Từ sự cố VNDirect bị tấn công, chuyên gia khuyến nghị gì cho nhà đầu tư?
Hàng nghìn tỷ đồng bị kẹt không thể giao dịch khi VNDirect bị tấn công. Điều này cho thấy "lỗ hổng" bảo mật của dịch vụ tài chính. Nhà đầu tư nên làm gì?
"Sáng giờ tôi không thể giao dịch được mà tôi lại chỉ giao dịch tại sàn VNDirect. Tôi đành lập tài khoản mới ở một công ty chứng khoán (CTCK) khác và theo dõi thông tin trên đó. Thị trường thì đang "nóng" như thế mà không làm được gì khiến tôi rất sốt ruột và bức bối", chị Trà Giang (37 tuổi, Q.Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Không phải lần đầu "bị tấn công"
Theo đó, ghi nhận tại website và ứng dụng (app) của Công ty chứng khoán VNDirect (VND, HOSE) đều trong tình trạng lỗi, không thể truy cập, khách hàng chỉ thấy được thông báo về sự cố kèm dòng xin lỗi đến từ VNDirect.
Toàn bộ hệ thống VNDirect đến nay vẫn chưa thể truy cập (Ảnh: Website VNDirect)
Được biết, từ 10h sáng Chủ nhật (24/3) đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống của VNDirect đã bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được. Hiện, đội ngũ công nghệ của công ty dù đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên cần có thời gian kết nối.
Trước đó, VNDirect từng gặp nhiều sự cố khác tương tự. Vào tháng 4/2022, vào phiên giao dịch, các nhà đầu tư đã từng không thể đăng nhập website công ty với lý do tên miền và các trang mở rộng khác đã hết hạn sử dụng. Hay tháng 11/2021 và tháng 4/2020, công ty cũng từng gặp trục trặc khi đăng nhập giao dịch với lý do quá tải.
Mới đây, các trang website "con" liên quan với VNDirect: Tổng công ty Bảo hiểm Bưu Điện, website của Tập đoàn Đầu tư IPA và IPAAM cũng đã không thể truy cập, thông báo bị tấn công.
Thị trường và nhà đầu tư ảnh hưởng ra sao?
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) bày tỏ tâm trạng hoang mang, lo lắng khi không rõ tính bảo mật tới đâu, lượng tiền và tài sản tại sàn có ảnh hưởng gì không.
Trả lời về vấn đề này, phía công ty cho biết, toàn bộ thông tin và tài sản của khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, sự việc này vẫn khiến phía NĐT có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý và tài sản tại sàn.
Chị Hải Yến (29 tuổi, ở Thái Bình) thở dài chán nản khi không thể giao dịch, bởi chị dự định giải ngân cổ phiếu đang nắm giữ ngay phiên sáng hôm nay để chốt lời nhưng đến hiện tại, thị trường "rung lắc" sau chuỗi tăng dài, khiến cổ phiếu nắm giữ không còn ở điểm bán lý tưởng nữa.
VN-Index "lao mạnh" đầu tuần sau sự cố từ VNDirect (Nguồn: SSI iBoard)
VNDirect được biết tới là một trong những CTCK thuộc nhóm TOP3 khi chiếm tới 7% thị phần tại sàn.
Do vậy, sự cố lần này có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại tới tài sản, lợi nhuận NĐT, tăng tính cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTCK và ảnh hưởng không nhỏ tới toàn thị trường khi một lượng lớn dòng tiền không được chuyển động theo đúng nhu cầu mua - bán của NĐT, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, nêu ý kiến.
Cần làm gì để phòng ngừa bảo vệ quyền lợi NĐT?
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, dịch vụ tài chính vốn đã phức tạp hơn các dịch vụ bình thường, cần đảm bảo được tính hoạt động liên tục, ngay cả khi bị tấn công. Song, thực tế cho thấy, các CTCK vẫn chưa có sự chú trọng về tính bảo mật.
"Sự cố lần này tại VNDirect là điều không ai mong muốn và không thể đổ lỗi cho ai nhưng từ đây, cần nhìn nhận nghiêm túc và khắc phục lỗ hổng bảo mật trong dịch vụ tài chính", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.
Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tài sản và lợi nhuận của NĐT, bởi NĐT vốn ở thế bị động, dù giao dịch tại bất cứ CTCK nào vẫn có rủi ro bị tấn công và khi website giao dịch "sập", họ cũng không thể làm gì.
Do vậy, để hạn chế rủi ro tương tự, ông Nguyễn Hữu Huân đưa ra một số khuyến nghị cho NĐT:
- NĐT nên chia cổ phiếu nắm giữ và giao dịch qua nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau.
- NĐT không nên để tiền trong tài khoản, chỉ khi cần thiết giao dịch mua - bán thì mới chuyển tiền vào để tránh tình trạng CTCK chiếm dụng vốn. Hơn nữa, ngân hàng có tính bảo mật hơn và có bảo hiểm tiền gửi, trong khi đó các CTCK hiện vẫn chưa có bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi NĐT, tính cạnh tranh lành mạnh và tính hoạt động liên tục của dịch vụ tài chính, phía cơ quan quản lý như Ủy Ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán cần có sự can thiệp, có những giải pháp trước các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Còn phía CTCK, cần đẩy mạnh đảm bảo tính bảo mật, có các giải pháp phòng bị cho khách hàng,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận