TTCK tháng 5: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại
Trong tháng 4, Chính phủ đã cố gắng kích thích dòng tiền và niềm tin của thị trường thông qua việc khuyến khích tái khởi động các dự án bất động sản (BĐS) bị chững lại. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế - tài chính kỳ vọng trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hạ lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 5%. Theo đó, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ có những tín hiệu tích cực.
Động lực từ chính sách kích cầu
Báo cáo phân tích mới đây của Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN) cho thấy, mặc dù mức tăng trưởng quý 1/2023 đáng thất vọng khi đạt 3,32%, nhưng điều này đã thúc đẩy Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kích thích hơn và cố gắng tái tăng tốc nền kinh tế.
Cụ thể, về mặt tài khóa, ngoài 240.000 tỷ đồng chi cho nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe và đầu tư công 2022 - 2023, chương trình kích cầu COVID-19 vẫn còn nguyên vẹn. Bộ Tài chính thống nhất gia hạn nộp tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đến hạn nộp từ tháng 3 - 8/2023. Bộ cũng đang đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô, đồng thời đang chờ sự chấp thuận chính thức của Quốc hội về việc cắt giảm 2% GTGT trong năm nay. Tổng khoản thanh toán gia hạn khoảng 123 nghìn tỷ đồng và khoản cắt giảm thuế GTGT khoảng 35.000 tỷ đồng, lớn bằng các gói cứu trợ tương tự giai đoạn 2020 - 2022.
Về mặt tiền tệ, tính đến cuối tháng 4/2023, NHNN đã tích lũy được khoảng 4,8 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong 4 tháng, nghĩa là bơm 110 nghìn tỷ đồng vào nền kinh tế. Ngay cả khi rút ròng 44 nghìn tỷ đồng/1,9 tỷ USD trên thị trường OMO (nghiệp vụ thị trường mở), tổng thể là bơm ròng 66 nghìn tỷ đồng/2,9 tỷ USD, đây là một sự khác biệt đáng chú ý so với cuối năm 2022, khi NHNN hút ròng 570 nghìn tỷ đồng/24,7 tỷ USD (530 nghìn tỷ đồng/23 tỷ USD từ bán USD và 40 nghìn tỷ đồng/1,7 tỷ USD rút ròng trên thị trường OMO) ra khỏi nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN không chỉ công bố cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và lãi suất tái cấp vốn mà còn ban hành Thông tư 02, cho phép tạm giãn, hoãn nợ đối với các công ty trong nước đang gặp khó khăn với dòng tiền eo hẹp.
Hầu hết các hỗ trợ mà chính phủ đã sử dụng trong thời kỳ COVID-19 đang được tái áp dụng, với quy mô cũng tương tự. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế - tài chính, các chính sách cần một vài tháng để phản ứng vào nền kinh tế. Việc hạ lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản vào cuối tháng 3/2023 vẫn chưa thành hiện thực với lãi suất cho vay thấp hơn, vì vậy tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm xuống 9,7%/năm vào ngày 20/4/2023, từ mức 10,5% vào cuối tháng 3/2023.
Vì thế, VnDirect dự báo lợi nhuận thị trường sẽ giảm khoảng 14% trong nửa đầu năm 2023, nhưng sẽ tích cực hơn trong nửa năm sau, đưa mức tăng trưởng cả năm lên khoảng 12 - 14%... Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch tại mức 0,7 lần P/E trung bình 5 năm và 0,7 lần P/B trung bình 5 năm. Tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 3 ở khoảng 8,7%, chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tiếp tục nới nhẹ trong tháng 4 khi lãi suất huy động duy trì đà giảm, trong khi E/P gần như đi ngang.
Theo VnDirect, mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10 - 11 năm ngoái để nhà đầu tư có thể giải ngân quyết liệt vào kênh chứng khoán, nhưng với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới thì khoảng cách có thể tiếp tục nới rộng thêm và nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư.
Dòng tiền sẽ quay trở lại
Với những phân tích trên, các chuyên gia kinh tế - tài chính kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại trong tháng 5, bởi sự hỗ trợ của Chính phủ không chỉ được áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế mà còn đặc biệt cho thị trường BĐS.
Theo MSVN, NHNN đang cố gắng bơm thanh khoản trực tiếp cho các nhà phát triển; bên cạnh đó Chính phủ cũng đã chỉ đạo 4 NHTM (Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank) khởi động gói cho vay 120 nghìn tỷ đồng cho chương trình nhà ở xã hội, ban hành Thông tư 03 để tạm thời cho phép các NHTM mua trái phiếu chưa niêm yết cho đến ngày 31/12/2023 và đang cân nhắc giảm tỷ trọng rủi ro pháp lý, áp dụng cho một số khoản vay liên quan đến BĐS.
Mặt khác, chính quyền địa phương, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, đang cố gắng giải quyết các vấn đề cấp phép dự án BĐS, đây là một trong hai nút thắt chính đối với thanh khoản của các nhà phát triển bên cạnh lãi suất cao. Có thể thấy, mặc dù hội nghị thượng đỉnh BĐS do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 17/2/2023 đã kết thúc mà không có bất kỳ kết luận có ý nghĩa nào, nhưng hành động pháp lý sau đó thực sự khiến nhiều người ngạc nhiên.
Cụ thể, trong tháng 4, hàng loạt chính sách được ban hành để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS như Nghị định 10 nhằm hợp pháp hóa sản phẩm condotel và officetel kết hợp giữa khách sạn và căn hộ hoặc văn phòng và căn hộ; TP Hồ Chí Minh cho phép The Grand Manhattan của Novaland tiếp tục xây dựng, đây là một trong 7 dự án được nhắm mục tiêu để khắc phục sự cố cấp phép; đồng thời chấp thuận cấp sổ hồng cho người mua nhà 6 dự án của Hưng Thịnh Land. Hơn nữa, Thành phố hiện đang sàng lọc và nghiên cứu các giải pháp cấp phép cho khoảng 455 dự án bất động sản trên toàn thành phố.
Hiện nay, có 11,3 nghìn tỷ trái phiếu BĐS đáo hạn vào tháng 5/2023, cao hơn 40% so với mức 7,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2023. Số tiền này sẽ tăng gấp đôi vào tháng 6/2023 và tiếp tục tăng lên 31 nghìn tỷ đồng vào tháng 9/2023, cho thấy áp lực đáng kể đối với các nhà phát triển địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế - tài chính tin rằng, những nỗ lực gần đây của Chính phủ sẽ giúp giảm bớt áp lực, kéo theo đó là dòng tiền quay trở lại khi dòng tiền được lưu thông giữa các chủ đầu tư, ngân hàng và người mua nhà, cùng đó là niềm tin thị trường đang dần phục hồi.
Cơ hội trong tháng 5
Theo VnDirect, trong bức tranh lợi nhuận tương đối ảm đạm của thị trường chung thì vẫn có những doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Đây là nhóm doanh nghiệp nhà đầu tư nên bám sát và đưa vào danh sách theo dõi trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, ngành hàng không được ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội nhờ tần suất bay quốc tế phục hồi gần như hoàn toàn. Ngành vật liệu xây dựng sẽ có một năm khởi sắc hơn khi giá các nguyên vật liệu đầu vào (than cốc, quặng sắt) đảo chiều. Ngành ngân hàng, bất động sản khi được khơi thông dòng vốn, chắc chắn có những tăng trưởng tốt và đem về lợi nhuận.
Trong khi đó, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán DSC khuyến nghị, nhóm ngành quan tâm là một số midcap (là những cổ phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp có vốn hoá từ 1.000 - 10.000 tỷ đồng) của ngành thép. Giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp ngành thép như quặng sắt, than cốc và thép phế đều đang trong đà giảm từ cuối tháng 2 tới nay. Với việc chỉ số hàng tồn kho trung bình của ngành thép thường vào khoảng 80 - 110 ngày, các doanh nghiệp đã dần giải phóng được lượng hàng tồn kho giá cao từ trước đó.
Tuy nhiên, giá đầu ra của ngành thép như giá bán thép xây dựng, giá thép HRC hay giá thép thanh cũng đều giảm mạnh. Ngoài lý do các doanh nghiệp phải điều chỉnh giá bán theo diễn biến giá thép thế giới thì việc giá thép thành phẩm giảm còn xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thép yếu và không ổn định. Các kỳ vọng về tác động tích cực từ thị trường thép Trung Quốc tới thị trường thế giới đều không diễn ra như mong đợi.
Kỳ vọng thị trường nội địa của ngành thép gắn liền với kỳ vọng về mảng đầu tư công của Chính phủ, cùng với diễn biến của hai ngành bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn còn hạn chế trong quý đầu năm và cũng chỉ sử dụng thêm 6% sản lượng thép so với mức trung bình.
Yếu tố có khả năng gây đột biến nhất có thể giúp cải thiện nhu cầu sử dụng thép trong nửa cuối năm 2023 sẽ là những thay đổi trong chính sách tiền tệ và các biện pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS từ Chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận