menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

TS. Vũ Tiến Lộc: Gắn chặt kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ

Đối với việc kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc đã đề xuất cần tiếp tục giảm tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra. Ngoài ra, phải gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ.

Sáng 10/1, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2019 với chủ đề Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.

Với góc nhìn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, năm 2019 Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý lớn cho đến thúc đẩy thực thi các giải pháp cụ thể.

Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội để thảo luận và chuẩn bị thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hai đạo luật lớn được kỳ vọng tạo ra động lực mới trong phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, từ ngày đầu tiên của năm 2019, Chính phủ ban hành nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh và Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rốn ráo thúc đẩy thực hiện.

“Kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện qua các kết quả kinh tế xã hội năm 2019, vượt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra. Kết quả tích cực này cũng được thể hiện ở sự thăng hạng, tăng điểm của Việt Nam trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới. Nó cũng thể hiện rất rõ qua số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới mấy năm liền đạt con số kỷ lục, qua con số kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua dấu mốc 500 tỷ đô la Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của DN tư nhân Việt Nam năm 2019 vừa rồi cũng lần đầu tiên tăng gấp 4 lần so với các DN FDI”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam dù có nhiều cải thiện song vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, trong khi không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn.

“Nhiều ý kiến cho rằng nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được kỳ tích phát triển cao hơn, tốc độ tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt mốc 7-8%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn được nhanh chóng đi vào thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Liên quan đến chồng chéo xung đột pháp luật, ông Lộc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thực hiện việc thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật.

Ông Vũ Tiến Lộc thông tin: “Chúng tôi đã có báo cáo cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để trình Quốc hội tháo gỡ”.

Bước sang năm 2020 - năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, ông Vũ Tiến Lộc đã đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn.

Về khởi sự kinh doanh, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hoá các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp như khai báo lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, mua hoá đơn, mở tài khoản ngân hàng, nộp lệ phí môn bài. Biện pháp đơn giản hoá phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.

Đối với vấn đề thuế, các biện pháp cải cách cần tập trung vào một số vấn đề như đơn giản hoá quy định về thủ tục mua hoá đơn, tự in hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn điện tử; cải thiện việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, xin miễn giảm thuế và xin xác nhận nghĩa vụ thuế; các quy định chính sách thuế cần rõ ràng để tránh xung đột giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, ngành thuế nên đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là dành cho các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Còn với giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc liên thông, khắc phục chồng chéo các thủ tục hành chính của một dự án đầu tư xây dựng hiện nay cần là trọng tâm chính sách trong thời gian tới.

“Các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu để có thể thực hiện liên thông hoặc kết hợp nhằm rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro cho việc thực hiện các dự án. Ngoài ra, cần hướng đến việc xã hội hoá, cho phép nhiều chủ thể tham gia cung cấp các dịch vụ thẩm tra, thẩm định, đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực thiết kế, thi công xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường”, ông Lộc đề xuất.

Thêm vào đó, ông Vũ Tiến Lộc tiếp dục đề xuất phải cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, cơ chế kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh cần được bảo đảm thống nhất giữa văn bản cấp luật và cấp nghị định. Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư cũng cần được tiếp tục rà soát, cắt giảm, giúp đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp phải xin giấy phép con.

Về việc kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Vấn đề giảm tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra cần tiếp tục được chú trọng giải quyết. Các giải pháp cần tập trung thực hiện là ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, thanh kiểm tra công vụ thường xuyên, gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ”.

Bên cạnh những đề xuất vừa nêu, ông Lộc đã đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong các lĩnh vực: Đất đai và đăng ký bất động sản; Cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản; Hạ tầng và tiếp cận điện năng; Xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành; Cổng dịch vụ công các cơ quan nhà nước; Đảm bảo tính ổn định của chính sách; Thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; Minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại