Từ cậu học sinh bỏ học trung học đến ông chủ công ty trò chơi điện tử 105 triệu USD ở tuổi 32
Josh Fabian bỏ học trung học, làm cha ở độ tuổi 20 và từng không có tiền để mua tã cho con. Giờ đây anh là đồng sáng lập và CEO nền tảng huấn luyện chơi game Metafy được định giá 105 triệu USD.
Người đàn ông 32 tuổi da đen từng mồ côi và được một cặp vợ chồng da trắng nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Và ở mọi nơi, Josh Fabian luôn cảm thấy bị cô lập vì màu da và nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó để chứng tỏ bản thân.
“Tôi nhớ mình đã cảm thấy như không tồn tại, cảm giác mình không thích hợp ở bất cứ đâu. Tôi muốn trở nên có ý nghĩa... được coi là người giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó, theo một cách nào đó", anh chia sẻ.
Theo Fabian, việc bị gạt ra ngoài lề có thể là một động lực mạnh mẽ. Hiện tại, anh là đồng sáng lập và CEO của công ty Metafy có trụ sở tại Pittsburgh. Đây là một nền tảng trực tuyến, mới ra đời được 2 năm, nơi những người chơi video nghiệp dư trả tiền cho các buổi huấn luyện với một số người chơi hàng đầu thế giới.
Kể từ khi ra mắt ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, Metafy đã thu hút hơn 50.000 người dùng và hàng nghìn huấn luyện viên, bao gồm những người chơi xếp hạng hàng đầu của các trò chơi phổ biến như “”League of Legends” (“Liên minh huyền thoại”) và “Super Smash Bros”. Công ty đã huy động được gần 34 triệu USD từ các nhà đầu tư và được định giá 105 triệu USD vào tháng 2.
Hành trình của Metafy cho đến nay có vẻ giống như một câu chuyện khởi nghiệp thông thường. Nhưng hành trình của Fabian, từ cuộc sống nhờ vào tem phiếu thực phẩm khi còn là một thiếu niên đến khi trở thành một người chơi “Yu-Gi-Oh!” được xếp hạng quốc gia trên toàn nước Mỹ thì chắc chắn là đặc biệt.
Số tiền "thay đổi cuộc đời"
Ở tuổi 16, Fabian tự rời khỏi cha mẹ nuôi của mình. Anh đã bỏ học trung học và trở thành cha lần đầu tiên ở tuổi 20. Có thời gian, anh và bạn gái khi đó sống nhờ phiếu thực phẩm, thỉnh thoảng phải ăn cắp tã và các đồ dùng khác cho con mình.
Fabian là một lập trình viên tự học. Nguồn thu nhập chính của anh vào thời điểm đó là thiết kế các trang web nhỏ với giá khoảng 100 USD cho mỗi một dự án. Quyết định bản thân cần phải nghiêm túc làm việc để có thể nuôi sống gia đình, Fabian đã trau dồi kỹ năng trong một khóa học viết code kéo dài ba tháng ở Chicago. Điều này đã giúp anh có được công việc thiết kế web với công ty khởi nghiệp thị trường xã hội Obaz vào năm 2012.
Ngoài mức lương 6 con số, Fabian cho biết anh còn có cổ phần trong công ty. Khi Groupon mua lại Obaz hai năm sau đó - với giá khoảng 250.000 USD, theo hồ sơ năm 2015 của SEC - anh đã có cuộc sống dễ chịu hơn.
“Điều đó đã thay đổi cuộc đời tôi”, Fabian nói.
Sau gần 3 năm làm việc tại Groupon, Fabian rời xa thế giới công nghệ để tập trung vào một niềm đam mê khác: chơi game. Khi còn là một thiếu niên, Fabian đã đạt được thứ hạng quốc gia trong số người chơi “Yu-Gi-Oh!” hàng đầu của nước Mỹ. Đến năm 2016, anh đã dành 8 giờ mỗi ngày để chơi các trò chơi trực tuyến như “Clash Royale” và “Hearthstone”, đồng thời nhìn tên mình dần vươn lên các vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng.
Fabian thường xuyên phát trực tiếp các trò chơi của mình trên Twitch và đăng video lên YouTube. Cuối cùng, mọi người đã yêu cầu các buổi huấn luyện riêng . Fabian nói: “Tôi đã kiếm được 100 USD/giờ khi làm công việc đó”.
Trong sáu tháng huấn luyện, Fabian cho biết mình đã kiếm được 40.000 USD. Mặc dù công việc giúp anh kiếm tiền thuận lợi nhưng không đủ tốt để Fabian quyết định từ bỏ sự nghiệp thiết kế web nhiều tiềm năng của mình. Cho đến khi, những canh cánh trong lòng anh nhắc lại cho Fabian một lần nữa về mong muốn chứng minh bản thân mình – và khởi nghiệp dường như là cách khả thi nhất để thực hiện điều đó.
Nhận ra bản thân "không cô đơn"
Năm 2016, Fabian đã thử tung ra Kitsu, một nền tảng mạng xã hội dành cho những người hâm mộ truyện tranh anime và manga để kết nối với nhau và khám phá những tựa game mới. Khó khăn, hết tiền và Fabian tiếp tục quay lại với ý tưởng huấn luyện trò chơi điện tử.
Vào thời điểm đó, 4 người con của Fabian đang say mê chơi trò chơi thẻ giao dịch trực tuyến “Pokémon”. Fabian đã liên hệ với một số người chơi hàng đầu để xem liệu họ có sẵn lòng huấn luyện những đứa trẻ của anh hay không. Một người đã nhận lời anh chỉ với 20 USD/ một giờ. Số tiền Fabian cho rằng ít hơn cả chi phí một giờ trông trẻ.
Sau đó, Fabian phát hiện ra rằng nguồn thu nhập chính của huấn luyện viên là một công việc mang tính “nội trợ” có mức thu nhập thấp đến khó tin.
Các game thủ đã tự quảng cáo mình là huấn luyện viên trên các nền tảng như GamerSensei và Fiverr, nhưng Fabian cho biết không ai trong số họ cung cấp các dịch vụ cao cấp hoặc nhận được phí đặt chỗ. Anh và Tom McNiven, một kỹ sư phần mềm được Fabian tuyển dụng để giúp xây dựng Kitsu, bắt đầu tìm hiểu chi tiết về một nền tảng mới và lập trình khi rảnh rỗi.
Khi đại dịch xảy ra, hai người đã trình bày ý tưởng này với Product Club, một công ty tăng tốc khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco do cựu Phó chủ tịch Tinder Jeff Morris Jr điều hành. Kết quả là, công ty khởi nghiệp của Fabian đã nhận được 100.000 USD đầu tư.
Số tiền rất có ích tuy nhiên Fabian cho rằng, giá trị thực của việc gọi vốn thành công đó là sẽ có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm hơn chú ý đến công ty.
Điều này rất quan trọng: Chỉ có chưa đầy 1% những nhà sáng lập da đen nhận được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm mỗi năm. Và kể cả những cuộc kêu gọi đầu tư thành công cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Những mục tiêu tương lai
Hiện tại, Metafy có được một nguồn doanh thu ổn định: Công ty kiếm tiền từ khoản phí 5% được tính cho mỗi học viên.
Fabian muốn nền tảng của mình cuối cùng sẽ tổ chức “nội dung kiểu MasterClass để chơi game” và các sự kiện nơi huấn luyện viên và học viên có thể gặp gỡ - hoặc thậm chí thi đấu ở đời thực. Anh tuyên bố, Metafy có thể trở thành một công ty khởi nghiệp tỷ USD “trong vòng vài năm tới” và thay đổi vĩnh viễn thực trạng thể thao điện tử, giống như cách Twitch trở nên phổ biến với việc phát trực tuyến.
Các nhà đầu tư của Metafy cho biết, họ tin rằng anh có thể thành công - tuy nhiên họ cũng có những nghi ngại. Đối tác quản lý của Forerunner Ventures, Brian O’Malley, người mà Fabian coi là “là người cố vấn lớn nhất của tôi”, nói rằng bản thân đầu tư vì “sự hiểu biết của Fabian về game thủ - không chỉ những gì họ muốn làm mà còn những gì họ sẽ yêu thích”. Đó là một đặc điểm cần thiết của một nhà sáng lập thành công, theo O’Malley.
Có lẽ đó là lý do tại sao Fabian so sánh tầm nhìn của mình với những ông lớn công nghệ như YouTube và Uber, mặc dù đang điều hành một công ty rất non trẻ mà anh thừa nhận là “thậm chí còn chưa đạt được lợi nhuận”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận