TSMC cắt giảm chi tiêu vốn dù kinh doanh vượt kỳ vọng
Phiên 14/10, giá cổ phiếu của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) tăng tới 4.9% tại Đài Bắc sau khi công ty này tuyên bố cắt giảm khoảng 10% trong mục tiêu chi tiêu vốn năm 2022 và ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3/2022 vượt kỳ vọng.
TSMC, tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho biết công ty dự kiến chi khoảng 36 tỷ USD trong năm 2022 vào thiết bị sản xuất, giảm so với mức dự kiến ban đầu là ít nhất 40 tỷ USD. Chuyên gia phân tích Charles Shum của Bloomberg Intelligence cho biết: “Mục tiêu chi tiêu vốn cả năm của công ty bị cắt giảm 10% cho thấy nhu cầu về điện thoại thông minh và chip PC sẽ yếu trong thời gian dài”.
Về kết quả kinh doanh quý 3/2022, công ty ghi nhận thu nhập ròng tốt hơn ước tính là 280.9 tỷ Đài tệ (8.8 tỷ USD). TSMC dự kiến doanh thu rơi vào khoảng 19.9 – 20.7 tỷ USD trong quý 4/2022, đã điều chỉnh theo một số kỳ vọng nhất định về tỷ giá giữa đồng USD và các đồng tiền của châu Á.
Giá cổ phiếu bán dẫn của châu Á chung xu hướng tăng với giá cổ phiếu của các công ty cùng ngành tại Mỹ. Chỉ số Bloomberg Asia Pacific Semiconductors Index tăng 0.9% trong khi Philadelphia Semiconductor Index tăng 2.9% vào cuối phiên 13/10. Hồi đầu tuần, giá cổ phiếu của TSMC giảm mạnh sau khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, khiến vốn hoá thị trường của công ty giảm về khoảng 320 tỷ USD từ mức hơn 550 tỷ USD hồi tháng 1.
TSMC và các công ty trong cùng ngành đang gặp khó với những biện pháp hạn chế mới của Washington, bao gồm hạn chế xuất khẩu một số loại chip được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính, siết quy định về việc bán thiết bị bán dẫn cho mọi công ty Trung Quốc.
Diễn biến này khiến Applied Materials Inc., hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu, phải hạ dự báo kết quả kinh doanh cho quý 4/2022, trong khi Intel Corp. được cho là đang chuẩn bị sa thải hàng nghìn nhân viên.
Trong khi đó, các giám đốc của TSMC cho biết họ đã xin được giấy phép từ Mỹ để tiếp tục vận hành và xây dựng dây chuyền sản xuất chip 16 nanomet và 28 nanomet của mình tại Nam Kinh, Trung Quốc. Họ khẳng định sẽ đạt được các mục tiêu dài hạn về doanh thu, đồng thời tuyên bố năm 2023 là một năm tăng trưởng. “Theo định hướng của TSMC, tăng trưởng doanh thu ít nhất đạt 43% so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ suất lợi nhuận gộp là 59.5%”, ông Shum của Bloomberg Intelligence cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm chuyên gia tại Fubon Research, các biện pháp hạn chế mới sẽ vẫn tác động lớn đến TSMC so với những hành động trước đó của Mỹ, khiến công ty này giảm khoảng 5 – 8% trong tổng doanh thu. Bloomberg Intelligence cũng ước tính TSMC có thể mất hơn 10% doanh thu hàng năm.
Các biện pháp hạn chế mới là động thái quyết liệt nhất của chính quyền Biden nhằm ngăn Trung Quốc phát triển năng lực công nghệ mà họ coi là một mối đe dọa. Các biện pháp này có thể phá vỡ nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải đối phó với một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn, lạm phát tăng vọt và những khó khăn về nguồn cung kéo dài. Còn riêng với ngành công nghiệp bán dẫn, triển vọng đã bắt đầu u ám ngay cả trước khi ông Biden công bố các biện pháp hạn chế mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận