trực Chính phủ nhất trí sẽ trình Quốc hội quyết định đưa 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức PPP vào danh mục đầu tư công để khởi công trong tháng 8/2020.
Các dự án này gồm đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) đến Quốc lộ 45 (Thanh Hóa), tổng mức đầu tư dự kiến 12.918 tỷ đồng; đoạn từ Quốc lộ 45 đến Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổng mức đầu tư dự kiến 6.333 tỷ đồng; đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Ðồng Nai), tổng mức đầu tư dự kiến 14.359 tỷ đồng.
Các dự án còn lại, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông lớn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch Covid-19.
Ðể giải ngân lượng vốn đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những quyết sách táo bạo trong giải tỏa các vướng mắc cố hữu, kéo dài từ nhiều năm nay liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục phê duyệt dự án, thanh quyết toán khối lượng thi công đã hoàn tất…
Nếu những vướng mắc này chậm được tháo gỡ, thì sẽ khiến cho khả năng hấp thụ vốn đầu tư công của nền kinh tế vỗn dĩ đã nghẽn nay còn “nghẹn” hơn do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.
Khi các dự án, công trình trọng điểm có tác động lan tỏa ra nền kinh tế sẽ huy động được thêm nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam cần gia tăng hàm lượng chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng giảm sâu hơn lãi suất, đồng thời miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, để tiết giảm chi phí hoạt động đầu tư, kinh doanh.
“Có một thực tế là hiện các khoản vay vốn ngắn hạn mới giảm lãi suất, trong khi do bối cảnh dịch bệnh, nên doanh nghiệp gần như không vay vốn có kỳ hạn ngắn, mà muốn vay vốn dài hạn cho phát triển kinh doanh.
Thế nhưng, lãi suất các khoản vốn cho vay dài hạn mà các ngân hàng đang triển khai lại giảm không đáng kể. Theo đó, động thái giảm hàng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện chưa hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Trong góc nhìn của Chủ tịch Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Lê Minh Tâm, chỉ số chứng khoán chỉ là một cái phao tâm lý, nên sụt giảm quá mạnh chưa phải là điều đáng ngại nhất. Ðiều đáng ngại nhất là các doanh nghiệp khó khăn, phá sản, ngưng trệ sản xuất, như thế TTCK sẽ không có cơ hội vực lên.
Theo đó, sự hỗ trợ là cần hướng đến việc duy trì và vực dậy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp mạnh lên, thì TTCK sẽ theo đó khả quan trở lại.
Thứ ba, để tiếp sức cho lực cầu của nền kinh tế, ổn định tâm lý người dân, nhà đầu tư - yếu tố quyết định hàng đầu trong “cuộc chiến” chống dịch, Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp mà Mỹ thực hiện là hỗ trợ tiền cho người dân có thu nhập thấp và suy giảm mạnh sức mua do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Ðể có nguồn lực triển khai chương trình này, ngoài nguồn “vốn mồi” từ ngân sách nhà nước, Nhà nước nên có cơ chế huy động các nguồn lực từ khu vực mà chính người lao động đang làm việc như doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, cũng như sự san sẻ từ khu vực người lao động có thu nhập cao, có nguồn lực tích lũy tài chính tốt.
Miễn, giảm thuế cho giao dịch chứng khoán
Ngoài các giải pháp mang tính củng cố nền tảng vĩ mô như trên, qua đó tạo sức sống cho doanh nghiệp, cũng như sức cầu cho nền kinh tế, cần hơn những giải pháp tiếp sức trực diện cho TTCK.
“Các giải pháp mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai tiếp sức cho TTCK đến thời điểm này, chẳng hạn giảm, miễn giá dịch vụ chứng khoán mang lại hiệu quả không cao, vì không mang tính căn cơ, do đó cần có thêm những giải pháp đột phá”, tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói.
Theo ý kiến từ nhiều thành viên TTCK, giải pháp hoãn, miễn, giảm thuế cho nhà đầu tư chứng khoán cần sớm được Chính phủ đề xuất Quốc hội triển khai cho phù hợp với “thời chiến”, chứ không thể duy trì mức thu các loại thuế giao dịch chứng khoán, thuế thu nhập cá nhân từ nhận cổ tức, thuế thu nhập doanh nghiệp… như hiện nay.
Ðừng để khi thị trường suy kiệt, nhà đầu tư không còn bám sàn được nữa mới có giải pháp hỗ trợ mạnh, thì giải pháp khi đó cũng bằng không.
Trong khó khăn, cần nhất là khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc
Ông Nguyễn Xuân Biểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Giữa lúc dịch bệnh tấn công nhiều phía như hiện nay, việc ổn định tâm lý người dân, nhà đầu tư có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công hay thất bại của nhiều giải pháp mà chúng ta muốn triển khai.
Một giải pháp tôi cho rằng các cấp, các ngành cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên diện rộng là khích lệ tinh thần của người dân trong thời dịch bệnh nguy cấp. Các thông tin mới phần nhiều cập nhật về tình hình dịch bệnh và cách phòng tránh.
Như thế là chưa đủ. Ðừng quên truyền thông đặc biệt của dân tộc Việt Nam là mỗi khi tổ quốc lâm nguy, sức mạnh nội sinh tuyệt vời của dân tộc lại trỗi dậy.
Nay là lúc cần đánh thức vũ khí này của dân tộc Việt Nam, để cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, giành chiến thắng trước “giặc” Covid-19. Khi tâm lý của người dân, nhà đầu tư vững mạnh sẽ giúp nền kinh tế, TTCK vượt quá khó khăn, tiếp tục phát triển.
Không thể thu thuế giao dịch trên thực tế nhà đầu tư thua lỗ nặng
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chuyên gia chứng khoán
Với nhà đầu tư chứng khoán, khi nhận cổ tức hiện bị đánh thuế 5% giá trị nhận được. Khoản thuế này đang bị đánh thuế 2 lần. Theo đó, phần lợi nhuận chia cổ tức là lợi nhuận sau thuế, có nghĩa là doanh nghiệp đã phải trả thuế một lần.
Sau đó, khi nhà đầu tư nhận cổ tức lại bị đánh thêm một lần nữa. Như vậy là thuế chồng thuế. Ðây là điều không hợp lý, nên cần khắc phục để khuyến khích nhà đầu tư ở lại với đầu tư chứng khoán trong lúc khó khăn dự kiến kéo dài.
Tuy rằng, mức thuế giao dịch đối với nhà đầu tư hiện nay ở Việt Nam là khá cạnh tranh so với thế giới, nhưng đó là trong điều kiện bình thường. Còn trong bối cảnh khó khăn này, cùng với miễn, giảm các loại giá dịch vụ chứng khoán, cơ quan quản lý nên tính đến miễn, giảm thuế giao dịch chứng khoán để hỗ trợ nhà đầu tư. Không thể thu thuế giao dịch trên thực tế nhà đầu tư thua lỗ nặng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận