24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy Hạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS.Trương Văn Phước: Nếu dập dịch sớm ở Đà Nẵng, Quảng Nam trong tháng 8, GDP có thể tăng trưởng từ 3,5% đến 4%

Ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Q. Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: đất nước Việt Nam có một sức mạnh kỳ diệu trong việc chống dịch Covid-19 và điều đó còn có thể nhìn thấy trong các biện pháp thúc đẩy hồi phục kinh tế.

Sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ Đà Nẵng và lan sang nhiều tỉnh thành phố khác, ông có nhận định gì về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 trong những tháng cuối năm?

Đại dịch Covid-19 có sức mạnh tàn phá rất ghê gớm và buộc con người phải nhận thức lại về những yếu tố quá bất định và về khả năng hữu hạn của con người trước thiên nhiên. Đến lúc này, nhiều cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức…. đều nhìn đại dịch với tâm trạng lo sợ và bối rối. Cũng vì thế mới xuất hiện các dự báo GDP năm nay của toàn thế giới có thể tăng trưởng âm đến 6-7%.

Thế nhưng, Việt Nam là một câu chuyện khác. Chúng ta có những thành công trong chống dịch Covid-19 mà cả thế giới phải thừa nhận, kể cả khi phát hiện những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng bắt nguồn từ Đà Nẵng. Không thể phủ nhận là Việt Nam có một sức mạnh bí hiểm gì đó, bởi khoa học kỹ thuật hay y tế của ta không hiện đại bằng Mỹ, châu Âu, Nhật, hay Hàn Quốc nhưng lại tìm ra cách rất hiệu quả để ngăn ngừa đại dịch, lại là quốc gia sát nách với nơi bùng phát Covid-19 là Trung Quốc.

Tôi dẫn 2 câu chuyện ở trên để nói rằng, chúng ta không nên quá nặng nề hay máy móc về con số tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ là bao nhiêu. Mối quan tâm hãy dành cho việc, Chính phủ sẽ nỗ lực tột cùng để cùng người dân chống dịch ra sao và đảm bảo cho đời sống của người dân thế nào. Bởi suy cho cùng, tăng trưởng GDP cuối cùng là đảm bảo đời sống người dân, công ăn việc làm và đảm bảo sức khỏe của người dân.

Với việc tăng trưởng 2 quý liên tục đi xuống, đi kèm với việc dịch bệnh lại bắt đầu một chu kỳ mới, một số chuyên gia bắt đầu có những dự báo bi quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam. Còn đánh giá của ông thì sao?

Nếu nhìn vào tăng trưởng vào GDP 6 tháng đầu năm, con số 1,81% sẽ là thấp trong hơn 10 năm gần đây. Nhưng nếu nhìn vào bối cảnh thế giới đang chìm sâu trong nỗi lo sợ về dịch bệnh và tăng trưởng của hầu hết các quốc gia đều bị âm thì con số của Việt Nam là rất tốt.

Cũng cần nói thêm là từ lúc làn sóng thứ nhất của đại dịch trên thế giới đang ở đỉnh, Việt Nam đã có kế hoạch rất rõ ràng về việc sẽ làm gì sau khi dịch kết thúc để tăng trưởng kinh tế. Khi thế giới đã chuyển qua làn sóng thứ hai và Việt Nam bị các ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, tốc độ xử lý của chúng ta cũng rất nhanh và hiệu quả. Đây chính là yếu tố quan trọng cho những kỳ tích cực về phục hồi tăng trưởng của Việt Nam.

Vì thế, tôi tin rằng, nếu Chính phủ chỉ đạo việc chống dịch thật tốt, đặc biệt là dập dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam sớm trong tháng 8 này thì GDP VIệt Nam có thể tăng từ 3,5% đến 4%.

Trong "cỗ xe tam mã" mà Chính phủ đang tập trung thực hiện, giúp phục hồi tăng trưởng GDP (đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng), ông có đề xuất sự thay đổi nào về chính sách giúp đẩy nhanh tốc độ?

Với đầu tư công, tôi chỉ muốn nhắc lại một con số rất đáng chú ý được Tổng cục Thống kê nêu ra, nếu tăng đầu tư công được 1%, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ thêm được 0,06%. Đây là lý do vì sao đầu tư công lại có ý nghĩa quan trọng như vậy trong năm nay khi nói về phục hồi tăng trưởng GDP.

Thực tế, khi tăng được giải ngân đầu tư công, nguồn vốn này sẽ lan tỏa đến khoảng 50 ngành trong nền kinh tế, tác động đến thu nhập của rất nhiều người lao động và từ đó kích thích tiêu dùng.

Đối với yếu tố tiêu dùng, tôi có suy nghĩ về việc điều chỉnh giảm thuế suất VAT trong một khoảng thời gian để giúp giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng mạnh hơn. Đây có thể là một biện pháp phi tiền lệ, phi truyền thống nhưng trong bối cảnh hiện nay cần có những cách tiếp cận mới mẻ, mạnh mẽ và khẩn trương hơn dưới góc độ tài khoá.

Nếu thực hiện, biện pháp này có thể gây ra việc giảm nguồn thu ngân sách và tăng tỷ lệ thâm hụt so với GDP. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc chấp nhận một tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao hơn so với kế hoạch để hồi phục lại nền kinh tế là điều có thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay.

Trong bối cảnh đẩy mạnh kích cầu, lãi suất lại được điều chỉnh xuống thấp, liệu "bóng ma" lạm phát như những năm trước đây có quay trở lại, gây ra bất ổn vĩ mô?

Tất nhiên là việc ổn định kinh tế vĩ mô bao giờ cũng quan trọng nhưng việc "nhắc" đến quá nhiều trong bối cảnh hiện nay là "không nên" dù nó là không sai. Lạm phát ở Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng: giá của các hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài mà xăng dầu đóng một vai trò quan trọng và giá hàng hóa dịch vụ trong nước.

Chúng ta đã nhìn thấy giá xăng dầu xuống thấp như thế nào trong tháng 3-4 và với tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay thì cũng không thể tăng cao được. Trong khi đó, giá trong nước không tăng lên vì tiêu dùng đang yếu, đang muốn kích lên mà còn chưa được cơ mà. Thêm nữa, năm nay, Chính phủ chưa có ý định tăng giá các hàng hoá, dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, điện... Năm nay, lạm phát của Việt Nam sẽ thấp.

Thế nhưng, việc công bố lạm phát bình quân của Việt Nam trong 7 tháng đã là 4,07% mới đây không phải là con số đáng lo hay sao?

Việc công bố chỉ số lạm phát bình quân nếu không được giải thích cặn kẽ có thể tạo ra một sự nhầm lẫn hoặc hoang mang với một số người. Thực ra, chúng ta phải dùng lạm phát theo năm (year to year inflation) hoặc lạm phát từ cuối năm tới thời điểm hiện tại (year to date inflation). Nếu là year to year inflation sẽ không cao như con số 4,07% và year to date inflation (từ 31/7/2020 đến 31/12/2019) là -0,19%. Do vậy, nói lạm phát 7 tháng âm mới là đúng. Tất nhiên, việc nói lạm phát bình quân là 4,07% không sai nhưng dùng cái đó để tạo ra kỳ vọng của người dân về lạm phát thì không đúng.

Tôi dẫn các con số dài dòng đó để khẳng định lại một điều, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới rơi vào suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm, tổng cầu thế giới sụt giảm nghiêm trọng, năm nay chúng ta sẽ không phải quá lo lắng về lạm phát.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái, rủi ro tăng cao nhưng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước lại "gợi ý" các tổ chức tín dụng hạ lãi suất cho vay. Điều này có phải là một biện pháp phi thị trường hay không khi mà rủi ro cao phải đi kèm với lãi suất cao?

Lãi suất là nơi gặp gỡ giữa cung tiền và cầu tiền mà tín dụng tăng trưởng trong những tháng đầu năm thấp, huy động vốn tăng mạnh hơn thì lãi suất phải thấp xuống là đương nhiên thôi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã rất linh hoạt về chính sách, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ với người vay nhưng không được tính lãi dự thu hay không được "đếm cua trong lỗ"... Tôi thấy giải pháp đó rất hợp lý.

Vấn đề ở đây là, ngân hàng thương mại là người kinh doanh tiền, là một trung gian tài chính vay tiền của doanh nghiệp của người dân và lại cho vay với dân cư và doanh nghiệp cho nên khi cơ cấu lại nợ mà không được hạch toán lãi dự thu thì họ sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Bởi họ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền mà lại không thu được tiền lãi cho vay. Tôi nghĩ rằng, vấn đề này có thể chấp nhận được từ nay đến cuối năm nhưng những tháng đầu năm 2021 thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại sao cho thấu tình, đạt lý.

Mặc dù kinh tế Việt Nam chịu tác động rất nặng của đại dịch Covid-19 và từ cuối tháng 7 còn phát hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất phát từ Đà Nẵng nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều phiên tăng. Điều này có thể giải thích ra sao?

Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin được đặt một câu hỏi: Vì sao nước Mỹ chứng khoán cũng tăng như thế trong khi tình hình dịch bệnh và nền kinh tế còn gặp những khó khăn nghiêm trọng hơn nhiều?

Kinh tế học vĩ mô về tài chính và tiền tệ có lý thuyết về kỳ vọng hợp lý và điều này có thể giải thích cho biến động về giá chứng khoán. Người Mỹ có kỳ vọng vào những chính sách kinh tế tài chính của Tổng thống Trump.

Ông Trump không đề nghị các nhà đầu tư mua chứng khoán để các chỉ số tăng lên, mà đơn giản là đưa lãi suất (FED Fund Rate) xuống 0% hơn 1 năm nay. Đó là lời kêu gọi có giá trị gấp rất nhiều lần các lời kêu gọi khác. Và nhà đầu tư thừa biết là lãi suất xuống, chứng khoán lên. Đó là kỳ vọng hợp lý về giá cổ phiếu. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nền kinh tế hồi phục khác như gói cứu trợ 2.000 tỷ USD nữa…

Nhưng đã là kỳ vọng thì cũng sẽ có những diễn biến khác như tái bùng phát Covid-19 ở nhiều bang làm cho Down Jones rớt vài trăm điểm; rồi việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston (Mỹ) gây lo ngại về chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang cũng làm giá cổ phiếu rớt mạnh…

Các nhà đầu tư Việt Nam cũng có những kỳ vọng hợp lý của mình. Chính phủ không đề nghị ai mua cổ phiếu cả nhưng nhà đầu tư cũng biết rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch thành công nhất thế giới. Kỳ vọng đó làm cho nhà đầu tư tin tưởng về tương lai.

Thứ hai, về mặt kinh tế, Việt Nam là nước rất ít ỏi có tăng trưởng dương trong 7 tháng dù thấp. Kỳ vọng về một quốc gia chống dịch thành công đến một quốc gia có tăng trưởng dương rồi có mức tăng trưởng GDP cả năm chung cao hơn nhiều so với bình quân thế giới là nguyên nhân giúp nhà đầu tư vững tin và mua cổ phiếu.

Tất nhiên, cũng như thị trường Mỹ, khi có biến động khác thì nhà đầu tư lại bán cổ phiếu và giá giảm. Thế nhưng, chuyện đó không làm thay đổi đường xu hướng. TTCK Việt Nam về cơ bản vẫn là một thị trường tích cực theo nghĩa là giá tăng. Trong 2 tuần trở lại đây, sự tăng giảm của chỉ số Vn-Index với xu hướng vẫn đi lên là chứng minh thuyết phục cho nhận định này.

Gần đây, câu chuyện phục hồi tăng trưởng GDP cũng đi kèm với tranh cãi có nên giải cứu các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines hoặc có nên dùng từ "giải cứu" hay không. Góc nhìn ông về vấn đề này như thế nào?

Trên thế giới vừa qua, người ta tổng kết có 3 hành động của các chính phủ đối với nền kinh tế: rescue (giải cứu), support (hỗ trợ), còn recover (giúp cho phục hồi).

Rescue package có thể lấy ví dụ là gói giải cứu 2.000 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 4 vừa rồi: mỗi người dân Mỹ được tặng hơn 1.000 USD để tiêu, rồi hỗ trợ các doanh nghiệp thì có 60 tỷ USD là cho các hãng hàng không của Mỹ - với 42 tỷ USD là cho không).

Có những nước khác họ lại dùng khái niệm support ví dụ như Singapore. Họ hỗ trợ cho Singapore Airlines 8,8 tỷ đô la Singapore, chia làm 2 gói. Gói đầu tiên là cấp vốn với điều kiện là nếu phát hành tăng cổ phiếu thì đó là vốn của Nhà nước trong hãng hàng không này (trị giá 5,3 tỷ đôla), còn gói kia là 3,5 tỷ đô la Singapore là trái phiếu chuyển đổi.

Còn nhiều quốc gia dùng cách "recover" là thấy là khu vực kinh tế nào khó khăn thì họ miễn giảm thuế, lệ phí….

Nhìn như vậy thì có thể thấy là quốc gia nào cũng phải cứu các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không. Vấn đề còn lại là nên công khai, minh bạch với các gói hỗ trợ, giải cứu… đó và làm thế nào cho hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, khi thực hiện các chính sách này, vấn đề là từ ngữ dùng không khéo có thể dẫn tới sự ngần ngại, băn khoăn, và cả những cảm xúc không chính đáng đưa tới sự không đồng thuận của dư luận xã hội. Do vậy, từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng, có thể dùng từ hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt khó khăn là thích hợp.

Nhưng với việc có rất nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ, giúp đỡ, làm thế nào để có thể đảm bảo sự công bằng, hiệu quả khi thực hiện các chính sách của Nhà nước?

Chúng ta cần xây dựng một hệ thống tiêu chí công khai, minh bạch trong hỗ trợ các doanh nghiệp để vượt qua đại dịch, không nên phân biệt việc hỗ trợ cho DNNN hay tư nhân.

Tôi xin lấy ví dụ, các tiêu chí đó cần phải cân nhắc sự đóng góp của doanh nghiệp cho ngân sách trong 30-40 năm nay. Tiếp đến, cần xác định sự đóng góp của ngành đó về công ăn việc làm và sức lan tỏa của ngành cho nền kinh tế; và cũng cần tính đến vai trò của doanh nghiệp trong phục vụ cho an ninh quốc phòng của đất nước.

(Theo Trí thức trẻ)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả