Từ 13.000 tỷ lợi nhuận Sacombank (STB) đến “bữa ăn” của những cổ đông nhỏ: Đừng để nỗi buồn chuyển “mãn tính”
Trả lời chất vấn của cổ đông về việc 8 năm không chia cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: “Bản thân tôi cũng là cổ đông lớn của Sacombank và cũng muốn được nhận cổ tức".
Cổ tức là một “miếng bánh ngọt” được nhiều cổ đông chờ đợi mỗi năm bất kể bằng tiền mặt hay cổ phiếu. Đặc biệt, đối với ngành ngân hàng, sau 2 năm liên tiếp bị hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt, năm 2023, nhiều nhà băng đã “mạnh tay” chi tiền “khủng” chia cổ tức bằng cả hai hình thức tiền và cổ phiếu như ACB, HDBank hay TPBank.
Tuy nhiên, mùa ĐHCĐ vừa qua, một số ngân hàng cũng cho biết sẽ không chia cổ tức mặc dù năm 2022 là một năm bùng nổ về lợi nhuận. Điều này vô hình làm “tổn thương” đến nhiều cổ đông, nhất là những cổ đông lâu lăm…
Sacombank và câu chuyện 8 năm không trả cổ tức cho cổ đông "nuôi con"
Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB), nhiều cổ đông đã chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng về việc nhiều năm trở lại đây không chia cổ tức trong khi lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt.
Cụ thể, một nữ cổ đông hỏi: “Chúng tôi đọc báo cáo tài chính của ngân hàng và thấy lợi nhuận của ngân hàng tương đối cao, tăng 44% so với năm trước, giá trị của cổ phiếu cũng có lên “chút đỉnh” nhưng tại sao vẫn không chia cổ tức. Chúng tôi đã chịu 7-8 năm không chia cổ tức và chúng tôi không đồng tình với việc ngân hàng không chia cổ tức trong năm nay. Tôi mong rằng phía ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm và xin ý kiến chia cổ tức cho cổ đông”.
Bên cạnh đó, nữ cổ đông cũng cho biết thêm: “Tôi đầu tư vào ACB, năm nay chuẩn bị chốt chia cổ tức tỷ lệ 25%. Tôi giữ cả trăm ngàn cổ phiếu, chia cổ tức thì tôi có lời để nuôi con".
Nhiều cổ đông bức xúc vì Sacombank tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2023.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Sacombank trong những năm trở lại đây, có thể thấy, lợi nhuận của nhà băng ghi nhận tăng trưởng tương đối ổn định. Lợi nhuận trước thuế 2022 trên báo cáo hợp nhất của Sacombank là 6.339 tỷ đồng. Lợi nhuận sử dụng để phân phối gần 4.705 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank hiện giữ lại 12.672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất lũy kế.
Nguồn: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Sacombank
Mặc dù ghi nhận lãi lớn, ngân hàng vẫn tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Như vậy, năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Sacombank không chia cổ tức. Lần cuối cùng cổ đông của ngân hàng này được nhận cổ tức là vào năm 2015 và bằng hình thức cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Chưa “dứt điểm” được vấn đề tại Phương Nam, cổ đông vẫn phải chờ!
Trả lời vấn đề cổ tức nói trên của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, ở thời điểm hiện tại, ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.
Hiện nay, Sacombank cơ bản đã xử lý xong nợ xấu, chỉ còn vướng mắc lớn nhất là cổ phần của ông Trầm Bê. Ngân hàng cũng đã trình NHNN phương án mua lại số cổ phiếu đó từ NHNN để bán đấu giá, khi bán xong khoản này, ngân hàng mới tái cơ cấu thành công.
“Không chỉ có các cổ đông mới muốn chia cổ tức mà bản thân tôi cũng là cổ đông lớn của Sacombank và cũng muốn được nhận cổ tức”, ông Minh nhấn mạnh.
Trở lại với Sacombank những năm 2010, khi đó, ngân hàng từng được xem là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2015, sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam, tình hình kinh doanh của Sacombank nhanh chóng “đổ dốc”.
Thông thường, mỗi quyết định sáp nhập, các nhà băng đều hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô hoặc làm gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, “phi vụ” sáp nhập Phương Nam vào Sacombank và một trường hợp “đặc biệt” chủ yếu nhằm cứu Ngân hàng Phương Nam khỏi việc phá sản bởi nợ xấu lên mức rất cao.
Cụ thể, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, nợ xấu của Ngân hàng Phương Nam năm 2013 là 55,3% (ước tính trước thời điểm sáp nhập lên đến trên 70%). Chính vì món nợ xấu quá lớn này mà sau khi sáp nhập Phương Nam, Sacombank từ một ngân hàng khỏe mạnh đã “lâm bệnh” trở thành một ngân hàng yếu.
Sau sáp nhập, tổng tài sản Sacombank tăng lên trên 292.000 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng tăng nhanh chóng lên gần 270.000 tỷ đồng. Đặc biệt Sacombank giữ nguyên đà tăng nợ phải trả, lên đến trên 345.200 tỷ đồng vào năm 2017 - chỉ 3 năm sau vụ sáp nhập rúng động thị trường ngân hàng.
Nguồn: Hồ Nga tổng hợp
Cùng với đó, ngay sau sáp nhập, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Sacombank đã lao dốc về mức 1.470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 648 tỷ đồng. Bước sang năm 2016, tình trạng kinh doanh càng trở nên bi đát khi thu nhập từ lãi thuần chỉ đạt 4.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 88 tỷ đồng. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đó.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC Sacombank
Năm 2018, lợi nhuận của Sacombank bắt đầu dần phục hồi về giai đoạn 2013-2014, trước thời điểm sáp nhập Phương Nam sau đó tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung, Sacombank đã bị nhiều “đàn em" khác bỏ lại phía sau. Các ngân hàng có quy mô tương đương Sacombank trước sáp nhập như Techcombank, ACB hay MB cũng đã vượt xa Sacombank vào thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, với kết quả kinh doanh và xử lý nợ ở thời điểm hiện tại, Sacombank đã phần nào cho thấy được sự chuyển mình để phát triển sau gánh nặng sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.
Kết thúc quý 1/2023, Sacombank báo lãi trước thuế đạt gần 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Về quy mô tài sản, tổng tài sản của Sacombank đạt 596.994 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong số 27 ngân hàng đã lên sàn, tuy nhiên vốn điều lệ của ngân hàng chỉ ở mức hơn 18.852 tỷ - thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng có quy mô tổng tài sản như SHB hay ACB.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, Sacombank xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và sang năm 2024, ngân hàng sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận