TS. Vũ Tiến Lộc: Thủ tướng muốn thành lập tổ rà soát điều kiện kinh doanh liên bộ ngành
Chia sẻ tại buổi họp báo Diễn đàn VBF, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Chính phủ đang rất quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng muốn thành lập một Tổ công tác để rà soát các điều kiện kinh doanh để giảm chồng chéo, bớt thực chất các điều kiện kinh doanh ngay trong tháng này.
Theo ông Lộc, năm 2019 Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cùng với đó cải cách thể chế và bộ chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh được WB đánh giá cao hơn, thăng hạng. Tuy nhiên, có một đóng góp của Việt Nam mà ít được đề cập tới, đó là đóng góp của Việt Nam vào tự do hoá thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy trên thế giới.
"Dù còn nhỏ bé, tuy nhiên Việt Nam đã trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn cầu, là một trong những nước đứng hàng đầu về sở hữu các hiệp định thương mại (chỉ sau Singapore trong khu vực Asean)", ông Lộc nói.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đứng hàng đầu trong khu vực Asean về môi trường đầu tư kinh doanh nhưng đến nay mới đứng thứ 5, còn năng lực cạnh tranh mới đứng thứ 7. "Như vậy so với mục tiêu chúng ta còn đang ở khoảng cách rất xa", ông Lộc nói.
Theo đó, ông Lộc cho rằng, muốn đứng đầu khu vực về môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam phải tăng thêm ít nhất hơn 20 bậc trong bảng xếp hạng của WB. "Con đường còn nhiều gian nan nhưng dư địa cải cách cũng còn rất lớn", ông Lộc nói.
Hơn 3.300 kiến nghị của doanh nghiệp được tiếp thu, hơn 2.500 kiến nghị được phản hồi
Ông Lộc cho biết, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có diễn đàn VBF - là nơi để Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp, tiếp thu, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp. Đây cũng được coi là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê của VCCI, từ khi VBF được tổ chức đến nay đã tập hợp được hơn 3.300 kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó 80% kiến nghị nhận được câu trả lời từ phía cơ quan quản lý. 60% doanh nghiệp cho biết hài lòng với những trả lời, giải quyết của các cơ quan nhà nước. Như vậy, theo ông Lộc vẫn còn một hành trình cần phải vượt qua để cơ quan quản lý hướng tới yêu cầu của doanh nghiệp.
"Chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 7%, 8% hoặc hơn thế nữa nếu các cải cách được làm triệt để", ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cũng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã giải quyết phần nào những vấn đề chồng chéo trong luật định nhưng vẫn còn nhiều chồng chéo và nếu giải quyết được triệt để những vấn đề này sẽ tạo dư địa cho tăng trưởng, tạo ra đột phá về môi trường kinh doanh.
Năm 21018 đã giảm được 50% điều kiện kinh doanh do nỗ lực của cộng đồng kinh doanh và nhà khoa học. Tuy nhiên, đến năm nay Thủ tướng giao các bộ ngành tự rà xét dẫn tới tình trạng tiến trình diễn ra rất chậm.
Năm 2019, Chính phủ đã quyết liệt trong các chỉ tiêu, ấn định các bộ ngành phải đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh. Các bộ ngành cũng báo cáo đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, thao khảo sát của CIEM thì thực chất chỉ đạt được 30%. Theo đó, còn 20% điều kiện kinh doanh nữa cần được cắt giảm thực chất nữa mới đạt mục tiêu.
Vì thế, ông Lộc cho biết, Thủ tướng muốn thành lập một tổ công tác nhằm phát hiện ra các điểm chồng chéo, xung đột trong điều kiện kinh doanh để yêu cầu xử lý.
Tổ công tác rà soát các điều kiện kinh doanh này sẽ có vị trí khá độc lập gồm các vụ trưởng pháp chế của các bộ ngành và các chuyên gia độc lập không ở các vị trí quản lý. Tổ công tác này sẽ có vai trò lớn trong thúc đẩy cải cách, xoá bỏ các điều kiện kinh doanh, có tính liên thông được các bộ ngành.
"Thủ tướng muốn thành lập tổ công tác rà soát chồng chéo trong luật pháp về kinh doanh ngay trong tháng 1 này", ông Lộc cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận