Từ Apple đến Starbucks đều lao đao, Trung Quốc không còn là 'mỏ vàng' của các ông lớn phương Tây
Triển vọng của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đang ngày càng u ám do nhu cầu sụt giảm, cạnh tranh doanh nghiệp nội địa và rủi ro thương mại gia tăng.
Mới đây, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế do Bộ Thương mại kiểm soát tuyên bố rằng 90% doanh nghiệp nước ngoài đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Các chỉ số kinh doanh cho thấy các công ty phương Tây đang đứng trước ngã rẽ khó khăn tại thị trường này. Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy chưa đến 50% Giám đốc điều hành lạc quan về triển vọng kinh doanh trong 5 năm tới - mức thấp kỷ lục.
Điển hình là động thái của tập đoàn General Motors (GM): Giám đốc Mary Barra thông báo sẽ ghi giảm giá trị các liên doanh tại Trung Quốc hơn 5 tỷ USD và từng bước đóng cửa nhà máy.
Từng được coi là thị trường "vàng" của các doanh nghiệp phương Tây, Trung Quốc giờ đây đang mất dần sức hấp dẫn. Theo phân tích, doanh số bán hàng của các công ty Mỹ và châu Âu tại thị trường này đã giảm từ đỉnh 670 tỷ USD năm 2021 xuống còn 650 tỷ USD năm ngoái.
Xu hướng suy giảm vẫn tiếp diễn. Gần một nửa số doanh nghiệp trong nghiên cứu đang chứng kiến mức giảm doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp những tuyên bố về việc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó khăn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Các CEO buộc phải liên tục biện minh cho quyết định duy trì hoạt động tại thị trường này, thay vì mở rộng như những năm trước.
Vào tháng 9/2024, Volkswagen cho biết sẽ đóng cửa nhà máy ô tô thứ hai tại Trung Quốc trong vòng hai năm
Thực tế phũ phàng
Hàng loạt tập đoàn toàn cầu đang chật vật tại thị trường Trung Quốc. Từ gã khổng lồ công nghệ Apple, nhà sản xuất ô tô Volkswagen, chuỗi cà phê Starbucks cho đến tập đoàn xa xỉ LVMH - đều chứng kiến đà suy giảm doanh số đáng báo động.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài liên tục than thở về việc kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường tỷ dân dường như đã kết thúc. Dù một số công ty như dược phẩm Eli Lilly và chuỗi siêu thị Walmart vẫn duy trì hoạt động, quy mô nhân sự và hoạt động của họ đang bị thu hẹp đáng kể.
Nguyên nhân chính nằm ở tình trạng người dân thắt chặt chi tiêu sau khi nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng bất động sản. Bất chấp hàng loạt biện pháp sửa chữa và kích thích được Chính phủ tung ra, kết quả vẫn không mấy khả quan.
Doanh số bán bất động sản liên tục giảm so với năm ngoái, với dự báo tiếp tục suy thoái cho đến năm 2025. Nỗ lực kích thích tiêu dùng vẫn chưa đủ để đưa nhu cầu của người tiêu dùng vẫn trở lại mức cần thiết để phục hồi.
Áp lực giảm phát đang như một "cơn ác mộng" với các doanh nghiệp tại Trung Quốc. Thống kê cho thấy tới 27% doanh nghiệp công nghiệp nước này đã rơi vào tình trạng lỗ vào cuối tháng 10.
Bên cạnh đó, nguồn cung dư thừa ở nhiều ngành, từ xe điện, điện mặt trời đến vật liệu xây dựng, đã dẫn đến một cuộc chiến giá cạnh tranh khốc liệt. Mary Barra, CEO General Motors, thẳng thắn chỉ ra tình trạng "đua về đáy" đang khiến các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó.
Chưa dừng lại, nhiều thương hiệu cũng đang dần bị đối thủ Trung Quốc "bỏ xa". Điển hình là cuộc so kè trong ngành F&B giữa Starbucks và Luckin Coffee. Tính đến tháng 9, Luckin đã sở hữu 21.000 cửa hàng - gấp ba lần Starbucks chỉ trong một năm. Brian Niccol, tân CEO Starbucks, thừa nhận mức độ cạnh tranh "cực đoan" tại thị trường này, thậm chí đang cân nhắc bán phần sở hữu của mình.
Lợi thế công nghệ - thế mạnh từng giúp các doanh nghiệp phương Tây dẫn đầu - giờ đây đã bị thách thức. Các nhà sản xuất robot công nghiệp Trung Quốc đã chiếm gần một nửa thị trường nội địa, tăng mạnh so với mức dưới một phần ba hồi năm 2020.
Apple đang phải chật vật trước những đối thủ như Huawei với các mẫu điện thoại thông minh mới tinh vi. Trong lĩnh vực ô tô điện, các hãng như BYD và NIO không chỉ sản xuất xe rẻ hơn mà còn tích hợp các công nghệ thông minh phù hợp với thị hiếu người dùng địa phương, dần thay thế những lựa chọn thời thường toàn cầu như Tesla hay Ford.
Khó khăn bủa vây
Các công ty phương Tây còn đang mắc kẹt giữa cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 2/12, tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành các hạn chế mới về xuất khẩu chip, trực tiếp ảnh hưởng đến các ông lớn công nghệ như Applied Materials, Lam Research, KLA và ASML.
Ngay lập tức, bốn hiệp hội công nghiệp Trung Quốc đã đưa ra phản ứng cứng rắn, kêu gọi giảm mua chip Mỹ. Trong khi đó Chính phủ Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu các khoáng sản chiến lược nhằm đáp trả đòn đánh vào ngành bán dẫn.
Cuộc chiến thương mại lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Các hãng rượu mạnh châu Âu như Rémy Cointreau và Pernod Ricard chứng kiến cổ phiếu lao dốc sau khi Trung Quốc áp dụng biện pháp chống bán phá giá lên các sản phẩm rượu, các sản phẩm từ sữa của châu Âu - hành động được cho là trả đũa mức thuế của EU đối với xe điện Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định tình hình sẽ còn phức tạp. Theo Andrew Polk từ công ty tư vấn Trivium China, các doanh nghiệp nước ngoài đang bị mắc kẹt giữa một cuộc đấu trường địa chính trị nguy hiểm. Triển vọng của họ sẽ tiếp tục căng thẳng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời đe dọa tăng thuế và Chủ tịch Tập Cận Bình đáp trả bằng các biện pháp gây khó dễ cho doanh nghiệp Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường