Từ cú rút chân khỏi sàn chứng khoán đến sự thành công phía sau một doanh nghiệp gia đình
Alphanam, cùng với Bitis, Minh Long hay Tân Hiệp Phát, là một trong những công ty gia đình đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa thế hệ rường cột ban đầu và thế hệ hạt nhân tiếp bước phía sau. Câu chuyện của Alphanam không phải đã cũ nhưng cũng không hẳn quá mới, đặc biệt với những người yêu thích, quan tâm đến thương trường, kinh doanh. Tuy nhiên qua lời kể của vị thuyền trưởng Nguyễn Tuấn Hải (Doanh nhân Sao Đỏ 1999), câu chuyện ấy vẫn ẩn chứa các giá trị đáng để học hỏi.
Trước thềm Tọa đàm với chủ đề "Kết nối tạo giá trị trường tồn" được tổ chức nhân "Kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Đỏ (1999 – 2019)" và "Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ 2019", Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải dành cho chúng tôi 3 tiếng đồng hồ tại đại bản doanh của Alphanam trên phố Bà Triệu. Ông nói nhiều về Alphanam xưa và nay, về câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, những kinh nghiệm thực tế cho các doanh nghiệp trẻ khi đứng trước "Ngã Ba đường – Lựa chọn mô hình doanh nghiệp gia đình hay công ty đại chúng?". Và ấn tượng nhất, có lẽ là cách một người cha đã nuôi dạy, định hướng, truyền lại ngọn lửa kinh doanh cho hai người con của mình.
Vòng tròn công ty gia đình - Công ty đại chúng - Công ty gia đình
Trước năm 2002, Alphanam là công ty gia đình. Sau năm 2014, Alphanam quay lại là công ty gia đình. Nhưng khoảng thời gian ở giữa hai cột mốc này, Alphanam đã từng là công ty đại chúng, được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thành lập vào năm 1995, trải qua 2 lần chuyển đổi, từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính.
Ngược dòng hồi tưởng, ông Hải nhớ lại thời điểm năm 1999. Đó là năm đầu tiên Giải thưởng Doanh nhân Sao Đỏ được triển khai, ông Hải vinh dự nhận giải này, bên cạnh ông Vũ Văn Tiền (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco), bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ), ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai)... Động lực ấy khiến ông càng quyết tâm phải xây dựng một cái gì đó thật sự lớn lao, thật sự bùng nổ cho đúng với tinh thần Sao Đỏ.
"Tôi nhận ra muốn phát triển một công ty vĩ đại, cần huy động vốn, trí, lực của nhiều người tham gia. Lúc ấy vừa vặn thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, tôi quyết định đưa công ty thành công ty đại chúng và xây dựng lộ trình niêm yết để huy động nguồn lực chung từ xã hội".
Những ngày tháng hoàng kim trên sàn chứng khoán, theo lời người thuyền trưởng, Alphanam đã từng là một mã cổ phiếu có giá cao, lợi nhuận chia cổ tức hàng năm không dưới 30%. Những người đi cùng ông Hải từ giai đoạn đầu, sau này nhờ việc bán cổ phiếu, đã mua được nhà, được xe cho riêng mình.
Tuy nhiên cùng với thời gian, khi các con dần trưởng thành, ông Hải bắt đầu thay đổi suy nghĩ về cuộc sống và sự nghiệp. Trước đây, ông vẫn xác định sẽ tự mình phấn đấu cho những điều vĩ đại, thì nay ông nhìn nhận chỉ mình ông là "không ăn thua", phải sang đến đời con, đời cháu và nhiều đời nữa mới làm được mục tiêu xây dựng công ty trường tồn. Ông là người xây nền móng, còn con cháu sẽ là những người xây tiếp.
"Đúc kết lại, xây dựng công ty rồi để lại cho xã hội, hay xây dựng công ty để lại cho con cháu rồi con cháu sẽ đóng góp cho xã hội. Tôi quyết định chuyển giao sự nghiệp sang cho các con. Nhưng muốn chuyển giao thì mình phải chuyển đổi từ công ty đại chúng trở về công ty gia đình. Phải mua lại cổ phần, tôi quay trở lại là công ty gia đình, Alphanam rút khỏi sàn chứng khoán", ông Hải khẳng định chắc nịch.
Quá trình định hướng và đào tạo thế hệ kế nghiệp
Có thể có người sẽ thắc mắc: Người cha xác định sẽ chuyển giao phần công việc cho các con nhưng chắc gì họ đã nhận? Nếu họ muốn theo đuổi con đường riêng thì sao? Thực tế kịch bản này không xảy ra tại Alphanam, đặc biệt khi tinh thần doanh nhân luôn được ông Hải truyền sang các con một cách tự nhiên như hơi thở từ bé.
Coi quản trị nhân sự và tài chính là cốt lõi của phát triển và thành công, nên ngay từ khi con trai Nguyễn Minh Nhật và con gái Nguyễn Ngọc Mỹ còn nhỏ, doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải luôn dẫn họ đi cùng trong các chuyến làm việc tại nhà máy, thăm quan đại lý, gặp gỡ đối tác. Năm Minh Nhật 10 tuổi, Ngọc Mỹ 7 tuổi, ông Hải xác định sẽ rèn con trai học giỏi các môn học tự nhiên để sau này tập trung quản lý tài chính; con gái cần giỏi văn, ngoại ngữ để hướng đến đối ngoại và công tác xã hội.
Những kế hoạch ấy, ông không chỉ nói lý thuyết mà đích thân là người đứng ra truyền cảm hứng. Với Ngọc Mỹ, ông dành thời gian cùng con chia sẻ các vấn đề về con người, nhân cách, các vấn đề xã hội, cùng đọc sách và thảo luận. Với Minh Nhật, ông rủ con đàm đạo kinh tế, chính trị, vĩ mô, đưa ra các tình huống phát triển tư duy logic.
"Như vậy, tính cách của chúng tự hình thành có thể bổ trợ cho nhau", ông giải thích.
Sau này, Chủ tịch Alphanam cũng khuyến khích Minh Nhật và Ngọc Mỹ đi du học từ rất sớm, trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau, thậm chí cả những vùng hẻo lánh, để rèn luyện tính tự lập và khả năng thích nghi. Đến khi họ du học trở về, ông đều để các con bươn chải ở các vị trí thấp nhất trước khi ngồi vào những ghế quan trọng hơn.
Ví dụ khi về nước năm 2010, dù có hai bằng thạc sỹ nhưng Nhật bắt đầu từ một công việc ở dưới phân xưởng sản xuất sơn Kansai, lương 8 triệu đồng/tháng, phải đi làm bằng xe buýt của nhà máy trong nhiều năm qua rất nhiều vị trí khác nhau, cuối tuần nào cũng lăn lộn đi phát triển mạng lưới phân phối sơn khắp các tỉnh thành. Sang tới 2016, anh mới chính thức lên giám đốc một công ty con, từ đó phụ trách nhóm 2 công ty, 3 công ty và đến nay là CEO điều hành cả gần 40 công ty.
Alphanam giai đoạn chuyển giao quyền lực
Minh Nhật về Alphanam làm việc đã 9 năm, đồng nghĩa kế hoạch 10 năm trong hành trình đào tạo thế hệ kế nghiệp của cha anh sắp đi đến chặng cuối.
Ông Hải không ngại ngần tiết lộ đã chuyển giao 80% công việc cho các con, và sang năm quá trình này sẽ chính thức hoàn thành. Thế hệ cây đa, cây đề trước đây được cơ cấu lại vào các vị trí quản trị bên trên, để những lớp người trẻ cùng thời của Minh Nhật và Ngọc Mỹ chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp.
Trong nội bộ gia đình, việc phân chia công việc cũng được Chủ tịch Alphanam sắp xếp vô cùng khoa học theo nguyên tắc của quản trị và quản lý.
"Tôi, Nhật và Mỹ thường xuyên họp với nhau theo nguyên tắc của Hội đồng quản trị, còn quản lý thì các con cùng các Tổng giám đốc và bộ máy quản lý quyết".
"Hàng tháng họp với 40 công ty, Nhật và Mỹ điều hành chính, tôi không tham dự hoàn toàn dù vẫn có mặt ở văn phòng. Có như thế mới giao quyền cho các con được", ông Hải tâm sự.
Tuy nhiên, cũng theo kế hoạch của ông vạch sẵn, khoảng 5 -10 năm nữa, vị trí của hai người con sẽ được điều chỉnh để nắm phần quản trị nhiều hơn, về quản lý sẽ có bộ máy điều hành chuyên nghiệp.
"Tất nhiên quản lý quy mô nào thì phải tính toán tại thời điểm ấy. Hệ thống nhỏ thì dễ chứ hệ thống lớn thì quản trị vô cùng quan trọng".
F2 và Alphanam, những trang mới rực rỡ
Được định hướng từ nhỏ, lại có thời gian học tập bài bản tại Mỹ, không quá ngạc nhiên khi dưới thời của thế hệ lãnh đạo thứ hai, Alphanam đã có những bước tiến không ngờ.
Sau bốn năm rút khỏi sàn chứng khoán, Công ty CP Đầu tư Alphanam công bố báo cáo tài chính năm 2017 với khoản lợi nhuận sau thuế đột biến lên tới gần 445 tỷ đồng và doanh thu thuần tới 1.610 tỷ đồng. Giữa năm 2018, Four Points by Sheraton Ðà Nẵng và Altara Suites Managed by Ri-Yaz, hai dự án do thế hệ thứ hai của Alphanam đích thân lên ý tưởng triển khai thực hiện, chính thức đi vào hoạt động, tạo tiếng vang lớn trong mảng khách sạn.
Đến nay 9 khách sạn với thương hiệu Marriott, 6 khách sạn với thương hiệu Intercontinental và 6 khu căn hộ thương hiệu Altara đang khẩn trương hoàn thành đưa vào hoạt động.
"Sau khi chuyển giao cho Nhật, các thế hệ chú, bác phát biểu một câu mà tôi nhớ nhất và cảm thấy sung sướng nhất: Chưa bao giờ Alphanam chuyên nghiệp như bây giờ".
Với Ngọc Mỹ, Chủ tịch Alphanam thừa nhận cô có khả năng thấu hiểu tâm lý nhân viên và gắn kết mọi người hết sức tài tình. Đó là lý do nhiều nhân viên tại Alphanam, dù được các bên khác đề nghị trả lương gấp đôi, nhưng họ không rời khỏi tổ chức. Chỉ 15 phút trò chuyện với Mỹ, họ sẵn lòng nói không với mức lương 10.000 USD/tháng, trong khi Alphanam đang trả 5.000-6.000 USD.
"Nếu là tôi thì tôi cho đi ngay, vì thế hệ tôi là thế hệ không lùi bước trước thách thức. Nhưng Mỹ sẽ động viên để giữ lại. Ví dụ với nhân viên tham nhũng, tôi sẽ cân nhắc được-mất, nhưng Nhật thì thẳng tay loại trừ. Đó cũng là sự khác biệt giữa hai thế hệ".
Ở thời điểm hiện tại, Alphanam chuẩn bị khép lại hành trình 25 năm của thế hệ đi đầu. Sang năm khi Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải chính thức bàn giao toàn bộ công việc cho các con, thế hệ kế cận sẽ phụ trách sự thành bại của tập đoàn trong 25 năm tiếp theo.
Tương lai của Alphanam có thể đi xa đến đâu sẽ cần thời gian trả lời, thế nhưng, ấn tượng đặc biệt sau 3 tiếng đồng hồ trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải có thể đúc rút lại trong câu nói: "Điều tôi tâm đắc nhất, cảm thấy thành công lớn nhất cuộc đời là cách đây 2 năm, Nhật và Mỹ nói rằng anh em chúng con cần nhau, chúng con bổ trợ được cho nhau. Dĩ nhiên tôi luôn xây dựng nhiều kịch bản cho các tình huống, nhưng đoàn kết mới tạo được sức mạnh".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận