TS Nguyễn Đức Thành: Quy mô GDP của Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan, Phillipines
Quy mô GDP của Việt Nam có thể vượt qua hai nước Thái Lan, Philippines, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực. Tuy nhiên, đó là GDP danh nghĩa, còn GDP/người của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Ngày 21/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng đầu năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).
Hạ mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2020
Báo cáo của VEPR chỉ ra, trong quý II/2020, nhiều nền kinh tế hứng chịu tăng trưởng âm. Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, kinh tế châu Âu tiếp tục suy giảm, kinh tế ASEAN tiếp tục suy giảm tăng trưởng, kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề thêm từ đại dịch…
Việc hầu hết các nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa trong các tháng đầu năm có tác động nghiêm trọng lên thị trường lao động và gây đình trệ chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn tiếp tục được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đó, PBoC đã 3 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thu ngân sách nước này đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng Sáu. Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0 - 0,25%, tiếp tục mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng tiếp tục được chính phủ thực hiện.
Theo ước tính mới nhất vào tháng 9 của Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách Mỹ trong năm 2020 có thể chạm mức 3,3 nghìn tỷ USD.
Tại châu Âu, ECB giữ nguyên lãi suất và chi thêm 120 tỷ EUR vào gói thu mua tài sản (APP) cho đến cuối năm và chi thêm 600 tỷ EUR cho PEPP, nâng tổng trị giá của chương trình này lên mức 1.350 tỷ EUR. Cuối tháng 9, Ủy ban châu Âu thông qua gói tài trợ 87,4 tỷ EUR cho các nước thành viên để bảo vệ thị trường lao động.
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương trong quý 3/2020, đạt 2,62%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP tăng 2,12%.
Với kết quả đã đạt được, các chuyên gia VEPR nhìn nhận, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm: kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam…
Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam nằm trong khoảng 2,6 - 2,8% khi việc kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trong các tháng còn lại của năm diễn ra thuận lợi như hiện nay.
Tuy nhiên, nếu có những diễn biến bất lợi đột ngột xuất hiện trong những tháng cuối năm, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 1,8 - 2% hoặc thấp hơn cho cả năm 2020.
"Mức dự báo hiện tại thấp hơn so với ước tính của chúng tôi trong báo cáo trước đây do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn hồi tháng 7 làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch. Trong trường hợp bất lợi hơn khi các nước đối tác của Việt Nam phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa, kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2,0%", chuyên gia viện VEPR thông tin.
Quy mô GDP Việt Nam có thể vượt Thái Lan, Philippines
Xét về quy mô GDP, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện VEPR, nhìn nhận Việt Nam hiện là nền kinh tế hơn 350 tỷ USD. Quy mô GDP của Việt Nam có thể vượt qua hai nước Thái Lan, Philippines, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực. Tuy nhiên, để vượt qua Indonesia, nước có quy mô GDP hàng nghìn tỷ USD không phải dễ dàng. Bởi Việt Nam hiện gặp hai thách thức lớn là giới hạn tăng trưởng và già hóa dân số.
Ông Thành phân tích, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cần duy trì trên 7%/năm trong vài thập kỷ để chuyển đổi nền kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thế nhưng, để giữ được mục tiêu này không hề đơn giản khi thế giới vẫn nhiều biến động và động năng cho tăng trưởng của nền kinh tế đang chuyển đổi nhanh chóng.
Đặc biệt, với dự báo từ năm 2035, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số, chấm dứt thời kỳ dân số vàng, áp lực cực lớn đối với an sinh, xã hội và việc làm. Đây là thách thức đòi hỏi Việt Nam vừa phải phát triển nhanh, ổn định và bền vững.
Ông Thành chia sẻ thêm, thực tế với 350 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua Singapore, nhưng vẫn xếp sau Thái Lan, Philippines và Indonesia. Tuy nhiên, đó là GDP danh nghĩa, còn GDP/người của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN.
"Không có gì đáng mừng cả bởi dân số Việt Nam hiện nay gần 100 triệu người, trong khi số dân Singapore đang chỉ gần 6 triệu người. Chính vì thế, chia GDP/người, rõ ràng Việt Nam vẫn kém xa so với Singapore. Dù vậy, GDP danh nghĩa dẫu sao cũng nói lên sức phát triển của nền kinh tế và uy thế của Việt Nam trong đóng góp vào tăng trưởng của khu vực. Tuy nhiên, đừng lấy đó làm hài lòng mà hãy coi đó là động lực để chúng ta vượt qua, nâng cao giá trị của đất nước, con người", ông Thành khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận