Từ công nhân trở thành tỉ phú của chuỗi cửa hàng gia dụng
Nhờ thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công ở New York (Mỹ), Ye Guofu, người sáng lập Công ty Miniso Group, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng gia dụng giá rẻ Miniso, trở thành tỉ phú mới nhất của Trung Quốc. Chuỗi cửa hàng Miniso, lấy cảm hứng từ phong cách Nhật Bản, đang được hưởng lợi trong đại dịch Covid-19 nhờ xu hướng mua sắm hàng giá rẻ.
Ông chủ chuỗi cửa hàng giá rẻ thành tỉ phú
Công ty Miniso Group, có trụ ở tỉnh Quảng Đông, thu về 608 triệu đô la Mỹ trong thương vụ IPO ở Sàn chứng khoán New York, Mỹ hôm 15-10. Thương vụ IPO định giá Miniso hơn 6 tỉ đô la. Với 65% cổ phần tại Miniso Group, Ye Guofu và vợ ông đang nắm giữ số tài sản trị giá hơn 4 tỉ đô la Mỹ, theo Bloomberg.
Miniso đang bán mỹ phẩm và hàng gia dụng từ đèn ngủ cho dép đi trong phòng vệ sinh với mẫu mã đa dạng và bắt mắt. Miniso này cho biết hơn 95% sản phẩm của công ty ở thị trường Trung Quốc đang bán với giá dưới 50 nhân dân tệ (7,5 đô la Mỹ), thu hút những người tiêu dùng săn hàng giá rẻ giữa lúc thu nhập của họ suy giảm do đại dịch Covid-19
Các chuỗi bán lẻ hàng hóa giá rẻ đang phất lên trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy thoái do tác động của dịch bệnh nhờ người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đại dịch cũng làm tăng tốc xu hướng mua sắm tiết kiệm bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, các chuỗi cửa hàng ở phân khúc giá cả tầm trung đang hứng đòn của đại dịch Covid-19. Chuỗi bán lẻ như Brooks Brothers, J. Crew ở Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Miniso nắm giữ gần 60% thị phần cửa hàng bách hóa không bao gồm thực phẩm ở Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International.
“Khi đại dịch khiến sức mua sụt giảm trên toàn cầu, người tiêu dùng đang tập trung hơn vào những thương hiệu đáng giá cao với đồng tiền. Đó là cơ hội lớn cho Miniso. Kinh tế càng suy thoái thì cơ hội và triển vọng phát triển của các thương hiệu giá rẻ càng lớn”, Ye Guofu nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg.
Trong ngày giao dịch đầu tiên ở Sàn giao dịch chứng khoán New York, giá cổ phiếu Miniso tăng đến 25% nhưng đà tăng thu hẹp về 4,4% vào lúc thị trường đóng cửa, chốt ở mức 20,88 đô la Mỹ.
Tập đoàn đầu tư và công nghệ Tencent và Quỹ đầu tư
Hillhouse Capital đã cùng đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ vào Miniso trong năm 2018 để nắm giữ mỗi bên 4,8% cổ phần của công ty này. Số cổ phần đó giờ đây có trị giá 614 triệu đô la Mỹ, tức cao gấp bốn lần so với giá trị đầu tư ban đầu.
Từ công nhân trở thành doanh nhân
Ye Guofu, 42 tuổi, xuất thân từ tỉnh Hồ Bắc trong một gia đình nghèo. Ông học giỏi nhưng phải bỏ học sớm để đi làm kiếm tiền vì gia đình ông đủ sức trang trải học phí cho ông. Khi mới ra đời mưu sinh, Ye Guofu làm công nhân tại một nhà máy sản xuất ống thép ở Quảng Đông.
Và khi nhu cầu hàng hóa tiêu dùng ở Trung Quốc bùng nổ trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc mở cửa, Ye Guofu chuyển sang công việc kinh doanh. Ông đến Phúc Kiến và cùng một người bạn thành lập công ty bán gạch men. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, công việc kinh doanh nhanh chóng thất bại, khiến Ye Goufu gánh khoản nợ hàng trăm ngàn nhân dân tệ.
Sau đó, ông xin làm nhân viên kinh doanh ở một công ty sản xuất máy móc. Nhờ lương và các khoản thưởng cho doanh số vượt mức , trong vòng ba năm, ông đã hết nợ và dành dụm được một khoản tiết kiệm.
Ông tiếp tục thử sức kinh doanh một lần nữa bằng cách thành lập công ty buôn bán áo quần. Dự án khởi nghiệp lần này không mang lại nhiều tiền nhưng giúp ông quen biết một nữ nhân viên kinh doanh mỹ phẩm, người mà sau đó ông cưới làm vợ.
Với sự hỗ trợ của vợ, ông chuyển sang buôn bán mỹ phẩm và nhanh chóng mở một loạt cửa hàng mỹ phẩm ở TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Tiếp đó, ông nhảy sang lĩnh vực thực phẩm và mở 400 cửa hàng thực phẩm chỉ trong vòng một năm.
Trong chuyến đi công tác đến Nhật Bản vào năm 2013, chứng kiến các chuỗi cửa hàng giá rẻ thịnh hành ở đây, ông được truyền cảm hứng và đem mô hình kinh doanh này về áp dụng ở Trung Quốc. Ông tuyển dụng nhà thiết kế người Nhật Bản, Miyake Junya để hỗ trợ thiết kế sản phẩm. Miniso giờ đây có hơn 4.200 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó, 60% ở Trung Quốc và phần còn lại nằm khắp 80 nước.
Miniso nhiều lần bị cáo buộc bắt chước mô hình bán hàng gia dụng và đời sống không nhãn hiệu, không logo của chuỗi bán bán lẻ Muji thuộc Công ty Ryohin Keikaku (Nhật Bản). Năm 2016, một tòa án ở Thâm Quyến ra phán quyết, yêu cầu Miniso và một công ty liên kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho hãng xa xỉ phẩm LVMH (Pháp) trong một vụ kiện về vi phạm bản quyền thiết kế.
Ye Guofu bác bỏ các cáo buộc cho rằng Miniso bắt chước kiểu thiết kế hàng hóa của các chuỗi bán lẻ khác.
Ông nói: “Có lẽ mọi người hiểu nhầm. Miniso rất ủng hộ thiết kế nguyên bản. Giá trị cốt lõi của các sản phẩm chúng tôi là kiểu thiết kế đẹp mắt”.
Vấp phải sự cạnh tranh gay gắt
Thành công của Miniso đã giúp nuôi dưỡng một ngành tiểu thủ công nghiệp với các thương hiệu hàng hóa đời sống được thiết kế theo phong cách Nhật Bản và Bắc Âu có giá bán rẻ ở Trung Quốc.
Sự mở rộng nhanh chóng của Miniso là nhờ mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, điều này khiến biên lợi nhuận thu được từ các cửa hàng nhượng quyền này chỉ ở mức rất thấp so với những cửa hàng mà Miniso trực tiếp quản lý.
Ye Guofu cho biết trong thập kỷ tới, Miniso sẽ khai trương vài trăm cửa hàng mỗi năm ở Trung Quốc lẫn ở nước ngoài. Cho đến nay, Miniso vẫn chưa có lợi nhuận. Mức thua lỗ của Miniso trong năm tài chính kết thúc hồi tháng 6 là 37 triệu đô la, giảm 12% so với năm ngoái.
Miniso cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ bán hàng giá rẻ khác như Pinduoduo và Alibaba. Trong tháng này, nền tảng bán hàng giá rẻ Taobao Deals của Alibaba đã phát động chương trình khuyến mãi với hàng loạt mặt hàng được bán với giá chỉ 1 nhân dân tệ.
“Khi Pinduoduo và Alibaba dồn sức vào mảng bán lẻ giá rẻ và mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, điều này sẽ gây sức ép cho các thương hiệu như Miniso”, Mark Tanner, người sáng lập hãng nghiên cứu và tiếp thị China Skinny ở Thượng Hải, nhận định.
Miniso cho biết sẽ cố gắng duy trì lợi thế giá rẻ thông qua việc thuê gia công ở nước ngoài và tìm kiếm thêm nhiều nhà cung cấp khác để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp trong nước. Khi được hỏi về cảm nghĩ khi thành tỉ phú, Ye Guofu nói: “Tôi hoàn toàn không nghĩ gì về điều này. Tôi quá bận rộn với công việc thường ngày”.
Theo Bloomberg, Pandayoo
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận