TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Rất lạ là những ngày qua chưa có gia đình nào ở Việt Nam bị cướp vàng'
Tại cuộc họp bàn chính sách quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước sáng 9/6, các chuyên gia đã đưa một số biện pháp chồng "vàng hóa" nền kinh tế, ổn định thị trường.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong 10 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Điều này được thể hiện qua việc người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán hay các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.
Vàng hóa nền kinh tế là hiện tượng kim loại quý lấn át hoặc thay thế đồng tiền trong nước, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Hơn 10 năm trước, tình trạng này xảy ra, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi "làm ăn" của giới đầu cơ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu
Lấy dẫn chứng về một mô hình quốc gia không vàng hóa, ông Hiếu đưa ra kinh nghiệm quản lý thị trường tại Mỹ. Ở quốc gia này, họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức. Thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty.
"Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ. Những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên không bao giờ giữ vàng ở nhà và họ phải mua bảo hiểm vàng", TS. Hiếu nói.
Ngoài TS. Nguyễn Trí Hiếu, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, lại đề xuất cơ quan quản lý cần sớm kiến nghị xây dựng chính sách thuế tương tự với vàng.
Theo bà Mùi, giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó kiểm soát giá kim loại quý. "Áp thuế với vàng trong nước sẽ giúp giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt với những đối tượng mua để đầu cơ, thao túng giá", TS Mùi nói.
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Hiệu phó trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng là hai mục tiêu khác nhau, nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng công cụ hữu hiệu nhất để xử lý buôn lậu, đầu cơ trên thị trường là đánh thuế.
"Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế", ông Nghĩa nhận xét.
Ông Nghĩa nói, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, phải học tập kinh nghiệm các nước, quản lý bằng thuế là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận