Tự doanh không hiệu quả khiến lợi nhuận SHS giảm tới 88%
Trong khi nhiều công ty chứng khoán đã cải thiện mảng tự doanh thì SHS lại ghi nhận hiệu quả kém. Cộng thêm doanh thu các mảng khác sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận của công ty "đi lùi" tới 88%.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với tổng doanh thu hoạt động đạt 677 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu môi giới ở mức 33,5 tỷ đồng, giảm 75%. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 40% xuống mức 113 tỷ đồng.
Ngược lại, phần lãi các tài sản chính FVTPL đạt 501 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lãi chủ yếu đến từ cổ tức, tiền lãi phát sinh (chiếm 570 tỷ đồng, tăng gấp 32 lần); trong khi phần lãi bán chỉ chiếm 46 tỷ đồng (so với cùng kỳ lãi 259 tỷ đồng).
Ở phần chi phí hoạt động, lỗ các tài sản FVTPL ở mức 525 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hoạt động tự doanh của SHS không hiệu quả, lỗ 24 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 217 tỷ đồng.
Với tình hình hoạt động như trên, SHS báo lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt 51 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, giảm 88% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Năm 2023, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu 1.942 tỷ đồng, tăng 25,5% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế 1.103 tỷ đồng, gấp 4,6 lần. Như vậy kết thúc quý 1, SHS mới đi được rất ít chặng đường.
Năm 2022, SHS cũng tham vọng lớn với kế hoạch doanh thu 3.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.026 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 16% so với mức thực hiện rất cao của năm 2021. Tuy nhiên kết quả, công ty chỉ thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 9,7% kế hoạch lợi nhuận, lần lượt là 1.548 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ đồng.
Về các chỉ tiêu tài chính, tổng tài sản của SHS tới thời điểm 31/03/2023 ở mức hơn 11.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 50%.
Trong đó, danh mục tài sản FVTPL và tài sản sẵn sàng để bán (AFS) có giá trị hơn 5.000 tỷ đồng. Danh mục FVTPL trị giá 4.360 tỷ đồng, với 2.226 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu (chiếm tỷ trọng lớn là EIB, GEE, SAF) và 2.134 tỷ đồng trái phiếu.
Danh mục AFS trị giá 675 tỷ đồng, với 3 cổ phiếu nắm giữ là SHB, BCG và TCD. Tại thời điểm cuối quý 1, SHS đang lãi 77% (hơn 213 tỷ đồng) với cổ phiếu SHB nhưng lỗ nặng với BCG và TCD. BCG giá trị mua 200 tỷ đồng, lỗ 67%; TCD giá trị mua 200 tỷ đồng, lỗ 72%.
Nợ phải trả của SHS ở mức 1.552 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Phần vay nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi, từ mức 407 tỷ đồng lên 796 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành ngắn hạn trị giá 500 tỷ đồng, giảm 160 tỷ đồng so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận